Tiêu chuẩn lựa chọn các Tổng công ty lớn thí điểm thành lập Tập đoàn kinh doanh

14:15 | 03/09/2021

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Trong quá trình từng bước hình thành các doanh nghiệp nhà nước mạnh, trở thành động lực phát triển nền kinh tế đất nước. Chính phủ đã có chủ trương thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế trong số các doanh nghiệp mạnh của Việt Nam.
Tiêu chuẩn lựa chọn các Tổng công ty lớn thí điểm thành lập Tập đoàn kinh doanh
Ảnh minh họa/ https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Trong quá trình từng bước hình thành các doanh nghiệp nhà nước mạnh, trở thành động lực phát triển nền kinh tế đất nước, theo kinh nghiệm của các nước trong khu vực, Chính phủ đã có chủ trương thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế trong số các doanh nghiệp mạnh của Việt Nam.

Ngày 07/03/1994 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 91/TTg về việc thí điểm thành lập tập đoàn kinh doanh.

Về tiêu chuẩn lựa chọn các đơn vị thí điểm được quy định tại Điều 1 là: “Việc chọn đơn vị làm thí điểm phải dựa vào một số tổng công ty, công ty lớn có mối quan hệ theo ngành và vùng lãnh thổ, không phân biệt doanh nghiệp do Trung ương hay địa phương quản lý, có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đảm bảo những yêu cầu cần thiết cho thị trường trong nước và có triển vọng mở rộng quan hệ kinh doanh ra ngoài nước. Mỗi tập đoàn có tên giao dịch riêng, nên giữ những tên giao dịch có uy tín đã quen thuộc trên thị trường trong nước và thế giới”.

Về tổ chức và hoạt động của “tập đoàn kinh doanh”, Điều 2 của Quyết định đã xác định một số nguyên tắc chủ yếu:

1- Tập đoàn là pháp nhân kinh tế do Nhà nước thành lập gồm nhiều doanh nghiệp thành viên có quan hệ với nhau về tài chính và các dịch vụ liên quan và có quy mô tương đối lớn;

2- Việc thành lập tập đoàn phải bảo đảm vừa hạn chế độc quyền vừa hạn chế cạnh tranh bừa bãi. Có thể tổ chức theo ba loại: Tập đoàn toàn quốc; Tập đoàn khu vực; Tập đoàn vùng (ở những thành phố lớn);

3- Tập đoàn phải có 7 doanh nghiệp thành viên trở lên và có vốn pháp định ít nhất là 1.000 tỷ đồng;

4- Về nguyên tắc, tập đoàn có thể hoạt động kinh doanh đa ngành, song nhất thiết phải có định hướng ngành chủ đạo, mỗi tập đoàn được tổ chức công ty tài chính để huy động vốn, điều hoà vốn phục vụ cho yêu cầu phát triển của nội bộ tập đoàn hoặc liên doanh với các đơn vị kinh tế khác;

5- Hội đồng Quản lý của tập đoàn gồm 7-9 thành viên do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm. Hội đồng có trách nhiệm: Thực hiện quyền sử dụng và quản lý các nguồn vốn của Nhà nước, phân giao và điều hoà vốn chung trong nội bộ tập đoàn; quyết định chiến lược phát triển và các phương án kinh doanh của tập đoàn; Quyết định phương án tổ chức bộ máy điều hành tập đoàn và đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc và Kế toán trưởng của tập đoàn;

6- Tổng Giám đốc là đại diện pháp nhân của tập đoàn trong quan hệ kinh doanh trước bạn hàng và trước pháp luật. Tổng Giám đốc có trách nhiệm tổ chức xây dựng kế hoạch và điều hành toàn bộ hoạt động của tập đoàn theo quyết định của Hội đồng Quản lý;

7- Ban kiểm soát được thành lập theo quy chế tổ chức của hệ thống kiểm tra, kiểm soát Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ kiểm soát hoạt động của Hội đồng quản lý, bộ máy điều hành tập đoàn và các doanh nghiệp thành viên;

8- Nhiệm vụ và quyền hạn các doanh nghiệp thành viên:

- Thực hiện quyền hạn và trách nhiệm theo Điều lệ của Tập đoàn;

- Chấp hành luật pháp, chính sách theo quy định của Nhà nước và chịu sự kiểm tra của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Ngọc Hà