Thị trường chứng khoán thế giới ngày 17/1: Hợp đồng tương lai của Mỹ mất đà tăng

22:09 | 17/01/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ sáng thứ Ba (17/1) giảm điểm khi các nhà đầu tư cố gắng tiếp tục xây dựng đà tăng trưởng đầu năm 2023 và chờ đợi các thông tin tiếp theo về thu nhập của các công ty trên sàn.
Thị trường chứng khoán thế giới ngày 13/1: Đà tăng tiếp diễn khi lạm phát giảmThị trường chứng khoán thế giới ngày 13/1: Đà tăng tiếp diễn khi lạm phát giảm
Thị trường chứng khoán thế giới ngày 16/1: Hợp đồng tương lai giữ sắc xanh trong ngày MLKThị trường chứng khoán thế giới ngày 16/1: Hợp đồng tương lai giữ sắc xanh trong ngày MLK
Thị trường chứng khoán thế giới ngày 17/1: Hợp đồng tương lai của Mỹ mất đà tăng
Ảnh minh họa. https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Hợp đồng tương lai gắn liền với chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 54 điểm, tương đương 0,16%. Hợp đồng tương lai S&P 500 giảm 0,32%, trong khi hợp đồng tương lai Nasdaq 100 giảm 0,51%.

Cả ba chỉ số chính đều tăng sau hai tuần giao dịch đầu tiên tích cực trong năm mới. Nasdaq Composite đang dẫn đầu với mức tăng 5,9% khi các nhà đầu tư mua cổ phiếu công nghệ đã giảm mạnh trước đó trong bối cảnh hy vọng về sự cải thiện đối với các cổ phiếu tăng trưởng. S&P 500 và Dow đã tăng lần lượt 4,2% và 3,5% kể từ đầu năm.

Đà tăng xuất hiện nhờ dữ liệu lạm phát mà các nhà đầu tư coi là dấu hiệu cho thấy một nền kinh tế đang thu hẹp lại, với hy vọng điều đó sẽ giúp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thêm cơ sở cho việc giảm tốc độ tăng lãi suất một lần nữa. Tuần trước, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 cho thấy lạm phát hạ nhiệt 0,1% so với tháng trước, nhưng vẫn cao hơn 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

Giờ đây, sự tập trung của nhà đầu tư chuyển sang tài chính doanh nghiệp khi mùa báo cáo thu nhập bắt đầu. Các ngân hàng chiếm sự chú ý vào thứ Sáu (13/1) khi các nhà đầu tư xem xét các bình luận về khả năng xảy ra suy thoái. Goldman Sachs và Morgan Stanley sẽ báo cáo trước tiếng chuông mở cửa phiên thứ Ba (17/1), tiếp theo là United Airlines sau khi thị trường đóng cửa.

Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA cho biết: “Ít nhất, dữ liệu kinh tế cho thấy kết quả tốt, điều mà chúng tôi không có được trong phần lớn thời gian của năm vừa qua. Câu hỏi bây giờ là liệu mùa thu nhập sẽ thúc đẩy hy vọng mới đó hay làm hỏng bữa tiệc trước khi nó thực sự bắt đầu”.

Các nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi các tin tức từ cuộc họp của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos diễn ra trong tuần này.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán châu Á trượt dốc trong phiên thứ Ba (17/1) sau khi Trung Quốc báo cáo dữ liệu kinh tế năm 2022 kém khả quan khiến các nhà đầu tư lo ngại về triển vọng suy thoái kinh tế toàn cầu.

Tăng trưởng cho năm 2022 của Trung Quốc là 3%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức là khoảng 5,5%. Nếu không tính mức tăng 2,2% sau đợt bùng phát đầu tiên của dịch Covid-19 vào năm 2020 thì đây là mức tăng trưởng tồi tệ nhất trong gần nửa thế kỷ.

Chỉ số Hang Seng giảm 0,78% xuống 21.577,64 điểm còn sàn Shanghai Composite giảm nhẹ 0,1% xuống 3.224,24 điểm.

Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng trưởng 2,9% trong quý IV năm ngoái, vượt qua kỳ vọng và tăng thêm sự lạc quan về một sự hồi phục từ quốc gia này.

Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản vươn lên 26.138,68 điểm sau khi tăng 1,23% cuối phiên.

Cuộc họp kéo dài hai ngày của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) bắt đầu vào thứ Ba, sau khi có nhiều suy đoán rằng các quan chức có thể điều chỉnh lại chính sách, chỉ một tháng sau khi gây bất ngờ lớn với việc cho phép lợi suất trái phiếu chính phủ (JGB) kỳ hạn 10 năm dao động trong biên độ 50 điểm cơ bản xung quanh mức lợi suất mục tiêu 0%.

Đỗ Khánh

kinhtexaydung.petrotimes.vn