Trung Quốc, Ấn Độ đang thay đổi thị trường dầu châu Á trong tháng qua

07:46 | 10/04/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Nhập khẩu dầu thô của châu Á duy trì ở mức tương đối tích cực trong tháng 3, do dòng chảy mạnh vào các nước nhập khẩu hàng đầu của khu vực là Trung Quốc và Ấn Độ bù đắp cho nhu cầu yếu hơn của một số quốc gia khác.
OPEC nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thô của Trung QuốcOPEC nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thô của Trung Quốc
Philippines, Trung Quốc nối lại đàm phán thăm dò dầu khí vào tháng 5Philippines, Trung Quốc nối lại đàm phán thăm dò dầu khí vào tháng 5
Trung Quốc, Ấn Độ đang thay đổi thị trường dầu châu Á trong tháng qua
Ảnh minh họa

Tổng lượng dầu thô nhập khẩu của châu Á trong tháng 3 được Refinitiv Oil Research ước tính là 116,73 triệu tấn, tương đương 27,6 triệu thùng mỗi ngày.

Con số này tăng gần 4% so với 112,32 triệu tấn của tháng 2, nhưng giảm 6,1% tính theo ngày so với 29,4 triệu thùng/ngày của tháng 2 và cũng thấp hơn 29,13 triệu thùng/ngày của tháng 1.

Tuy nhiên, 3 tháng đầu năm 2023 mạnh hơn mọi tháng trong năm 2022, ngoại trừ tháng 11 khi nhập khẩu dầu thô của châu Á đạt 29,1 triệu thùng/ngày.

Mặc dù nhập khẩu hàng ngày thấp hơn trong tháng 3, nhưng đây là một khởi đầu mạnh mẽ trong năm đối với nhập khẩu dầu của châu Á, với quý đầu tiên đạt 28,67 triệu thùng/ngày, tăng 6,3% so với 26,96 triệu thùng/ngày trong quý IV/2022.

Những con số này hỗ trợ một số câu chuyện lạc quan trên thị trường dầu mỏ. Một trong số đó là sự phục hồi mạnh mẽ nhu cầu từ Trung Quốc khi nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới mở cửa trở lại nền kinh tế sau khi kết thúc chính sách zero Covid nghiêm ngặt vào cuối năm ngoái.

Theo Refinitiv, nhập khẩu dầu thô tháng 3 của Trung Quốc là 49,26 triệu tấn, đạt mức cao nhất trong 4 tháng và tương đương 11,65 triệu thùng/ngày, cao hơn gần 1 triệu thùng/ngày so với tháng 2.

Ả Rập Xê-út đã giành lại vị trí là nhà cung cấp hàng đầu của Trung Quốc với 8,08 triệu tấn, tương đương 16,4%, vượt qua Nga ở mức 7,95 triệu tấn, tương đương 16,1%.

Nga và Ả Rập Xê-út đã tranh giành vị trí hàng đầu trong số các nhà cung cấp của Trung Quốc kể từ khi Moscow tấn công Ukraine dẫn đến việc các nhà xuất khẩu dầu của Nga giảm giá mạnh cho châu Á sau khi mất đi thị trường châu Âu do các lệnh trừng phạt.

Mặc dù khối lượng hàng hóa của Nga vào Trung Quốc vẫn cao so với trước cuộc chiến, nhưng điều đáng chú ý là dữ liệu của Refinitiv cho thấy Ấn Độ đang cạnh tranh với Trung Quốc cho hàng hóa của Nga tại các cảng Thái Bình Dương.

Ấn Độ cũng đã chuyển sang dầu giá rẻ của Nga, nhưng chủ yếu mua dầu Urals. Loại dầu này được chất lên các cảng phía tây của Nga và sau đó phải đi qua Kênh đào Suez hoặc vòng qua đáy châu Phi để đến Ấn Độ.

Tuy nhiên, Ấn Độ đã mua khoảng 400.000 tấn dầu thô ESPO được chất lên từ khu vực Thái Bình Dương vào tháng 3, Trung Quốc nâng nhập khẩu dầu Urals lên 1,56 triệu tấn, khối lượng cao kỷ lục của loại này.

Nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ đã tăng lên mức cao nhất trong 11 tháng là 21,23 triệu tấn, tương đương khoảng 5,02 triệu thùng/ngày, trong tháng 3, với Nga cung cấp 34% tổng lượng, tương đương 7,29 triệu tấn, mức cao kỷ lục thứ sáu liên tiếp.

Nhìn chung, Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục thúc đẩy nhập khẩu dầu thô của châu Á, nhưng tỷ trọng dầu của Nga ngày càng tăng đặt ra câu hỏi về tác động đối với các nhà cung cấp khác và liệu họ có đang thấy nhu cầu giảm đi hay không.

Có một số vấn đề đáng lo ngại trong nhập khẩu dầu thô của châu Á, với người mua lớn thứ ba của khu vực là Nhật Bản chỉ mua 10,67 triệu tấn trong tháng 3, tương đương khoảng 2,52 triệu thùng/ngày. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 6/2022.

Việc ít sử dụng nhà máy lọc dầu hơn và dự trữ dầu giảm cho thấy nhu cầu yếu ở Nhật Bản và các nhà máy lọc dầu lo ngại về giá cao.

Nhìn sang các nhà nhập khẩu lớn khác, lượng dầu thô đến Hàn Quốc đã tăng lên mức cao kỷ lục 3,33 triệu thùng/ngày và nhập khẩu của Singapore cũng tăng rất mạnh. Trong khi đó, Đài Loan chứng kiến sự sụt giảm.

Nhưng điểm quan tâm chính là phần còn lại của châu Á ngoài 6 nhà nhập khẩu hàng đầu, nơi lượng hàng cập bến giảm xuống 12,87 triệu tấn trong tháng 3, từ mức 14,36 triệu tấn trong tháng 2. Điều này cho thấy sự suy yếu ở phần lớn Đông Nam Á và Nam Á ngoại trừ Ấn Độ, đồng thời cung cấp một điểm đối lập với câu chuyện lạc quan về Trung Quốc và Ấn Độ.

kinhtexaydung.petrotimes.vn

Đỗ Khánh

vietinbank
ajinomoto