Vì sao kết quả kinh doanh của NCB chuyển lỗ thành lãi?

16:41 | 25/01/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Kết quả kinh doanh quý IV vượt trội đã giúp Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) ghi nhận lợi nhuận dương cả năm, thay vì mức lỗ 180 tỷ đồng 9 tháng đầu năm.
Ngân hàng Quốc Dân bất ngờ báo lỗ quý 2/2022, tỷ lệ nợ xấu vượt 10%Ngân hàng Quốc Dân bất ngờ báo lỗ quý 2/2022, tỷ lệ nợ xấu vượt 10%
NCB tiếp tục bổ nhiệm nhân sự cấp caoNCB tiếp tục bổ nhiệm nhân sự cấp cao

Mới đây, Ngân hàng TMCP Quốc Dân công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 với lợi nhuận tăng tới 190% so với cùng kỳ, giúp cải thiện kết quả kinh doanh cả năm.

Cụ thể, trong quý IV/2022, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 480 tỷ đồng, tăng 180% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối lên tới 75,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 21 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các hoạt động kinh doanh còn lại cũng kém khả quan: Lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư chỉ đạt gần 3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lên tới 269 tỷ đồng; Lãi thuần từ hoạt động khác là 7,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ đạt 25 tỷ đồng. Riêng mảng dịch vụ lỗ 2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 42 tỷ đồng.

Vì sao kết quả kinh doanh của NCB chuyển lỗ thành lãi?
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Trong quý IV/2022, chi phí hoạt động của ngân hàng tăng 24% lên 330 tỷ đồng. Tuy vậy, chi phí dự phòng rủi ro lại giảm 45% so với cùng kỳ, chỉ còn 53,5 tỷ đồng. Kỳ này, NCB không ghi nhận các khoản phải xử lý theo phương án cơ cấu lại ngân hàng.

Như vậy, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 181 tỷ đồng, tăng 190% so với cùng kỳ. Theo giải trình của NCB, lợi nhuận quý IV/2022 tăng mạnh so với cùng kỳ nguyên nhân là do thời điểm cuối năm 2022, ngân hàng đã quyết liệt, tăng cường thu hồi xử lý nợ, góp phần tăng thu nhập lãi. Ngoài ra, hoạt động ngoại hối trong quý cũng có sự tăng trưởng mạnh.

Kết quả kinh doanh quý IV vượt trội đã giúp NCB ghi nhận lợi nhuận dương cả năm, thay vì mức lỗ 180 tỷ đồng 9 tháng đầu năm. Tuy nhiên, lũy kế cả năm 2022, lợi nhuận trước thuế của NCB vẫn giảm khá mạnh so với năm 2021.

Nguyên nhân là năm 2022, NCB đẩy mạnh thoái lãi dự thu, ngừng dự thu và trích lập dự phòng với các khoản nợ quá hạn, nợ xấu theo quy định của NHNNN. Trong năm, NCB tăng trích lập dự phòng rủi ro thêm 10,2% lên 268 tỷ đồng, cộng thêm 40 tỷ đồng cho các khoản xử lý theo phương án cơ cấu lại ngân hàng (tổng cộng hơn 308 tỷ đồng). Bên cạnh đó, NCB tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất cho các khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid 19 khiến thu nhập từ lãi không tăng tương ứng với tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Hai mảng tăng trưởng khả quan nhất của NCB năm 2022 là kinh doanh ngoại hối với mức tăng lãi thuần 560% và lãi thuần từ hoạt động khác tăng 155%. Trong khi đó, thu nhập lãi thuần năm 2022 đạt 931 tỷ đồng, giảm 26%; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ là 132,8 tỷ đồng, giảm 7,5%. Lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư đạt gần 167 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ…

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của NCB đạt 90.000 tỷ đồng, tăng 21,8%. Trong đó cho vay khách hàng tăng 14,6%. Năm 2022, huy động vốn của NCB cũng tăng trưởng khá tốt với mức tăng 10,5%, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung toàn hệ thống.

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 19/1, giá cổ phiếu NVB của Ngân hàng TMCP Quốc Dân giao dịch ở mức 20.000đ/cp.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc Dân ( NCB) được thành lập từ năm 1995, từ một ngân hàng nông thôn, NCB đã chuyển đổi quy mô thành ngân hàng đô thị. Năm 2010, cổ phiếu của ngân hàng được niêm yết và giao dịch trên sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Các khách hàng của NVB là những khách hàng lớn, chiến lược có tiềm lực tài chính vững mạnh như Tập đoàn Dệt may Việt Nam…

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (t/h)

vietinbank
ajinomoto