Điểm tin ngân hàng ngày 12/5: Nhiều ngân hàng đua nhau tung lãi suất vay mua nhà ưu đãi
Nhiều ngân hàng đua nhau tung lãi suất vay mua nhà ưu đãi
Đầu tháng 5/2025, hàng loạt ngân hàng thương mại đã công bố các gói vay mua nhà với lãi suất ưu đãi đặc biệt, hướng đến nhóm khách hàng trẻ tuổi. Lãi suất ưu đãi dao động từ 3,6% đến 5%/năm, kèm theo thời gian vay dài và tỷ lệ vay lên tới 100% giá trị tài sản thế chấp.
![]() |
Ảnh minh họa |
TPBank hiện đang dẫn đầu thị trường với gói vay mua nhà dành cho khách hàng dưới 35 tuổi, lãi suất từ 3,6%/năm, thời hạn vay lên tới 35 năm, không phải trả nợ gốc trong 5 năm đầu hoặc chỉ trả 5%. Eximbank và LPBank cũng đưa ra mức lãi suất lần lượt từ 3,68% và 3,88%/năm. Woori Bank và SHB công bố gói vay với lãi suất từ 3,9–3,99%/năm. Riêng HDBank triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, thời hạn vay đến 50 năm, lãi suất từ 4,5%/năm, hỗ trợ người thu nhập dưới 15 triệu đồng/tháng với mức trả góp chỉ từ 200.000 đồng/ngày.
Ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank vẫn duy trì lãi suất từ 5–7%/năm. Một số ngân hàng như ACB, VIB, VPBank cũng áp dụng mức ưu đãi 3,99–5,5%/năm trong 2–3 năm đầu.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rủi ro từ lãi suất thả nổi sau thời gian ưu đãi, có thể lên tới 11–13%/năm. TS Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo người vay cần đảm bảo tổng tiền trả nợ không vượt 60% thu nhập hằng tháng để tránh áp lực tài chính trong dài hạn.
Theo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất vay mua nhà hiện nay đã giảm mạnh so với thời COVID-19, tín dụng nhà ở đạt gần 1,1 triệu tỷ đồng, chiếm 28% tổng dư nợ và có mức tăng trưởng cao hơn tín dụng chung toàn hệ thống.
ACB được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên hơn 51.000 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB – mã: ACB) vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm gần 6.700 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Việc tăng vốn này nằm trong kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Theo đó, ACB sẽ phát hành gần 670 triệu cổ phiếu mới với tỷ lệ 15% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 15 cổ phiếu mới). Sau phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 44.667 tỷ đồng lên tối đa 51.367 tỷ đồng. Dự kiến, kế hoạch phát hành sẽ hoàn tất trong quý III/2025.
ACB cho biết việc tăng vốn nhằm bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn để phục vụ cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu chính phủ, đồng thời hỗ trợ triển khai các dự án chiến lược và đầu tư hạ tầng ngân hàng.
Tính đến cuối quý I/2025, ACB đang nằm trong nhóm 6 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống. Ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý I đạt 4.600 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước do triển khai các chương trình ưu đãi lãi suất hỗ trợ khách hàng. Tuy vậy, chỉ số ROE vẫn giữ mức cao trên 20%.
Quy mô tín dụng của ACB đạt 590.000 tỷ đồng, tăng 3,1% so với cùng kỳ, trong khi huy động vốn đạt 664.000 tỷ đồng, tăng 4%. Tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ xuống còn 1,48%.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ACB kết phiên 9/5 ở mức 24.150 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 5,6% so với đầu năm 2025.
Ngân hàng tăng tốc chuyển đổi số, thanh toán không tiền mặt bùng nổ mạnh mẽ
Thanh toán không tiền mặt đang tăng trưởng bứt phá tại Việt Nam, nhờ vào hệ sinh thái số ngày càng đa dạng và tiện lợi của các ngân hàng. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện nhiều ngân hàng đã thực hiện hơn 95% giao dịch qua kênh số, cho thấy xu hướng số hóa đang bao phủ toàn ngành.
![]() |
Ngân hàng tăng tốc chuyển đổi số, thanh toán không tiền mặt bùng nổ mạnh mẽ |
Báo cáo mới nhất của NHNN cho thấy, năm 2024, giao dịch không dùng tiền mặt tăng mạnh 56,68% về số lượng và 32,79% về giá trị so với năm trước. Tính đến cuối năm, có 10,2 triệu tài khoản Mobile Money được đăng ký, trong đó 72% thuộc khu vực nông thôn và miền núi. Trong khi đó, giao dịch qua ATM tiếp tục giảm, phản ánh sự thay đổi rõ nét trong hành vi người tiêu dùng.
Xu hướng này tiếp tục tăng tốc trong đầu năm 2025. Trong hai tháng đầu năm, thanh toán không tiền mặt tăng 41,28% về số lượng và 21,91% về giá trị. Đặc biệt, giao dịch qua mã QR tăng gần 76% về số lượng và gần 197% về giá trị. Giao dịch qua Internet và điện thoại di động cũng ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể.
NHNN cho biết đang tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường giám sát và phối hợp với cơ quan chức năng để bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng số. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số vẫn đối mặt với nhiều thách thức như hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu nhân lực chất lượng cao và nguy cơ tội phạm công nghệ cao gia tăng.
Dù còn những rào cản, chuyển đổi số trong ngành ngân hàng được đánh giá đang phát triển theo hướng tích cực, góp phần thúc đẩy nền kinh tế số và xây dựng xã hội không tiền mặt.
Cho vay ngang hàng sắp thoát cảnh "tranh tối, tranh sáng"
Sau thời gian dài vận hành trong tình trạng biến tướng, gây nhiều rủi ro cho cả người vay lẫn nhà đầu tư, mô hình cho vay ngang hàng (P2P Lending) tại Việt Nam sắp chính thức bước vào giai đoạn phát triển mới với khuôn khổ pháp lý rõ ràng. Nghị định 94/2025/NĐ-CP về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động fintech, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới, mở đường cho mô hình này hoạt động minh bạch, an toàn hơn.
Thời gian qua, nhiều nền tảng P2P như Tima đã xây dựng quy trình kết nối người vay và cho vay thông qua nền tảng trực tuyến, rút ngắn thủ tục và đa dạng hóa hình thức vay. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều công ty đã đi chệch khỏi mô hình gốc, hoạt động như "cò" tín dụng, kết nối khách hàng với bên cho vay nặng lãi, hoặc thậm chí núp bóng tín dụng đen. Các hình thức lừa đảo như yêu cầu chuyển tiền trước khi giải ngân, quảng cáo lãi suất thấp nhưng thực tế cao “cắt cổ” không còn hiếm gặp. Một số nền tảng từng mất khả năng thanh khoản như VO247, Fiin Credit, khiến nhà đầu tư hoang mang.
Theo các chuyên gia, phần lớn mô hình P2P tại Việt Nam hiện nay thiếu tính minh bạch, chưa có hành lang pháp lý rõ ràng, dễ phát sinh tranh chấp và tiềm ẩn rủi ro cao. Nghị định 94 được kỳ vọng sẽ khắc phục tình trạng này, đưa hoạt động P2P Lending trở lại đúng bản chất là kết nối tài chính giữa cá nhân với cá nhân qua nền tảng trung lập, minh bạch.
Với việc được phép thử nghiệm chính thức, hoạt động cho vay ngang hàng sẽ có cơ hội đổi mới, bảo vệ người tiêu dùng và đóng góp tích cực vào chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Tỷ giá USD “Chợ đen” tăng nhẹ, DXY giữ đà phục hồi
Sáng 12/5, tỷ giá trung tâm giữa VND và USD do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 24.951 VND/USD. Tỷ giá tại Sở giao dịch NHNN niêm yết mua vào – bán ra lần lượt là 23.754 VND/USD và 26.148 VND/USD.
![]() |
Tỷ giá USD “Chợ đen” tăng nhẹ, DXY giữ đà phục hồi/Ảnh minh họa |
Tại thị trường tự do ("chợ đen"), giá USD điều chỉnh tăng nhẹ 2 VND ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên liền trước, hiện giao dịch quanh mức 26.381 - 26.481 VND/USD. Trong khi đó, tỷ giá EUR tại Sở giao dịch NHNN giảm, dao động trong khoảng 26.613 – 29.414 VND/EUR. Tỷ giá đồng Yên Nhật vẫn giữ ổn định ở mức 163 – 180 VND/JPY.
Trên thị trường quốc tế, chỉ số US Dollar Index (DXY) – thước đo sức mạnh của USD so với 6 đồng tiền chủ chốt – đứng ở mức 100,42 điểm. Mặc dù giảm nhẹ đầu tuần trước, DXY đã phục hồi mạnh trong nửa cuối tuần, duy trì triển vọng tích cực trong ngắn hạn. Giới phân tích cho rằng, mức 100 hiện đóng vai trò là hỗ trợ tâm lý quan trọng. Nếu giữ được đà tăng, DXY có thể tiến lên vùng 101,5 – 102 điểm trong thời gian tới, tuy nhiên sẽ cần bứt phá rõ ràng qua mốc 102 để duy trì xu hướng tăng.
Ở chiều ngược lại, đồng euro (EUR) tiếp tục suy yếu. Tỷ giá EUR/USD đã giảm về mức 1,12 như dự báo. Dù khả năng giảm sâu xuống dưới mốc 1,115 không cao, nhưng nếu giữ được đà hồi phục, EUR có thể đảo chiều tăng trở lại, hướng tới các ngưỡng 1,16 – 1,18 trong vài tuần tới và có thể lên đến 1,2 trong những tháng tiếp theo.
Huy Tùng ( T/h)
- Điểm tin ngân hàng tuần qua: Ngân hàng nào có tỷ lệ CIR thấp nhất quý I/2025?
- Điểm tin ngân hàng ngày 10/5: Ngân hàng dẫn đầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp
- Điểm tin ngân hàng ngày 9/5: Nhiều vướng mắc trong xử lý sở hữu chéo
- Điểm tin ngân hàng ngày 8/5: 9 ngân hàng dự chi kỷ lục hơn 33.000 tỷ đồng trả cổ tức tiền mặt
- Điểm tin ngân hàng ngày 7/5: Nợ xấu ngân hàng vượt 1 triệu tỷ đồng, tỷ lệ thu hồi còn thấp