Điểm tin ngân hàng ngày 8/5: 9 ngân hàng dự chi kỷ lục hơn 33.000 tỷ đồng trả cổ tức tiền mặt
9 ngân hàng dự chi kỷ lục hơn 33.000 tỷ đồng trả cổ tức tiền mặt
Năm 2025, làn sóng chia cổ tức tiền mặt tại các ngân hàng thương mại tiếp tục sôi động với tổng số tiền dự chi lên tới hơn 33.000 tỷ đồng – mức cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, nổi bật là sự tham gia của nhiều ngân hàng tư nhân lớn như Techcombank, VPBank, ACB, SHB và đặc biệt là LPBank.
![]() |
Ảnh minh họa |
Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank) gây bất ngờ khi công bố mức chia cổ tức tiền mặt lên đến 25%, tương đương gần 7.468 tỷ đồng – cao nhất hệ thống. Techcombank dự kiến chi gần 7.065 tỷ đồng với tỷ lệ 10%, còn ACB phân bổ 4.466 tỷ đồng để chia cổ tức tiền mặt 10% trong kế hoạch chi trả tổng tỷ lệ 25% gồm cả cổ phiếu.
TPBank và VIB là hai ngân hàng đầu tiên “lăn chốt” chia cổ tức trong năm nay, lần lượt với tỷ lệ 10% và 7%, tổng số tiền chi trả tương ứng là 2.642 tỷ và 2.085 tỷ đồng. VPBank cũng thông qua mức chia 5%, tương đương gần 3.967 tỷ đồng trong năm 2025, sau khi đã chi 7.934 tỷ đồng cho cổ đông trong năm trước.
SHB dự kiến chi 2.033 tỷ đồng với tỷ lệ 5%, trong khi MB phân bổ 1.831 tỷ đồng để chia cổ tức tiền mặt 3%, nằm trong kế hoạch chia tổng tỷ lệ 35% bằng cả tiền mặt và cổ phiếu.
Đáng chú ý, OCB lần đầu tiên công bố chia cổ tức bằng tiền mặt kể từ khi niêm yết, với tỷ lệ 7%, tương ứng hơn 1.726 tỷ đồng.
Ngoài 9 ngân hàng đã công bố kế hoạch, HDBank hiện vẫn để ngỏ việc trả cổ tức bằng tiền mặt. Tuy nhiên, với lợi nhuận còn lại lên tới 10.396 tỷ đồng, khả năng chia cổ tức năm nay là rất cao, dự kiến tối đa 15%.
Việc chia cổ tức tiền mặt ở mức cao cho thấy tình hình tài chính khả quan của các ngân hàng, đồng thời khẳng định cam kết chia sẻ lợi nhuận với cổ đông trong bối cảnh ngành ngân hàng tiếp tục tăng trưởng ổn định.
Khuyến khích ngân hàng ngoại hỗ trợ xử lý tổ chức tín dụng yếu kém
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có báo cáo gửi Quốc hội, cập nhật tiến độ tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD), trong đó nhấn mạnh chủ trương khuyến khích các TCTD nước ngoài tham gia hỗ trợ xử lý các ngân hàng trong nước gặp khó khăn.
Tính đến nay, NHNN đã ban hành bốn quyết định chuyển giao bắt buộc đối với ba ngân hàng mua bắt buộc và Ngân hàng Đông Á, góp phần giữ ổn định hệ thống, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền. Riêng với SCB, NHNN đã trình Chính phủ phương án tái cơ cấu và đang tiếp tục hoàn thiện theo chỉ đạo tại Nghị quyết 25/NQ-CP.
Khối ngân hàng thương mại nhà nước vẫn giữ vai trò chủ lực trong hệ thống về quy mô và hoạt động, đồng thời đẩy mạnh xử lý nợ xấu, tái cơ cấu mạng lưới và nâng cao chất lượng quản trị. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cổ phần cũng đang nỗ lực triển khai các phương án tái cấu trúc, kiểm soát tín dụng và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Với các ngân hàng nước ngoài, NHNN tiếp tục giám sát chặt chẽ nhằm đảm bảo hoạt động đúng pháp luật và an toàn hệ thống. Đáng chú ý, cơ quan này khuyến khích ngân hàng ngoại tham gia xử lý khó khăn của TCTD trong nước, đồng thời mang công nghệ và sản phẩm tài chính hiện đại vào Việt Nam. Các ngân hàng hoạt động kém hiệu quả sẽ bị cảnh báo và yêu cầu tăng vốn hoặc xử lý nợ xấu.
Hiện có 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và 50 chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Sự xuất hiện của các ngân hàng số như MBV, Vikki Bank, VCBNeo đang mở ra cơ hội mới cho nhà đầu tư ngoại, đặc biệt khi Luật Các tổ chức tín dụng 2024 không giới hạn tỷ lệ sở hữu vốn nước ngoài đối với ngân hàng số.
Sacombank tiếp tục đóng cửa 5 phòng giao dịch tại TP.HCM
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa có nghị quyết chấm dứt hoạt động 5 phòng giao dịch (PGD) tại TP.HCM nhằm thực hiện chiến lược tinh gọn bộ máy, chuyển đổi số và nâng cao hiệu quả hoạt động. Các PGD bị đóng gồm Nguyễn Công Trứ (Quận 1), Hòa Hưng (Quận 10), Hòa Thạnh (Tân Phú), Thông Tây Hội (Gò Vấp) và Hoàng Hoa Thám (Bình Thạnh).
![]() |
Sacombank tiếp tục đóng cửa 5 phòng giao dịch tại TP.HCM |
Đây là bước tiếp theo trong quá trình tái cấu trúc mạng lưới của Sacombank. Trước đó, năm 2024, ngân hàng đã giảm 6 PGD, đưa tổng số phòng giao dịch xuống còn 437. Song song với việc cắt giảm điểm giao dịch, số lượng nhân sự cũng được tinh giản mạnh, giảm gần 1.300 người trong vòng hơn một năm qua, chỉ còn hơn 16.100 người.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, Chủ tịch HĐQT Dương Công Minh cho biết ngân hàng sẽ tiếp tục cắt giảm nhân sự, đặc biệt tại các PGD truyền thống, để tập trung cho giao dịch số. Việc sắp xếp, luân chuyển cán bộ quản lý tại các đơn vị kinh doanh kém hiệu quả cũng sẽ được đẩy mạnh.
Dù cắt giảm điểm giao dịch tại khu vực đô thị, Sacombank vẫn mở rộng độ phủ tại nông thôn với 191 điểm giao dịch tại xã, thị trấn – tăng 7 điểm so với năm 2023. Điều này phản ánh định hướng phát triển bền vững và bao trùm của ngân hàng.
Về kinh doanh, quý I/2025, Sacombank đạt 3.674 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 38,4% so với cùng kỳ, hoàn thành 25,1% kế hoạch năm. Ngân hàng đặt mục tiêu năm 2025 đạt lợi nhuận trước thuế 14.560 tỷ đồng – cao nhất từ trước đến nay.
Thống đốc NHNN: Không loại trừ yếu tố đầu cơ, trục lợi đẩy giá vàng tăng cao
Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết giá vàng thế giới liên tục lập đỉnh trong những tháng đầu năm 2025, chủ yếu do bất ổn địa chính trị, xung đột quân sự và hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương, quỹ đầu tư. Bên cạnh đó, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế cao cũng khiến dòng tiền đổ mạnh vào vàng như một kênh trú ẩn an toàn.
Tại Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng tăng mạnh theo xu hướng thế giới. Mặc dù NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp quản lý, đến ngày 23/4/2025, chênh lệch giá vàng miếng trong nước và thế giới quy đổi đã lên tới 14,48 triệu đồng/lượng (tương đương 13,62%). Trong khi đó, đầu năm mức chênh lệch này chỉ khoảng 1–2 triệu đồng/lượng.
Thống đốc NHNN cho rằng, ngoài yếu tố tâm lý kỳ vọng giá vàng thế giới tiếp tục tăng và nguồn cung trong nước không được bổ sung, còn có khả năng một số doanh nghiệp, cá nhân đã lợi dụng tình hình để đầu cơ, thổi giá nhằm trục lợi.
Dù giá vàng trong nước biến động mạnh, NHNN khẳng định hiện tượng này chưa ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ và ổn định vĩ mô. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục giám sát sát sao diễn biến thị trường vàng, phối hợp với các bộ ngành để tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng. Đồng thời, cơ quan này sẽ khẩn trương xây dựng nghị định sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý thị trường vàng.
Nam A Bank được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên hơn 13.700 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) vừa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chấp thuận điều chỉnh vốn điều lệ theo Quyết định số 1951/QĐ-NHNN ngày 29/04/2025. Theo đó, vốn điều lệ của Nam A Bank chính thức được nâng từ 10.580 tỷ đồng lên hơn 13.725 tỷ đồng.
![]() |
Nam A Bank được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên hơn 13.700 tỷ đồng |
Cụ thể, nội dung về vốn điều lệ tại Giấy phép thành lập và hoạt động số 18/GP-NHNN ngày 13/04/2023 đã được sửa đổi, xác nhận mức vốn điều lệ mới là 13.725.505.530.000 đồng. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký và được xem là một phần không tách rời của Giấy phép hoạt động của ngân hàng.
Việc tiếp tục được chấp thuận tăng vốn điều lệ khẳng định năng lực tài chính và chiến lược phát triển bền vững của Nam A Bank trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Đây cũng là bước đi quan trọng giúp ngân hàng tăng cường tiềm lực tài chính, mở rộng hoạt động kinh doanh và cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính trung – dài hạn cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Trong bối cảnh thị trường tài chính đang có nhiều biến động, động thái nâng vốn điều lệ cho thấy sự chủ động của Nam A Bank trong việc củng cố nền tảng vững chắc, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và minh bạch.
Huy Tùng (T/h)
- Điểm tin ngân hàng ngày 7/5: Nợ xấu ngân hàng vượt 1 triệu tỷ đồng, tỷ lệ thu hồi còn thấp
- BIDV triển khai định danh điện tử dành cho khách hàng tổ chức
- Điểm tin ngân hàng ngày 6/5: Khắc phục khoảng trống pháp lý, thúc đẩy xử lý nợ xấu
- Điểm tin ngân hàng ngày 5/5: NHNN đang nghiên cứu tiền kỹ thuật số, khẳng định không cấp phép sàn Forex
- Điểm tin ngân hàng tuần qua: Tăng lá chắn bảo vệ người dùng trong giao dịch số