Điểm tin ngân hàng tuần qua: Ngân hàng nào có tỷ lệ CIR thấp nhất quý I/2025?

07:57 | 11/05/2025

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Ngân hàng chi mạnh tay cho công nghệ, nhân sự biến động trái chiều; VAMC có thể được mua nợ xấu của ngân hàng nước ngoài theo giá trị thị trường; Hơn 379.000 tỷ đồng tiền gửi Kho bạc Nhà nước đang ở đâu; Tỷ giá USD ổn định, EUR điều chỉnh sau đợt tăng mạnh…là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật tuần qua

Ngân hàng nào có tỷ lệ CIR thấp nhất quý I/2025?

Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) – chỉ số phản ánh hiệu quả vận hành và quản lý chi phí của ngân hàng – tiếp tục xu hướng giảm trong quý I/2025, nhờ tác động tích cực từ chuyển đổi số và đầu tư công nghệ. Theo thống kê từ Wichart dựa trên báo cáo tài chính quý I/2025 của 27 ngân hàng niêm yết, tỷ lệ CIR trung bình toàn ngành giảm xuống còn 31,32%.

Điểm tin ngân hàng tuần qua: Ngân hàng nào có tỷ lệ CIR thấp nhất quý I/2025?
SHB là ngân hàng dẫn đầu với tỷ lệ CIR thấp nhất toàn hệ thống

SHB là ngân hàng dẫn đầu với tỷ lệ CIR thấp nhất toàn hệ thống, chỉ 17,51%, giảm mạnh so với mức bình quân 23,99% của 12 tháng gần nhất. Xếp thứ hai là SeABank với 17,77%, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 27,4%. Đây cũng là hai ngân hàng duy nhất đạt tỷ lệ CIR dưới 20% trong quý I/2025.

Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng ghi nhận tỷ lệ CIR thấp gồm VPBank (24,89%), VietinBank (26,98%), LPBank (28,04%), Techcombank (28,29%), Vietcombank (32,74%) và BIDV (33%). Những con số này cho thấy nỗ lực rõ nét của các ngân hàng trong kiểm soát chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Ngược lại, một số ngân hàng vẫn duy trì tỷ lệ CIR ở mức cao, dù đã giảm so với bình quân năm 2024. SaigonBank (51,75%), KienLongBank (51,05%) và STB (50,37%) nằm trong nhóm có tỷ lệ CIR cao nhất quý I/2025.

Theo các chuyên gia, CIR thấp thể hiện hiệu suất hoạt động cao. Tuy nhiên, chỉ số này cũng chịu ảnh hưởng từ chiến lược phát triển. Những ngân hàng đang trong giai đoạn đầu tư mở rộng hoặc nâng cấp hệ thống thường ghi nhận CIR cao, nhưng kỳ vọng sẽ cải thiện khi đi vào vận hành ổn định.

Ngân hàng chi mạnh tay cho công nghệ, nhân sự biến động trái chiều

Năm 2024, các ngân hàng Việt Nam đã đầu tư hơn 32.400 tỷ đồng cho công nghệ, chiếm 14,8% tổng chi phí hoạt động toàn ngành – tỷ lệ cao nhất trong vòng 4 năm qua. Con số này thể hiện rõ cam kết mạnh mẽ của ngành ngân hàng trong chiến lược chuyển đổi số. Bước sang năm 2025, đầu tư công nghệ tiếp tục được xác định là một trong những mục tiêu trọng yếu, bên cạnh nhiệm vụ kiểm soát nợ xấu và thích ứng với các chính sách thuế quan mới.

Tác động từ quá trình chuyển đổi số cũng đã khiến nhân sự ngành ngân hàng biến động đáng kể. Tính đến hết quý I/2025, số lượng nhân sự tại 27 ngân hàng niêm yết giảm 2.143 người so với cuối năm 2024, xuống còn 277.024 người. Một số ngân hàng ghi nhận mức cắt giảm nhân sự lớn như LPBank (giảm 1.619 người), Sacombank (giảm 970 người) và VIB (giảm 522 người).

Ngược lại, một số ngân hàng vẫn duy trì xu hướng tuyển dụng và mở rộng quy mô nhân sự dù đẩy mạnh ứng dụng công nghệ. BIDV là ngân hàng tăng nhân sự mạnh nhất trong quý I/2025 với 354 người, tiếp theo là Techcombank (347 người) và Eximbank (195 người). Theo đại diện Techcombank, ngân hàng không đặt mục tiêu cắt giảm nhân sự mà chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ và tăng năng suất lao động.

Giới chuyên gia nhận định, việc ứng dụng công nghệ và AI trong ngân hàng hiện đi theo hai hướng: hỗ trợ nâng cao hiệu suất cho nhân viên hoặc thay thế bằng hệ thống thông minh. Tùy theo chiến lược, các ngân hàng có thể giữ hoặc cắt giảm nhân sự, nhưng điểm chung là nhu cầu nhân lực có kỹ năng công nghệ sẽ ngày càng tăng cao.

VAMC có thể được mua nợ xấu của ngân hàng nước ngoài theo giá trị thị trường

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 53/2013/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Dự thảo này nhằm cập nhật theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 và đáp ứng yêu cầu xử lý nợ xấu trong bối cảnh mới.

Điểm tin ngân hàng tuần qua: Ngân hàng nào có tỷ lệ CIR thấp nhất quý I/2025?
VAMC có thể được mua nợ xấu của ngân hàng nước ngoài theo giá trị thị trường

Một điểm nổi bật trong dự thảo là đề xuất mở rộng phạm vi hoạt động của VAMC, cho phép công ty này được mua nợ xấu của tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài, liên doanh và chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo giá trị thị trường. Đây là nội dung mới được luật hóa nhưng chưa được quy định trong Nghị định 53 hiện hành.

Bên cạnh đó, NHNN cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc thu giữ tài sản bảo đảm để phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024. Đặc biệt, để tháo gỡ rào cản thủ tục, dự thảo bãi bỏ yêu cầu phê duyệt riêng đối với phương án phát hành trái phiếu và kế hoạch mua nợ theo giá trị thị trường; các nội dung này sẽ được tích hợp vào kế hoạch kinh doanh hàng năm của VAMC, do NHNN phê duyệt.

Dự thảo cũng làm rõ vai trò đặc thù của VAMC – doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, chịu sự giám sát trực tiếp từ NHNN, với chức năng trọng yếu là mua bán, xử lý nợ xấu trong hệ thống tổ chức tín dụng. Ngoài ra, dự thảo cho phép tổ chức tín dụng và ngân hàng nước ngoài tiếp tục cấp tín dụng cho khách hàng đã bán nợ xấu cho VAMC, nếu khách hàng có phương án kinh doanh khả thi.

Hơn 379.000 tỷ đồng tiền gửi Kho bạc Nhà nước đang ở đâu?

Theo báo cáo tài chính quý I/2025, tổng số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại ba ngân hàng quốc doanh – Vietcombank, VietinBank và BIDV – đã lên tới 379.053 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ năm 2020 đến nay. Con số này tăng gấp 1,03 lần so với quý IV/2024 và hơn 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, tạo lợi thế lớn cho nhóm ngân hàng quốc doanh trong cuộc đua huy động vốn.

Trong đó, BIDV dẫn đầu với 130.686 tỷ đồng tiền gửi, bao gồm 126.200 tỷ đồng có kỳ hạn và 4.486 tỷ đồng không kỳ hạn. Dù giảm nhẹ 10% so với cuối năm 2024, số dư này vẫn tăng gần 3 lần so với quý I/2024. VietinBank xếp sau với 127.049 tỷ đồng tiền gửi thanh toán – giảm 12,2% so với cuối năm ngoái nhưng vẫn tăng hơn 81.000 tỷ đồng so với cùng kỳ. Vietcombank nhận 121.318 tỷ đồng từ KBNN, gấp 1,56 lần so với cuối năm 2024 và tăng hơn 36 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ cuối năm 2019, thay vì để tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng thương mại, KBNN đã chuyển sang cơ chế đấu thầu công khai với tiền gửi có kỳ hạn tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước. Do đó, chỉ những ngân hàng đáp ứng tiêu chí chặt chẽ, đặc biệt là nhóm Big 4, mới đủ điều kiện tiếp cận dòng vốn khổng lồ này.

Nguồn tiền lớn từ KBNN đã giúp nhóm ngân hàng quốc doanh giảm áp lực huy động từ dân cư, giữ lãi suất ở mức thấp nhất thị trường, đồng thời duy trì lợi thế cạnh tranh trong hệ thống tài chính.

Tỷ giá USD ổn định, EUR điều chỉnh sau đợt tăng mạnh

Tuần qua, tỷ giá USD trong nước tiếp tục duy trì xu hướng ổn định hoặc tăng nhẹ. Kết thúc ngày 9/5, Vietcombank giữ nguyên tỷ giá USD ở mức 25.760 - 26.150 VND/USD, trong khi BIDV điều chỉnh tăng 10 đồng mỗi chiều. Trên thị trường tự do, giá USD giảm nhẹ còn 26.375 - 26.475 VND/USD. Trái lại, sau đợt tăng gần 7% trong tháng 4, tỷ giá EUR đã hạ nhiệt, giảm khoảng 200 VND.

Điểm tin ngân hàng tuần qua: Ngân hàng nào có tỷ lệ CIR thấp nhất quý I/2025?
Tuần qua, tỷ giá USD trong nước tiếp tục duy trì xu hướng ổn định hoặc tăng nhẹ

Trên thị trường quốc tế, chỉ số DXY – thước đo sức mạnh đồng USD – phục hồi nhẹ vượt mốc 100 điểm, song vẫn ở mức thấp nhất ba năm. Việc Fed giữ nguyên lãi suất cùng các rủi ro địa chính trị tiếp diễn khiến USD vẫn là nơi trú ẩn ngắn hạn cho nhà đầu tư.

Dù DXY giảm gần 10% từ đỉnh năm 2025, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng vẫn "neo" ở mức cao, do nhiều yếu tố: Kho bạc Nhà nước mua vào 110 triệu USD, nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp tăng trong bối cảnh bất ổn thương mại toàn cầu, và lãi suất VND liên ngân hàng giảm mạnh khiến chênh lệch lãi suất VND - USD đảo chiều âm. Kết quả, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng tăng 1,4% trong tháng 4, lên 25.994 VND/USD.

Dù vậy, một số yếu tố tích cực vẫn hỗ trợ đồng VND như thặng dư thương mại 3,79 tỷ USD, FDI giải ngân tăng 7,3%, và lượng khách quốc tế tăng 23,8%. Bên cạnh đó, NHNN đã hút ròng gần 22.200 tỷ đồng trong tháng 4, góp phần điều tiết thanh khoản và kiềm chế áp lực lên tỷ giá.

Huy Tùng (T/h)