Thị trường chứng khoán thế giới ngày 19/1: Dữ liệu bán lẻ đi xuống kéo dài đà giảm của chứng khoán Mỹ

21:31 | 19/01/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Chứng khoán Mỹ giảm điểm vào thứ Tư (18/1) sau khi một loạt dữ liệu kinh tế mới đưa ra những dấu hiệu đáng lo ngại về cách nền kinh tế đang đương đầu với chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Thị trường chứng khoán thế giới ngày 17/1: Hợp đồng tương lai của Mỹ mất đà tăngThị trường chứng khoán thế giới ngày 17/1: Hợp đồng tương lai của Mỹ mất đà tăng
Thị trường chứng khoán thế giới ngày 18/1: Dow Jones giảm gần 400 điểmThị trường chứng khoán thế giới ngày 18/1: Dow Jones giảm gần 400 điểm
Thị trường chứng khoán thế giới ngày 19/1: Dữ liệu bán lẻ đi xuống kéo dài đà giảm của chứng khoán Mỹ
Ảnh minh họa. https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Chứng khoán Mỹ

Chỉ số Dow Jones giảm 613,89 điểm, tương đương 1,81%, xuống 33.296,96 điểm. S&P 500 mất 62,11 điểm, tương đương 1,56%, xuống 3.928,86 điểm với 11 lĩnh vực chìm trong sắc đỏ. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 138,1 điểm, tương đương 1,24%, xuống 10.957,01 điểm. Cả ba chỉ số chính đều quay đầu giảm sau đà tăng đầu phiên.

Dữ liệu sáng thứ Tư cho thấy doanh số bán lẻ đã giảm 1,1% trong tháng 12, cao hơn mức dự báo là 1%, với việc lãi suất và lạm phát cao ảnh hưởng đến chi tiêu cho xe cộ, xăng dầu và đồ nội thất. Lạm phát giá bán buôn giảm xuống mức chậm nhất kể từ tháng 3/2021, làm rõ triển vọng giá cả cho người tiêu dùng và các nhà hoạch định chính sách nhưng lại phủ mây đen lên hy vọng về một “hạ cánh mềm”.

Sam Millette, Chiến lược gia thị trường thu nhập cố định tại Commonwealth Financial Network cho biết: “Đây là tin tốt cho Fed.”

“Sự suy giảm nhu cầu và lạm phát của nhà sản xuất chậm lại vào cuối năm là một dấu hiệu tích cực cho thấy chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed đang có tác động thực sự trong việc chống lạm phát”.

Các nhà giao dịch phái sinh đang đặt cược rằng dữ liệu kinh tế chậm lại củng cố khả năng các quan chức Fed sẽ lựa chọn tăng lãi suất 0,25 điểm cơ bản tại cuộc họp sắp tới.

Các nhà đầu tư cũng cân nhắc về chỉ số giá sản xuất mới nhất khi chỉ số này giảm 0,5% trong tháng 12, so với mức kỳ vọng giảm 0,1% của các nhà kinh tế, theo khảo sát của Dow Jones.

Bất chấp những tin tức tích cực về lạm phát và khả năng tốc độ tăng lãi suất chậm lại, các nhà đầu tư ngày càng lo lắng về nguy cơ suy thoái. Vẫn còn phải xem liệu việc tăng lãi suất của Fed có khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái sâu hay không, đặc biệt là khi tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ vẫn chưa bao phủ nền kinh tế.

Kết quả là các nhà đầu tư đã nhảy vào trái phiếu kho bạc, làm tăng giá trái phiếu. Lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm giảm xuống 3,374% từ 3,534% hôm thứ Ba (17/1).

Trong một sự kiện của WSJ.com vào sáng thứ Tư, Chủ tịch Fed tại St. Louis James Bullard cho biết ông dự đoán lãi suất chuẩn sẽ đạt từ 5,25% đến 5,50% trong năm nay, cao hơn nhiều so với kỳ vọng dựa trên thị trường là khoảng 4,9%, làm gia tăng thêm sự lo lắng.

Cổ phiếu đã tăng trong năm nay ở hầu hết các thị trường lớn sau một năm 2022 đầy khó khăn, nhờ niềm tin rằng lạm phát có thể đạt mục tiêu của các ngân hàng trung ương mà không gây ra suy thoái kinh tế nghiêm trọng.

Một số nhà quản lý nói rằng sự lạc quan đó có thể đã bị đặt nhầm chỗ.

Trevor Greetham - Trưởng bộ phận Tài sản ở Royal London Asset Management (RLAM), cho biết: “Thị trường vẫn chưa tin vào cuộc suy thoái sắp tới. Chúng ta đang ở trong khoảng thời gian giao thoa giữa thị trường giá xuống do lãi suất tăng vào năm 2022 và thị trường giá xuống do thu nhập vào năm 2023”.

Ông nói thêm rằng tình trạng suy thoái nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến thu nhập của các công ty và các cổ phiếu trong những tháng tới ngay cả khi Fed tạm dừng tăng lãi suất.

Tuy nhiên, ông Greetham cho biết các quỹ đa tài sản của RLAM vẫn chưa chuẩn bị cho nguy cơ suy thoái kinh tế. Họ nghiêng về cổ phiếu phòng thủ như mặt hàng tiêu dùng chủ lực và cổ phiếu ở các thị trường mới nổi được kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ việc mở cửa trở lại của Trung Quốc. Ông cho biết công ty sẽ bắt đầu mua trái phiếu chính phủ và bán cổ phiếu khi cho rằng suy thoái sắp xảy ra.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán châu Á biến động trái chiều ngày thứ Năm (19/1) khi các nhà đầu tư lo ngại về phiên giảm mạnh nhất từ đầu năm của chứng khoán Phố Wall đêm hôm trước.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,44%, đóng cửa ở mức 26.405,23 điểm sau khi quốc gia này ghi nhận một khoản thâm hụt thương mại khác trong tháng 12, một ngày sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản khiến thị trường ngạc nhiên khi giữ nguyên các biện pháp kiểm soát đường cong lợi suất.

Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 0,12% xuống 21.650,98 điểm còn Shanghai Composite của Trung Quốc đại lục tăng 0,49% lên 3.240,28 điểm.

Đỗ Khánh

kinhtexaydung.petrotimes.vn

vietinbank
ajinomoto