Điểm tin ngân hàng ngày 7/5: Nợ xấu ngân hàng vượt 1 triệu tỷ đồng, tỷ lệ thu hồi còn thấp

07:06 | 07/05/2025

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
21 ngân hàng tham gia gói tín dụng 500 nghìn tỷ đồng cho hạ tầng và công nghệ số; Bổ nhiệm Quyền Tổng Giám đốc công ty thu hồi nợ xấu; NHNN điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; Eximbank giảm lãi suất kỳ hạn ngắn, tăng kỳ hạn dài…là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật

Nợ xấu ngân hàng vượt 1 triệu tỷ đồng, tỷ lệ thu hồi còn thấp

Tính đến cuối năm 2024, tổng nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng đã lên tới 1.030.000 tỷ đồng, tương đương 5,46% tổng dư nợ, bao gồm cả nợ nội bảng, nợ đã bán cho VAMC và nợ tiềm ẩn rủi ro — thông tin được ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, chia sẻ tại một tọa đàm mới đây.

Điểm tin ngân hàng ngày 7/5: Nợ xấu ngân hàng vượt 1 triệu tỷ đồng, tỷ lệ thu hồi còn thấp
Nợ xấu ngân hàng vượt 1 triệu tỷ đồng/Ảnh minh họa

Đáng chú ý, khoảng 677.000 tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý bằng dự phòng rủi ro và loại khỏi bảng cân đối kế toán nhưng chưa thu hồi được, phần lớn do vướng mắc pháp lý và tranh chấp tài sản. Tính đến cuối năm 2024, có tới 446.000 vụ án liên quan đến nợ xấu, song tỷ lệ thu hồi chỉ đạt khoảng 15%. Riêng trong 2 tháng đầu năm 2025, nợ xấu tăng thêm 34.000 tỷ đồng, nâng tổng số lên 1.064.000 tỷ đồng.

Tình trạng nợ xấu còn trầm trọng hơn khi khoảng 63.000 tỷ đồng nợ thuộc diện cơ cấu theo Thông tư 02 đã hết hiệu lực, chuyển sang nhóm nợ tiềm ẩn rủi ro, khiến con số này lên gần 193.000 tỷ đồng.

Về phía các ngân hàng, số dư nợ xấu nội bảng của 27 nhà băng niêm yết và Agribank cuối năm 2024 đạt hơn 256.000 tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm trước. Tuy nhiên, so với quý III/2024, nhiều ngân hàng ghi nhận xu hướng giảm nợ xấu, nổi bật là NCB và BIDV. Các ngân hàng lớn như Vietcombank, VPBank cũng kiểm soát tốt tỷ lệ tăng nợ xấu, thấp hơn mức trung bình ngành.

Khảo sát từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, rủi ro tín dụng tiếp tục tăng nhẹ trong quý I/2025 nhưng được kỳ vọng giảm dần trong năm 2026. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến sẽ giảm trong quý II/2025, trái ngược với xu hướng tăng cùng kỳ năm trước.

21 ngân hàng tham gia gói tín dụng 500 nghìn tỷ đồng cho hạ tầng và công nghệ số

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6/5, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, 21 ngân hàng thương mại đã đăng ký tham gia gói tín dụng 500 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 20 tỷ USD) nhằm đầu tư phát triển hạ tầng và công nghệ số. Gói tín dụng này là một trong những chỉ đạo trọng điểm của Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu huy động nguồn lực xã hội vào hai lĩnh vực then chốt phục vụ tăng trưởng bền vững.

Theo phân bổ, 4 ngân hàng thương mại nhà nước đăng ký mỗi ngân hàng 60.000 tỷ đồng; 12 ngân hàng tư nhân lớn đăng ký 20.000 tỷ đồng/ngân hàng và 5 ngân hàng quy mô nhỏ hơn tham gia 4.000 tỷ đồng/ngân hàng. Thời gian ưu đãi tối thiểu là 2 năm và hoàn toàn sử dụng nguồn lực của các ngân hàng, thông qua việc giảm chi phí, lãi suất và cơ cấu lại nguồn vốn huy động.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, do đặc thù vốn lớn, thời gian dài, các dự án hạ tầng đòi hỏi sự phối hợp tài trợ giữa nhiều ngân hàng. Đồng thời, NHNN cũng đang phối hợp với các bộ ngành như Công Thương, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ để xác định rõ đối tượng ưu tiên, bảo đảm việc triển khai đúng mục tiêu. Dự kiến trong tháng 5, gói tín dụng sẽ được đẩy mạnh giải ngân.

Bổ nhiệm Quyền Tổng Giám đốc công ty thu hồi nợ xấu

Ngày 6/5, Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) tổ chức lễ công bố quyết định bổ nhiệm ông Đặng Đình Thích giữ chức Quyền Tổng Giám đốc. Ông Thích hiện là Phó Tổng Giám đốc VAMC và có gần 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.

Điểm tin ngân hàng ngày 7/5: Nợ xấu ngân hàng vượt 1 triệu tỷ đồng, tỷ lệ thu hồi còn thấp
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng trao quyết định giao Quyền Tổng giám đốc VAMC cho ông Đặng Đình Thích. Ảnh: SBV.

Ông Đặng Đình Thích sinh năm 1971, là Thạc sĩ Quản trị kinh doanh Đại học Quốc gia Hà Nội. Trước khi gia nhập VAMC vào năm 2013, ông từng đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý tại các tổ chức tín dụng như Giám đốc VPBank Chi nhánh Hà Tĩnh, Trưởng phòng giao dịch Vietcombank Chi nhánh Hà Tĩnh… Từ năm 2018 đến nay, ông giữ cương vị Phó Tổng Giám đốc VAMC.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng chúc mừng và đánh giá cao năng lực, kinh nghiệm của ông Thích. Ông nhấn mạnh, điều hành VAMC là nhiệm vụ khó khăn, yêu cầu cao về bản lĩnh, trách nhiệm và khả năng quản trị. Lãnh đạo VAMC không chỉ đảm bảo vận hành minh bạch, hiệu quả, mà còn cần xây dựng nguồn lực tài chính và nhân sự vững mạnh, phục vụ chiến lược phát triển bền vững của công ty.

VAMC là doanh nghiệp Nhà nước 100% vốn điều lệ, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, không vì mục tiêu lợi nhuận. Đây là công cụ đặc biệt của Nhà nước nhằm xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa hệ thống tài chính, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý.

NHNN điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô

Trước diễn biến phức tạp của kinh tế toàn cầu năm 2024 và đầu năm 2025, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ (CSTT), góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ – ngoại tệ và củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô.

NHNN triển khai đồng bộ các công cụ điều hành như nghiệp vụ thị trường mở, tín phiếu, điều chỉnh lãi suất... để điều tiết thanh khoản, hỗ trợ tổ chức tín dụng (TCTD), kiểm soát tỷ giá và ổn định thị trường. Đặc biệt, NHNN duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp và chỉ đạo hệ thống TCTD giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn thuận lợi. Tính đến 10/4/2025, lãi suất cho vay bình quân đối với khoản vay mới là 6,34%/năm, giảm 0,6 điểm % so với cuối năm 2024.

Về tỷ giá, NHNN điều hành linh hoạt, can thiệp kịp thời khi cần thiết, giúp tỷ giá VND/USD giữ ổn định quanh mức 25.896, tăng 1,64% so với cuối năm 2024, trong bối cảnh đồng USD quốc tế biến động mạnh. Thị trường ngoại tệ thanh khoản thông suốt, đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế.

Kết quả, lạm phát năm 2024 được kiểm soát ở mức 3,63%, thấp hơn mục tiêu đề ra; lạm phát quý I/2025 tiếp tục ổn định ở mức 3,22%. NHNN khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để nâng cao hiệu quả điều hành CSTT gắn với chính sách tài khóa, hỗ trợ tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Eximbank giảm lãi suất kỳ hạn ngắn, tăng kỳ hạn dài

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa công bố điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm từ ngày 5/5/2025, đánh dấu lần thay đổi đầu tiên trong tháng 5. Động thái này cho thấy xu hướng giảm lãi suất ở một số kỳ hạn ngắn, đồng thời tăng ở một số kỳ hạn dài nhằm thu hút nguồn vốn ổn định.

Điểm tin ngân hàng ngày 7/5: Nợ xấu ngân hàng vượt 1 triệu tỷ đồng, tỷ lệ thu hồi còn thấp
Eximbank giảm lãi suất kỳ hạn ngắn, tăng kỳ hạn dài

Cụ thể, đối với sản phẩm tiền gửi online dành cho khách hàng cá nhân qua ứng dụng Eximbank Edigi, lãi suất kỳ hạn 1 tháng giữ nguyên ở mức 4%/năm, kỳ hạn 2 tháng giảm 0,1 điểm %, xuống còn 4%/năm. Các kỳ hạn 4-5 tháng và 9 tháng cũng giảm 0,1 điểm %, trong khi kỳ hạn 15 tháng giảm mạnh 0,3 điểm %. Ở chiều ngược lại, lãi suất kỳ hạn 36 tháng được tăng 0,3 điểm %, lên mức 5,6%/năm.

Vào cuối tuần (thứ Bảy, Chủ nhật), lãi suất online dành cho khách hàng cá nhân cũng điều chỉnh theo hướng tương tự, với mức giảm 0,1–0,3 điểm % ở kỳ hạn ngắn và tăng 0,3 điểm % đối với kỳ hạn 36 tháng.

Ngoài ra, Eximbank cũng điều chỉnh lãi suất với nhiều sản phẩm tiền gửi khác như “Gửi dài an tâm”, “Tiết kiệm thịnh vượng 50+”, “Tiết kiệm kỳ hạn tự chọn” và các khoản tiết kiệm dành cho khách hàng doanh nghiệp. Trong đó, lãi suất tiền gửi doanh nghiệp kỳ hạn 36 tháng tăng 0,3 điểm %, lên 5,6%/năm, còn các kỳ hạn ngắn hơn đồng loạt giảm nhẹ.

Động thái điều chỉnh linh hoạt cho thấy Eximbank đang cơ cấu lại nguồn vốn huy động, ưu tiên các kỳ hạn dài để đảm bảo ổn định thanh khoản trong bối cảnh thị trường tiền tệ có nhiều biến động.

Huy Tùng (T/h)