Điểm tin ngân hàng ngày 13/5: Tăng tốc cuộc đua Private Banking phục vụ giới siêu giàu
Ngân hàng Việt tăng tốc cuộc đua Private Banking phục vụ giới siêu giàu
Thị trường dịch vụ ngân hàng riêng (Private Banking) tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn cạnh tranh sôi động khi số lượng cá nhân siêu giàu (HNWI) ngày càng tăng nhanh. Theo Knight Frank Wealth Report 2024, Việt Nam hiện có hơn 5.400 người sở hữu tài sản thanh khoản trên 10 triệu USD, và dự báo sẽ có khoảng 1.551 người sở hữu trên 30 triệu USD vào năm 2026. McKinsey cũng ước tính tài sản tài chính cá nhân tại Việt Nam sẽ đạt 600 tỷ USD vào năm 2027, với mức tăng trưởng trung bình 15%/năm.
![]() |
Ngân hàng Việt tăng tốc cuộc đua Private Banking phục vụ giới siêu giàu |
Nhận thấy tiềm năng lớn từ tầng lớp khách hàng giàu có này, nhiều ngân hàng trong nước như MB, BIDV, Techcombank và gần đây là VPBank đã đầu tư mạnh vào dịch vụ Private Banking. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa các ngân hàng vẫn còn mờ nhạt, khi hầu hết tập trung vào ưu đãi thông thường như phòng chờ VIP, sân golf, chăm sóc sức khỏe… Thách thức lớn hiện nay nằm ở chất lượng tư vấn – yếu tố then chốt tạo nên giá trị riêng biệt cho dịch vụ quản lý tài sản.
Nhiều khách hàng HNWI phản ánh các chuyên viên tư vấn hiện tại thiếu kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu và chưa đáp ứng được nhu cầu tài chính phức tạp như tư vấn chuyển giao tài sản, tối ưu thuế hay phân bổ danh mục đầu tư. McKinsey khuyến nghị ngân hàng cần chuyển đổi sang mô hình tích hợp chuyên sâu, nơi chuyên viên quan hệ khách hàng (RM) phối hợp chặt chẽ với đội ngũ chuyên gia đầu tư, bảo hiểm, pháp lý để cung cấp dịch vụ toàn diện. Đồng thời, việc đào tạo bài bản và thu hút nhân tài cũng là chìa khóa nâng cao năng lực tư vấn.
Dù đã có bước khởi đầu tích cực, các ngân hàng Việt vẫn cần đẩy mạnh cải tổ mô hình vận hành, phát triển sản phẩm theo chuẩn quốc tế và cá nhân hóa trải nghiệm để chiếm lĩnh thị trường siêu giàu đang phát triển nhanh chóng.
Hơn 16 triệu tỷ đồng vốn tín dụng được "bơm" vào nền kinh tế trong 4 tháng
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa công bố báo cáo phục vụ chất vấn gửi Quốc hội, cho biết đến ngày 15/4/2025, tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt hơn 16,23 triệu tỷ đồng, tăng 3,95% so với cuối năm 2024. Đây là tín hiệu tích cực so với cùng kỳ năm ngoái, khi tín dụng chỉ tăng 1,21%. So với cùng kỳ năm 2024, tín dụng đã tăng 18,19%, cho thấy dòng vốn đang chảy mạnh vào nền kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và động lực tăng trưởng theo đúng định hướng Chính phủ.
Mặt bằng lãi suất cho vay cũng tiếp tục xu hướng giảm. Tính đến ngày 10/4, lãi suất bình quân các khoản vay mới ở mức 6,34%/năm, giảm 0,6 điểm phần trăm so với cuối năm 2024. Để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn, các ngân hàng đã công bố thông tin lãi suất trên website, đồng thời đơn giản hóa thủ tục, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và triển khai nhiều chương trình ưu đãi.
Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay đối với thị trường bất động sản – bao gồm chủ đầu tư, người mua nhà, nhà thầu và các doanh nghiệp cung ứng vật liệu xây dựng – nhằm góp phần tăng thanh khoản và hỗ trợ phục hồi ngành này.
Năm 2025, mục tiêu tăng trưởng tín dụng được đặt ở mức 16%, gấp đôi chỉ tiêu tăng trưởng GDP. Cơ quan quản lý tiếp tục triển khai lộ trình tiến tới bỏ cơ chế phân bổ chỉ tiêu tín dụng, cho phép một số nhóm ngân hàng tự kiểm soát chỉ tiêu này để tăng tính chủ động và linh hoạt trong hoạt động cho vay.
PGBank nâng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng, đặt mục tiêu đạt 20.000 tỷ đồng vào năm 2030
Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank – mã CK: PGB) vừa hoàn tất đợt chào bán 80 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, chính thức nâng vốn điều lệ từ 4.200 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng – tương ứng mức tăng gần 20%. Đây là bước đi quan trọng trong lộ trình tăng vốn dài hạn của PGBank nhằm mở rộng hoạt động và nâng cao năng lực tài chính.
![]() |
PGBank nâng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng, đặt mục tiêu đạt 20.000 tỷ đồng vào năm 2030 |
Theo thông tin từ ngân hàng, đợt chào bán diễn ra từ ngày 24/3 đến 14/4/2025 với tỷ lệ thực hiện quyền là 21:4. Số cổ phiếu còn lại (1,35 triệu đơn vị) cũng đã được phân phối nốt vào đầu tháng 5. Tuy nhiên, ba cổ đông lớn gồm Cường Phát, Vũ Anh Đức và Gia Linh đã không thực hiện quyền mua, dẫn đến việc tỷ lệ sở hữu chung của nhóm này giảm từ 40% xuống còn 33,6%.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, PGBank đã thông qua hai phương án tăng vốn điều lệ thêm tối đa 5.000 tỷ đồng. Phương án thứ nhất là phát hành 50 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 10%. Phương án thứ hai dự kiến chào bán 450 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, theo tỷ lệ thực hiện quyền 11:9.
Lãnh đạo PGBank đánh giá, với uy tín hiện tại và diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán, kế hoạch tăng vốn là khả thi. Đồng thời, ngân hàng cũng đặt mục tiêu nâng vốn điều lệ lên 20.000 tỷ đồng vào năm 2030, qua đó khẳng định chiến lược mở rộng quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Mô hình đại lý thanh toán mở ra hướng đi mới cho Quỹ tín dụng nhân dân
Việc triển khai mô hình đại lý thanh toán đang mở ra bước ngoặt trong tăng cường liên kết giữa Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank) và hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu tiếp cận dịch vụ ngân hàng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa ngày càng gia tăng. Thông tư 07/2024/TT-NHNN, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, lần đầu tiên chính thức luật hóa hoạt động đại lý thanh toán trong hệ thống ngân hàng, cho phép Quỹ tín dụng nhân dân làm đại lý cho Co-opBank để cung cấp các dịch vụ tài chính đến khách hàng địa phương.
Với mô hình này, Quỹ tín dụng nhân dân được ủy quyền thực hiện một số nghiệp vụ ngân hàng như mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ, cung cấp dịch vụ thanh toán… Qua đó, Co-opBank vừa mở rộng khả năng phục vụ, vừa giảm tải áp lực cho hệ thống chi nhánh. Người dân tại các khu vực chưa có ngân hàng thương mại nay có thể tiếp cận dịch vụ ngân hàng chính thống ngay tại địa phương, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và thúc đẩy tài chính toàn diện.
Đối với các Quỹ tín dụng nhân dân, mô hình đại lý thanh toán không chỉ nâng cao năng lực hoạt động mà còn gia tăng nguồn thu từ phí dịch vụ mà không cần đầu tư lớn vào hạ tầng. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các quỹ tiếp cận, triển khai dịch vụ ngân hàng số, nâng cao chất lượng phục vụ và từng bước số hóa hoạt động. Mô hình này được đánh giá là một giải pháp khả thi, hiệu quả và bền vững trong việc đưa dịch vụ tài chính đến gần hơn với người dân vùng sâu, vùng xa.
Dự phòng rủi ro ngân hàng trái chiều quý đầu năm
Quý I/2025 ghi nhận bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng với nhiều biến động, trong đó Vietcombank tiếp tục giữ ngôi vương khi báo lãi trước thuế 10.860 tỷ đồng, tăng 1,3% so với cùng kỳ nhờ cắt giảm hơn 50% chi phí dự phòng rủi ro. Tuy nhiên, nợ xấu cũng tăng 7,7%, kéo tỷ lệ nợ xấu lên 1,03%.
![]() |
Ảnh minh họa |
VietinBank đạt lợi nhuận trước thuế 6.823 tỷ đồng, tăng 10% nhờ tăng thu nhập ngoài lãi gần 28%, dù một số mảng như dịch vụ và ngoại hối sụt giảm. Nợ xấu tại ngân hàng này tăng mạnh 31%, tỷ lệ lên đến 1,55%. Techcombank báo lãi giảm 7,2% còn 7.236 tỷ đồng, dù đã giảm 10% chi phí dự phòng. Tỷ lệ nợ xấu nhẹ tăng lên 1,17%.
TPBank gây bất ngờ khi lợi nhuận tăng 15%, đạt 2.109 tỷ đồng nhờ giảm mạnh 59% chi phí dự phòng. Tuy nhiên, nợ xấu lại tăng tới 57%, tỷ lệ nợ xấu lên 2,27%. Trong khi đó, ACB chủ động trích dự phòng tăng 22%, khiến lợi nhuận giảm 6%, còn gần 4.597 tỷ đồng, song vẫn giữ ROE trên 20%.
Tại nhóm ngân hàng nhỏ, Saigonbank có tín dụng tăng trưởng âm nhưng lợi nhuận trước thuế tăng mạnh 44%, lên 98 tỷ đồng, dù nợ xấu tăng lên 3,28%. PGBank lãi giảm 17%, còn gần 96 tỷ đồng do dự phòng rủi ro tăng gấp 3,5 lần, nợ xấu nhích lên 2,71%.
Toàn ngành cho thấy xu hướng bộ đệm dự phòng đang mỏng dần, trong khi áp lực nợ xấu lan rộng, phản ánh sự phân hóa rõ nét giữa các nhà băng về khả năng chống chịu và chất lượng tài sản.
Huy Tùng (T/h)
- Điểm tin ngân hàng ngày 12/5: Nhiều ngân hàng đua nhau tung lãi suất vay mua nhà ưu đãi
- Điểm tin ngân hàng tuần qua: Ngân hàng nào có tỷ lệ CIR thấp nhất quý I/2025?
- Điểm tin ngân hàng ngày 10/5: Ngân hàng dẫn đầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp
- Điểm tin ngân hàng ngày 9/5: Nhiều vướng mắc trong xử lý sở hữu chéo
- Điểm tin ngân hàng ngày 8/5: 9 ngân hàng dự chi kỷ lục hơn 33.000 tỷ đồng trả cổ tức tiền mặt