Điểm tin ngân hàng ngày 19/5: Nợ xấu ngân hàng tăng mạnh trong quý I/2025
Nợ xấu ngân hàng tăng mạnh trong quý I/2025
Trong quý I/2025, nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng tăng gần 16%, phản ánh sức ép tài chính kéo dài sau đại dịch, kết thúc chính sách giãn nợ và sự suy yếu của thị trường xuất khẩu. Theo dữ liệu từ VietstockFinance, tổng nợ xấu của 28 ngân hàng đạt hơn 266.400 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ đáng kể trên tổng dư nợ hơn 12,3 triệu tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng hơn 37%, nợ có khả năng mất vốn tăng gần 13%.
![]() |
Ảnh minh họa |
Nguyên nhân chủ yếu khiến nợ xấu tăng là do hàng loạt khoản vay từng được cơ cấu theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN hết hiệu lực từ đầu năm 2025 và buộc phải phân loại lại theo chuẩn mực thông thường. Ngoài ra, doanh nghiệp nhỏ và vừa - nhóm vay vốn nhiều - vẫn phục hồi chậm, thiếu năng lực tài chính dự phòng, dẫn đến mất khả năng trả nợ khi đến kỳ đáo hạn.
Thêm vào đó, việc xuất khẩu sụt giảm do Mỹ áp dụng chính sách thuế đối ứng khiến nhiều ngành như dệt may, thủy sản, điện tử gặp khó, dòng tiền bị thu hẹp. Bên cạnh đó, hệ thống xử lý nợ bảo đảm chưa hiệu quả, thị trường mua bán nợ chậm phát triển, thủ tục pháp lý kéo dài khiến các khoản nợ khó được xử lý nhanh chóng.
Tính đến cuối tháng 3, đã có 22/28 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng; 8 ngân hàng có tỷ lệ vượt ngưỡng 3%. Dù vậy, nhiều nhà băng vẫn duy trì lợi nhuận nhờ tăng trích lập dự phòng và tăng trưởng tín dụng.
Dự báo, quý II/2025 có thể là giai đoạn ổn định, nhưng khó đảo chiều xu hướng nợ xấu. Để kiểm soát tình hình, các chuyên gia đề xuất Ngân hàng Nhà nước sớm ban hành hướng dẫn thay thế Thông tư 02, cải thiện hành lang pháp lý thị trường mua bán nợ và khuyến khích ngân hàng thương mại tăng cường kiểm soát rủi ro từ sớm.
Kinh doanh vàng miếng không phép có thể bị phạt tới 400 triệu đồng
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo lần 3 của Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, trong đó đề xuất mức phạt tiền từ 300–400 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh vàng miếng không có giấy phép. Mức phạt này cũng áp dụng cho hành vi xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu hoặc thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khi chưa được cấp phép theo quy định.
Ngoài ra, dự thảo còn quy định nhiều mức xử phạt khác như phạt từ 30–50 triệu đồng với hành vi không niêm yết công khai giá mua bán vàng miếng, vàng trang sức mỹ nghệ; hoặc sản xuất vàng trang sức mà không công bố tiêu chuẩn, nhãn hàng. Mức phạt từ 80–100 triệu đồng được áp dụng cho các trường hợp mang vàng khi xuất nhập cảnh sai quy định.
Đặc biệt, mức phạt từ 140–180 triệu đồng sẽ dành cho hành vi mua bán vàng miếng qua đại lý ủy nhiệm không đúng quy định; xuất nhập khẩu vàng dưới dạng bán thành phẩm, vàng nguyên liệu nhưng sai ngành nghề đăng ký; hoặc gia công vàng mà không có đăng ký hợp pháp.
Dự thảo cũng nêu rõ các hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu số vàng vi phạm, tước giấy phép kinh doanh từ 6 đến 12 tháng và đề nghị thu hồi giấy phép với trường hợp vi phạm nghiêm trọng.
Liên quan đến công tác quản lý thị trường vàng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 64/CĐ-TTg, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tăng cường thanh tra, kiểm soát và sớm hoàn thiện việc sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP. Cơ quan quản lý cũng khuyến cáo người dân chỉ nên giao dịch vàng tại các đơn vị được cấp phép để tránh rủi ro pháp lý và mua phải vàng kém chất lượng.
Thanh toán số lên ngôi trong xu hướng toàn cầu hóa
Theo báo cáo mới nhất công bố tháng 3/2025 của Ủy ban Thanh toán và Hạ tầng thị trường (CPMI) thuộc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), thanh toán số đang ngày càng chiếm ưu thế trong hoạt động tài chính toàn cầu, đặc biệt tại các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi (EMDEs). Báo cáo ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ về số lượt giao dịch không dùng tiền mặt, với mức tăng 29% tại EMDEs trong năm 2023, cao hơn nhiều so với 4% tại các nền kinh tế phát triển (AEs).
![]() |
Ảnh minh họa |
Thanh toán nhanh – hình thức chuyển tiền tức thì giữa các tài khoản – tiếp tục phát triển mạnh mẽ, trở thành nhân tố thúc đẩy chuyển đổi số trong thanh toán. Ấn Độ và Argentina dẫn đầu về tỷ lệ sử dụng thanh toán nhanh, lần lượt chiếm 82% và 63% tổng số giao dịch không dùng tiền mặt. Brazil ghi nhận mức sử dụng thanh toán nhanh bình quân đầu người cao nhất thế giới, với 193 lượt/năm.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra sự chênh lệch đáng kể về giá trị giao dịch giữa các quốc gia, phản ánh đặc điểm kinh tế và mục đích sử dụng khác nhau. Ví dụ, trong khi giá trị thanh toán nhanh tại Nhật Bản đạt tới 3.652 USD/giao dịch, con số này tại Ấn Độ chỉ là 24 USD.
Đáng chú ý, dù thanh toán số tăng trưởng mạnh, tiền mặt vẫn giữ vai trò quan trọng trong một số nền kinh tế. Báo cáo kết luận, thanh toán nhanh không chỉ là công cụ tiện lợi mà còn là phép thử cho quá trình số hóa toàn diện hệ thống tài chính.
Gói vay nhà ở xã hội ở Quảng Bình vẫn “đóng băng”
Dù đã tích cực triển khai nhiều giải pháp truyền thông và huy động phối hợp từ các sở, ngành, nhưng đến nay, chương trình vay vốn nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2024/NĐ-CP tại Quảng Bình vẫn chưa thể giải ngân đồng nào. Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) - Chi nhánh Quảng Bình cho biết, nguồn vốn cho vay còn tồn đọng lớn, lên tới 90,6 tỷ đồng, trong đó 88 tỷ đồng từ Trung ương và 2,6 tỷ đồng từ địa phương.
Ông Trần Văn Tài, Giám đốc NHCSXH Quảng Bình, cho biết ngân hàng đã triển khai đồng bộ các hoạt động truyền thông qua báo chí, đài phát thanh - truyền hình, đồng thời phát động thi đua giải ngân vốn vay nhà ở xã hội. Tuy nhiên, kết quả vẫn rất hạn chế, thi thoảng mới có cá nhân vay để xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở riêng lẻ.
Nguyên nhân chính khiến nguồn vốn “đóng băng” được xác định là do Quảng Bình hiện không có dự án nhà ở xã hội nào được triển khai. Việc thiếu nguồn cung khiến người dân không có nhu cầu vay mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội. Mặt khác, lãi suất vay theo quy định hiện hành là 6,6%/năm – mức được đánh giá là chưa thực sự hấp dẫn, khi nhiều ngân hàng thương mại đang có các gói vay lãi suất thấp hơn.
Một giám đốc NHCSXH cấp huyện cho biết thêm, các hộ gia đình cũng không mặn mà với vay vốn để sửa chữa hoặc xây mới nhà ở riêng lẻ do chi phí lãi vay cao và thiếu động lực tài chính.
Trong khi đó, dù chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều ưu đãi và kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhưng đến nay, mọi kế hoạch vẫn nằm trên giấy. Chưa có dự án nào được khởi công, khiến kỳ vọng cải thiện nhà ở cho người thu nhập thấp tại Quảng Bình tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
LPBank sắp chốt quyền trả cổ tức tiền mặt cao nhất ngành ngân hàng năm 2025
Ngân hàng TMCP Lộc Phát (LPBank - Mã: LPB) sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 20/5/2025 để thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 25%, tương đương 2.500 đồng/cổ phiếu. Với số tiền dự kiến chi trả hơn 7.468 tỷ đồng, đây là mức cổ tức tiền mặt cao nhất trong toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam năm 2025, xét cả về tỷ lệ lẫn quy mô chi trả. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 19/5 và cổ tức sẽ được thanh toán vào ngày 28/5.
![]() |
LPBank sắp chốt quyền trả cổ tức tiền mặt cao nhất ngành ngân hàng năm 2025 |
Ngay sau LPBank, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB - Mã: ACB) cũng sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 26/5 để trả cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu. Cổ đông ACB sẽ nhận cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 10% (1.000 đồng/cổ phiếu), tổng giá trị hơn 4.467 tỷ đồng, thanh toán vào ngày 5/6. Ngoài ra, ACB còn dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 15%, tuy nhiên thời điểm thực hiện chưa được công bố.
Tính đến nay, đã có 9 ngân hàng công bố kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2025 gồm: TPBank, VIB, ACB, VPBank, Techcombank, LPBank, SHB, OCB và MB. Trong đó, một số ngân hàng như TPBank, VIB và VPBank đã hoàn tất chốt danh sách cổ đông.
Động thái trả cổ tức mạnh tay của các ngân hàng cho thấy kết quả kinh doanh tích cực trong năm qua và xu hướng tăng cường chia sẻ lợi nhuận với cổ đông trong năm 2025.
Huy Tùng ( T/h)
-
Điểm tin ngân hàng ngày 12/5: Nhiều ngân hàng đua nhau tung lãi suất vay mua nhà ưu đãi
-
Điểm tin ngân hàng ngày 10/5: Ngân hàng dẫn đầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp
-
Điểm tin ngân hàng ngày 6/5: Khắc phục khoảng trống pháp lý, thúc đẩy xử lý nợ xấu
-
Điểm tin ngân hàng ngày 5/5: NHNN đang nghiên cứu tiền kỹ thuật số, khẳng định không cấp phép sàn Forex
- Thuế 20% trên phần lãi chuyển nhượng bất động sản: Công bằng hơn, nhưng cần thận trọng
- Bộ Tài chính nghiên cứu phương án áp thuế 20% trên lãi chuyển nhượng bất động sản
- ADB nâng tổng hỗ trợ an ninh lương thực khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lên 40 tỷ USD đến năm 2030
- Moody’s giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của VPBank và FE CREDIT, nâng triển vọng của FE CREDIT lên “Ổn định”
- ADB đầu tư mạnh mẽ vào các dự án năng lượng và phát triển bền vững