Điểm tin ngân hàng ngày 5/5: NHNN đang nghiên cứu tiền kỹ thuật số, khẳng định không cấp phép sàn Forex

08:54 | 05/05/2025

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Thu ngân sách 4 tháng đầu năm 2025 đạt hơn 944.000 tỷ đồng; TPBank báo lãi hơn 2.100 tỷ đồng trong quý I/2025, hoàn thành 23% kế hoạch năm; NHNN hút ròng hơn 20.000 tỷ đồng, lãi suất liên ngân hàng duy trì dưới 3%; Đồng bạc xanh phục hồi nhẹ, thị trường "chợ đen" tiếp đà tăng…là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật

NHNN đang nghiên cứu tiền kỹ thuật số, khẳng định không cấp phép sàn Forex

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết liên quan đến chất vấn của đại biểu, trong đó nhấn mạnh hai nội dung đáng chú ý: nghiên cứu triển khai tiền kỹ thuật số (CBDC) và kiểm soát hoạt động sàn Forex trái phép.

Điểm tin ngân hàng ngày 5/5: NHNN đang nghiên cứu tiền kỹ thuật số, khẳng định không cấp phép sàn Forex
NHNN đang nghiên cứu tiền kỹ thuật số, khẳng định không cấp phép sàn Forex

Về tiền kỹ thuật số, NHNN cho biết đang chủ động nghiên cứu mô hình tiền kỹ thuật số của các ngân hàng trung ương trên thế giới. Cơ quan này đã tham gia nhiều hội thảo, tọa đàm cùng các tổ chức quốc tế như IMF, BIS, WB; đồng thời là Quan sát viên dự án mBridge – một sáng kiến CBDC của Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan và UAE. NHNN cũng đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng báo cáo gửi Thủ tướng và ban hành kế hoạch triển khai nhiệm vụ nghiên cứu tiền kỹ thuật số.

Về sàn Forex, NHNN khẳng định không cấp phép bất kỳ sàn giao dịch ngoại hối nào tại Việt Nam. Hoạt động sàn Forex hiện không thuộc phạm vi quản lý ngoại hối hợp pháp và các giao dịch thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài liên quan đến sàn Forex đều vi phạm quy định hiện hành.

Do hoạt động sàn Forex chủ yếu diễn ra trên không gian mạng, việc phát hiện và xử lý đòi hỏi sự phối hợp của các cơ quan chức năng như Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông... NHNN đã chủ động cung cấp thông tin pháp lý cho cơ quan điều tra và yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện biện pháp ngăn chặn thanh toán bất hợp pháp liên quan đến các sàn này.

NHNN khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, phối hợp liên ngành để bảo vệ an toàn tài chính và quyền lợi người dân.

Thu ngân sách 4 tháng đầu năm 2025 đạt hơn 944.000 tỷ đồng

Chính phủ vừa hoàn thiện báo cáo gửi Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024 và tình hình triển khai dự toán năm 2025. Theo đó, tổng thu ngân sách nhà nước trong 4 tháng đầu năm 2025 ước đạt hơn 944.000 tỷ đồng, bằng 48% dự toán và tăng 26,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tổng chi ngân sách đạt hơn 595.000 tỷ đồng, tương đương 23,4% dự toán và tăng 15,2%.

Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội cho phép sử dụng 15.710 tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương còn dư từ năm 2024 chuyển sang năm 2025 để chi trả chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy. Đồng thời, đề xuất bổ sung 28.290 tỷ đồng dự toán thu – chi ngân sách Trung ương từ nguồn tích lũy cải cách tiền lương để triển khai các chính sách theo Nghị định 178 và 67.

Tổng cộng, Chính phủ đề nghị phân bổ và tổ chức thực hiện khoản kinh phí 44.000 tỷ đồng trong năm 2025. Trường hợp sử dụng hết nguồn này, Chính phủ cũng đề xuất được sử dụng nguồn tích lũy còn dư của ngân sách Trung ương năm 2024 để kịp thời bổ sung cho các địa phương.

Bên cạnh đó, Chính phủ đề xuất chuyển hơn 6.600 tỷ đồng từ dự toán chi thường xuyên năm 2024 chưa phân bổ sang năm 2025 nhằm phục vụ các chính sách mới như miễn học phí và xử lý các nhiệm vụ phát sinh sau sắp xếp bộ máy. Riêng kinh phí hỗ trợ thực hiện miễn học phí cho năm 2025 ước tính khoảng 4.500 tỷ đồng.

Một đề xuất quan trọng khác là phân bổ 3% tổng chi ngân sách năm 2025, tương đương khoảng 25.000 tỷ đồng, cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia theo yêu cầu Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.

TPBank báo lãi hơn 2.100 tỷ đồng trong quý I/2025, hoàn thành 23% kế hoạch năm

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, mã CK: TPB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025 với lợi nhuận trước thuế đạt gần 2.109 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.687 tỷ đồng.

Điểm tin ngân hàng ngày 5/5: NHNN đang nghiên cứu tiền kỹ thuật số, khẳng định không cấp phép sàn Forex
TPBank báo lãi hơn 2.100 tỷ đồng trong quý I/2025

Thu nhập từ lãi tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt 3.384 tỷ đồng, giữ nguyên so với cùng kỳ. Tuy nhiên, điểm sáng của quý này là mảng dịch vụ với lãi thuần đạt 910 tỷ đồng, tăng 27%, chủ yếu nhờ thu phí dịch vụ khác tăng mạnh 70% lên 710 tỷ đồng. TPBank cho biết sự gia tăng này phản ánh chiến lược đẩy mạnh dịch vụ phi tín dụng như ngân hàng số, thanh toán điện tử và quản lý tài chính cá nhân đang mang lại hiệu quả rõ rệt.

Tuy vậy, hoạt động kinh doanh ngoại hối ghi nhận khoản lỗ 17 tỷ đồng, trái ngược với mức lãi 83 tỷ đồng cùng kỳ. Mảng đầu tư chứng khoán cũng giảm mạnh lợi nhuận, chỉ còn 102 tỷ đồng. Trong khi đó, hoạt động khác đóng góp thêm gần 105 tỷ đồng lãi, cải thiện so với mức lỗ năm trước.

Chi phí hoạt động tăng 12% lên gần 1.884 tỷ đồng khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 14% còn 2.598 tỷ đồng. Dù vậy, nhờ giảm mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 59% xuống gần 490 tỷ đồng, TPBank vẫn duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận.

Tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản của ngân hàng đạt gần 389.000 tỷ đồng, giảm 7% so với đầu năm. Cho vay khách hàng tăng 5% lên 262.477 tỷ đồng, nhưng tiền gửi khách hàng giảm 4%. Nợ xấu tăng mạnh 57% lên gần 6.000 tỷ đồng, kéo tỷ lệ nợ xấu từ 1,52% lên 2,27%.

Với kết quả này, TPBank đã hoàn thành hơn 23% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2025 (9.000 tỷ đồng).

NHNN hút ròng hơn 20.000 tỷ đồng, lãi suất liên ngân hàng duy trì dưới 3%

Trong tuần từ 28/4 đến 2/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút ròng 20.350 tỷ đồng khỏi hệ thống thông qua kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá. Cụ thể, NHNN đã bơm vào thị trường gần 5.920 tỷ đồng với lãi suất 4% trong khi khối lượng đáo hạn lên tới 26.270 tỷ đồng. Kênh tín phiếu tiếp tục không ghi nhận giao dịch do NHNN ngừng phát hành từ ngày 5/3.

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất kỳ hạn qua đêm vẫn được duy trì dưới mốc 3%, dao động quanh mức 2,54% trong phiên đầu tuần. Lãi suất các kỳ hạn từ 1 tuần đến 3 tháng giảm nhẹ, dao động từ 4,16% đến 4,77%.

Theo dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York, chênh lệch giữa lãi suất qua đêm có bảo đảm (SOFR) của Mỹ và Việt Nam ở phiên 28/4 là 1,82 điểm %. NHNN hiện vẫn ưu tiên hỗ trợ thanh khoản hệ thống thông qua các hợp đồng mua lại đảo ngược (RRP) với lãi suất nền 4% cho các kỳ hạn từ 7 đến 35 ngày, tổng giá trị phát hành đạt 220.000 tỷ đồng trong tháng 4.

Tỷ giá USD/VND tiếp tục xu hướng tăng, đạt 24.956 VND/USD vào ngày 3/5, tăng 614 đồng so với đầu năm. CTCP Chứng khoán Mirae Asset nhận định tỷ giá vẫn trong phạm vi kiểm soát của NHNN, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô chưa ổn định. Dự báo Fed có thể hạ lãi suất vào nửa cuối năm 2025 được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam duy trì môi trường lãi suất thấp, hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và thúc đẩy kinh tế.

Tỷ giá USD: Đồng bạc xanh phục hồi nhẹ, thị trường "chợ đen" tiếp đà tăng

Sáng ngày 5/5, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm giữa VND và USD ở mức 24.956 VND/USD, cho thấy xu hướng tăng nhẹ của đồng bạc xanh trong bối cảnh thị trường thế giới có những dấu hiệu phục hồi.

Điểm tin ngân hàng ngày 5/5: NHNN đang nghiên cứu tiền kỹ thuật số, khẳng định không cấp phép sàn Forex
Ảnh minh họa

Trên thị trường giao dịch ngoại tệ trong nước, tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.759 VND/USD (mua vào) và 26.153 VND/USD (bán ra). Tỷ giá EUR và Yên Nhật cũng được ghi nhận lần lượt ở mức 27.033 – 29.879 VND/EUR và 167 – 184 VND/JPY.

Đáng chú ý, trên thị trường tự do ("chợ đen"), tỷ giá USD tiếp tục tăng nhẹ so với phiên trước, nhích thêm 14 đồng ở cả hai chiều mua vào – bán ra, lên mức 26.430 – 26.530 VND/USD (tính đến 5h sáng cùng ngày).

Trên thị trường quốc tế, chỉ số US Dollar Index (DXY) – đo lường sức mạnh đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt – hiện dao động quanh mức 100,04 điểm. Đây là tuần thứ hai liên tiếp chỉ số này nỗ lực giữ đà phục hồi, dù các dữ liệu kinh tế mới công bố chưa tạo động lực bứt phá mạnh mẽ.

Hiện tại, mốc kháng cự 100,6 điểm được xem là then chốt. Nếu vượt qua mức này, DXY có thể tiến lên vùng 101,5 – 102 điểm. Tuy nhiên, đây được đánh giá chỉ là đợt điều chỉnh trong xu hướng giảm chung. Việc vượt qua ngưỡng 102 điểm một cách rõ ràng mới là yếu tố quyết định khả năng đảo chiều tăng giá thực sự của USD, hướng đến các mốc cao hơn như 104 và 106 điểm. Ngược lại, nếu không giữ được đà phục hồi, chỉ số DXY có thể giảm sâu về vùng 96 điểm trong thời gian tới.

Trong khi đó, tỷ giá EUR/USD đang trong giai đoạn điều chỉnh giảm, với khả năng lùi về mức 1,12 hoặc 1,115. Tuy nhiên, triển vọng trung hạn của đồng euro vẫn lạc quan, với kỳ vọng quay lại xu hướng tăng và hướng đến các ngưỡng 1,16 – 1,18, thậm chí 1,2 nếu đà phục hồi tiếp diễn.

Huy Tùng ( T/h)