ADB nâng tổng hỗ trợ an ninh lương thực khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lên 40 tỷ USD đến năm 2030

10:26 | 05/05/2025

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Ngày 5/5, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố kế hoạch mở rộng đáng kể hỗ trợ tài chính cho an ninh lương thực tại khu vực Châu Á và Thái Bình Dương, với tổng mức cam kết lên tới 40 tỷ USD trong giai đoạn 2022–2030, tăng thêm 26 tỷ USD so với mức công bố trước đó.

Khoản tài trợ mới sẽ hỗ trợ một chương trình toàn diện trải dài toàn bộ chuỗi giá trị lương thực từ canh tác, chế biến đến phân phối và tiêu thụ nhằm thúc đẩy các hệ thống thực phẩm bền vững, bổ dưỡng và có khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu. Trong số này, 18,5 tỷ USD sẽ là hỗ trợ trực tiếp của ADB dành cho các Chính phủ, trong khi 7,5 tỷ USD sẽ dành cho đầu tư vào khu vực tư nhân. Đến năm 2030, ADB kỳ vọng khu vực tư nhân sẽ đóng góp hơn 27% tổng vốn đầu tư.

ADB nâng tổng hỗ trợ an ninh lương thực khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lên 40 tỷ USD đến năm 2030
ADB mở rộng hỗ trợ cho an ninh lương thực và dinh dưỡng dài hạn ở Châu Á và Thái Bình Dương thêm 26 tỷ USD (Ảnh minh họa).

Phát biểu tại Hội nghị thường niên lần thứ 58 của ADB tổ chức tại Milan, Chủ tịch Masatsugu Asakawa nhấn mạnh: “Hạn hán, lũ lụt và tài nguyên suy thoái đang đe dọa an ninh lương thực và sinh kế nông thôn. Khoản hỗ trợ mở rộng này sẽ giúp các quốc gia xóa đói giảm nghèo, cải thiện dinh dưỡng, đồng thời bảo vệ môi trường và thúc đẩy cơ hội kinh tế cho nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp”.

Cam kết mới nối tiếp sáng kiến năm 2022 của ADB về đầu tư 14 tỷ USD đến năm 2025 nhằm ứng phó khủng hoảng lương thực và tăng cường hệ thống sản xuất bền vững. Đến cuối năm 2024, ADB đã giải ngân 11 tỷ USD tương đương 80% mức phân bổ ban đầu và lên kế hoạch bổ sung 3,3 tỷ USD trong năm 2025.

Khu vực Châu Á hiện là nơi sinh sống của hơn một nửa dân số thiếu dinh dưỡng toàn cầu. Suy dinh dưỡng, mất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu đang gây sức ép lớn lên hệ thống nông nghiệp vốn tiêu tốn 70% nguồn nước, chiếm 50% diện tích đất có thể sinh sống và sử dụng 40% lực lượng lao động.

Nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi hệ thống thực phẩm, ADB sẽ tập trung vào hiện đại hóa chuỗi giá trị nông nghiệp, mở rộng công nghệ số, cải thiện chất lượng đất và bảo tồn đa dạng sinh học. Ngoài ra, ADB đang thiết lập quỹ vốn tự nhiên trị giá 150 triệu USD, với nguồn tài trợ từ quỹ môi trường toàn cầu và các đối tác phát triển khác, để hỗ trợ các sáng kiến bảo tồn thiên nhiên gắn với phát triển nông nghiệp bền vững tại các quốc gia thành viên đang phát triển.

Đình Khương