Ngành dầu mỏ sẽ ra sao khi những ngân hàng tài trợ lớn nhất vừa rút lui?

18:50 | 20/05/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Quyết định không tài trợ cho các dự án dầu khí trong tương lai của BNP Paribas đã đặt ra những câu hỏi cấp bách cho một số công ty năng lượng lớn nhất thế giới và các nhà cung cấp của họ, theo Upstream Online.
BNP Paribas sẽ cắt giảm 80% tài trợ cho khai thác dầu vào năm 2030BNP Paribas sẽ cắt giảm 80% tài trợ cho khai thác dầu vào năm 2030
Ngân hàng lớn nhất của Pháp ngừng tài trợ cho các dự án dầu khí mớiNgân hàng lớn nhất của Pháp ngừng tài trợ cho các dự án dầu khí mới
Ngành dầu mỏ sẽ ra sao khi những ngân hàng tài trợ lớn nhất vừa rút lui?
Ảnh minh họa

Ngân hàng này đã thông báo vào thứ Năm tuần trước rằng họ sẽ không còn cung cấp hạn mức tín dụng cho việc phát triển các mỏ dầu khí mới như một phần trong chiến lược rộng lớn hơn nhằm giảm tài trợ các dự án hydrocarbon và phù hợp với các mục tiêu phát thải ròng bằng không.

Động thái này cũng bao gồm cắt tín dụng cho các cơ sở khai thác, lưu trữ và dỡ hàng nổi, khiến các nhà cung cấp tại ngành công nghiệp này thậm chí còn gặp khó khăn hơn.

Việc BNP Paribas rút khỏi việc tài trợ dự án nhiên liệu hóa thạch mới là một đòn giáng mạnh vào lĩnh vực này. Quyết định có tác động rất lớn khi ngân hàng có trụ sở tại Paris này có lịch sử hiện diện với tư cách là một trong những nhà cung cấp tài chính hàng đầu trong ngành hàng hóa và năng lượng.

Chỉ riêng trong năm 2022, BNP Paribas đã cấp 20,8 tỷ USD cho các công ty liên quan đến nhiên liệu hóa thạch và các dự án của họ, với TotalEnergies của Pháp và nhà thầu mỏ dầu Saipem là 2 trong số những khách hàng lớn nhất, theo báo cáo năm 2023 do các tổ chức môi trường như Rainforest Action Network (RAN), Sierra Club và OCI tổng hợp.

Một số tên tuổi dầu khí lớn nhất nằm trong số các khách hàng hàng đầu của BNP Paribas, bao gồm Shell, BP, Saudi Aramco, Petrobras và Chevron, cùng một nguồn tin cho biết.

Trong báo cáo RAN-Sierra-OCI, BNP Paribas cũng nổi bật với tư cách là nhà cung cấp vốn hàng đầu cho các hoạt động khai thác ngoài khơi với số tiền 42,13 tỷ USD trong giai đoạn 2016-2022.

Động thái của BNP Paribas chỉ đơn thuần phản ánh hướng đi đang được thực hiện bởi nhiều nhà tài trợ truyền thống khác. Ví dụ, vào tháng 3, ngân hàng ING của Hà Lan cho biết họ sẽ không tài trợ cho các dự án dầu khí mới được phê duyệt sau cuối năm 2021 đồng thời giảm danh mục đầu tư thượng nguồn và mức độ rủi ro tài chính thương mại dầu khí xuống 19% vào năm 2030.

Báo cáo cho biết tổng số tiền cho vay nhiên liệu hóa thạch vào năm 2022 từ 60 ngân hàng lớn nhất thế giới là 669 tỷ USD.

Lựa chọn thay thế từ châu Á

Với vai trò trung tâm trong việc tài trợ cho ngành công nghiệp dầu mỏ, việc rút lui của những nhà băng này sẽ gây ra hệ quả tất yếu.

Tuy nhiên, hầu hết các nguồn được Upstream liên hệ đều cho rằng sức mạnh tài chính của các công ty dầu mỏ và mối lo ngại ngày càng tăng về an ninh năng lượng và khả năng chi trả sẽ đảm bảo rằng các nguồn tài chính thay thế sẽ xuất hiện.

Trong khi những ngân hàng phương Tây đang trở nên miễn cưỡng hơn khi bị coi là ủng hộ nhiên liệu hóa thạch, áp lực có thể ít hơn ở những nơi khác trên thế giới.

“Có rất nhiều mối quan tâm từ châu Á [trong việc cung cấp tài chính] và không chỉ có Trung Quốc. Rất nhiều người ở châu Á cần sự đảm bảo về nguồn cung cấp năng lượng,” một nhà phân tích vốn chủ sở hữu của một ngân hàng lớn ở châu Âu nói với Upstream.

Những người khác cũng đồng ý rằng nhiên liệu hóa thạch sẽ tiếp tục thu hút vốn, bất chấp những khoản rút tiền lớn như BNP Paribas đã công bố.

“Tôi nghi ngờ việc bất kỳ một ngân hàng cụ thể nào tự mình rút khỏi việc cấp vốn cho dầu khí sẽ ảnh hưởng đến khả năng tài trợ cho các dự án thượng nguồn của [các công ty dầu mỏ lớn]. Có nhiều lựa chọn và cách khác để vẫn hỗ trợ và phát triển các dự án mới,” một nhà phân tích nói với Upstream.

Người này cho biết, lợi nhuận kỷ lục và dòng tiền tự do của năm ngoái, cùng với sự gia tăng gần đây từ doanh thu liên quan đến giao dịch, đã “cải thiện bảng cân đối kế toán và tiền mặt [cao hơn] đáng kể” cho các doanh nghiệp dầu khí. Việc này giúp họ giảm nợ và cho phép các nhà công ty này có thể “tự cấp vốn” nhiều hơn.

Một nguồn tin tại Shell cho biết quyết định của BNP Paribas sẽ không có tác động đáng kể đến khả năng thúc đẩy các kế hoạch của mình, nhờ vào quy mô hiện tại của bảng cân đối kế toán của công ty.

Người phát ngôn của Tập đoàn năng lượng Na Uy Equinor cũng đưa ra quan điểm tương tự.

Các nhà phân tích thừa nhận rằng trong khi các công ty dầu mỏ nhỏ hơn sẽ có ít khả năng tài trợ cho các hoạt động hoặc đầu tư từ bảng cân đối kế toán, thì tình hình thậm chí còn khó khăn hơn đối với các nhà thầu trong các dự án thâm dụng vốn, trừ khi các khách hàng của công ty mở ra những con đường tài chính mới.

Iman Hill, giám đốc điều hành của Hiệp hội các nhà sản xuất dầu khí quốc tế cho biết: “Nếu các dự án dầu khí không được tài trợ đầy đủ, nó sẽ chỉ dẫn đến giá cao, ngành công nghiệp bị gián đoạn và những thách thức kinh tế”.

“Điều quan trọng là các nhà tài chính phải xem xét lại cách tiếp cận của họ đối với các dự án tài trợ để đảm bảo chúng tôi duy trì được tiến độ đã được cân đối.”

TotalEnergies, Saipem, Chevron và Adnoc đã không trả lời yêu cầu bình luận. Aramco và BP từ chối bình luận.

Đỗ Khánh