Bức tranh tương phản về tiêu thụ khí đốt ở EU và Trung Quốc

15:47 | 18/10/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Tiêu thụ khí đốt của các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã giảm 11% trong tháng 9/2023 so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 19 tỷ m3 trong bối cảnh sản lượng năng lượng mặt trời và hạt nhân ngày càng tăng.
Thế giới không có đủ LNG cho quá trình chuyển đổi năng lượngThế giới không có đủ LNG cho quá trình chuyển đổi năng lượng
Khối lượng khí đốt vận chuyển từ EU đến Ukraine tăng 600%Khối lượng khí đốt vận chuyển từ EU đến Ukraine tăng 600%
Bức tranh tương phản về tiêu thụ khí đốt ở EU và Trung Quốc
Ảnh minh họa

Điều đó cho thấy, khối lượng khí đốt nhập khẩu qua đường ống sang EU đã giảm 21% trong tháng trước, trong khi đó mức tiêu thụ khí đốt của Trung Quốc tăng 11% trong tháng 8, Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt (GECF) cho biết trong một báo cáo.

Tổng lượng tiêu thụ khí đốt ở EU giảm 9,3% trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 9/2023 so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 234 tỷ m3.

"Vào tháng 9/2023, mức tiêu thụ khí đốt ở EU giảm trở lại sau khi tăng mạnh trong tháng trước, giảm 11% so với năm ngoái, xuống còn 19 tỷ m3. Mức giảm này là do EU tiếp tục đưa ra quy định, giúp giảm 15% nhu cầu khí đốt tự nguyện từ ngày 1/4/2023 đến ngày 31/3/2024. Hơn nữa, việc gia tăng sản lượng năng lượng mặt trời và năng lượng hạt nhân trong sản xuất điện đã dẫn đến giảm sự phụ thuộc vào khí đốt trong cơ cấu sản xuất điện ở EU", báo cáo cho biết. Trong khi đó, nhu cầu khí đốt trong lĩnh vực công nghiệp của một số nước EU bắt đầu phục hồi trong bối cảnh giá khí đốt giảm, mặc dù vẫn chưa đạt mức như những năm trước.

Cụ thể, nhu cầu khí đốt giảm 16% trong tháng 9 xuống còn 3,6 tỷ m3 ở Đức, giảm 0,1% xuống 3,8 tỷ m3 ở Ý, giảm 27% xuống 1,4 tỷ m3 ở Pháp và 6% xuống 2,4 tỷ m3 tại Tây Ban Nha. Tiêu thụ khí đốt của Vương quốc Anh đã giảm 21% xuống còn 3 tỷ m3 trong tháng 9. Theo báo cáo, tổng mức tiêu thụ khí đốt của Trung Quốc đã tăng 11% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm trước lên 33 tỷ m3 (nhu cầu từ tháng 1 đến tháng 8/2023 đã tăng thêm 7,4% lên 260 tỷ m3).

Khí đốt nhập khẩu qua đường ống sang EU lên tới 10,8 tỷ m3 trong tháng 9, giảm 19% so với tháng trước và giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhìn chung, nguồn cung khí đốt qua đường ống sang EU giảm 29% từ đầu năm, xuống còn 115 tỷ m3. Trong khối lượng này, khí đốt của Nga chỉ tương đương 19 tỷ m3 (giảm 66%). GECF cho biết thêm rằng nguồn cung từ Na Uy đạt tổng cộng 62 tỷ m3 (giảm 13%), 23 tỷ m3 được cung cấp từ Algeria, trong khi khối lượng còn lại đến từ Azerbaijan và Libya. Thị phần khí đốt của Na Uy và Nga trong tổng khối lượng nguồn cung qua đường ống lần lượt bằng 54% và 17% vào năm 2023.

Nguồn cung LNG

Khối lượng LNG đến châu Âu đã giảm vào tháng trước so với cùng kỳ, giảm tháng thứ ba liên tiếp - giảm 22% xuống còn 7,59 triệu tấn, đây là mức thấp nhất kể từ tháng 11/2021. Nhập khẩu LNG giảm do trữ lượng khí đốt cao, nhu cầu giảm và chênh lệch giá giao ngay giữa khu vực châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu tăng. Nhập khẩu LNG của các nước châu Á trong tháng 9 tăng 11% lên 21,75 triệu tấn. Tổng lượng nhập khẩu từ đầu năm đến nay của châu Âu đạt 92,55 triệu tấn (tăng 2,4%), trong khi châu Á nhập khẩu 194,14 triệu tấn (tăng 3,1%).

Xuất khẩu LNG toàn cầu tăng 2,8% trong tháng 9/2023 so với cùng kỳ năm ngoái, lên 33,58 triệu tấn. Xuất khẩu LNG toàn cầu tính đến thời điểm hiện tại tăng 3,7% lên 304,87 triệu tấn.

GECF cho biết, Mỹ, Qatar và Australia là những nhà cung cấp khí hóa lỏng lớn nhất trong tháng 9, đồng thời cho biết thêm Nga là nhà cung cấp lớn thứ tư.

Yến Anh

TASS