Bất cập đằng sau sự phát triển mạnh mẽ của ngành dầu mỏ Iraq

19:01 | 05/06/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Các công ty dầu mỏ phương Tây đang làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nước và gây ô nhiễm ở Iraq khi họ chạy đua kiếm lợi từ giá dầu tăng sau cuộc chiến Ukraine.
Kazakhstan: Nguồn cung dầu tiềm năng của ĐứcKazakhstan: Nguồn cung dầu tiềm năng của Đức
Giao thông tại kênh đào Suez trở lại bình thường sau sự cố tàu chở dầuGiao thông tại kênh đào Suez trở lại bình thường sau sự cố tàu chở dầu
Bất cập đằng sau sự phát triển mạnh mẽ của ngành dầu mỏ Iraq
Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia quốc tế, tình trạng khan hiếm nước đã khiến hàng nghìn người phải di dời và gia tăng tình trạng bất ổn, trong khi Iraq hiện được Liên Hợp Quốc coi là quốc gia dễ bị tổn thương thứ năm trước cuộc khủng hoảng khí hậu. Ở miền nam giàu dầu mỏ nhưng cực kỳ khô hạn của Iraq, những vùng đất ngập nước từng là nguồn cung cấp thực phẩm cho cả cộng đồng giờ trở thành những con kênh đầy bùn.

Mahdi Mutir (57 tuổi) làm nghề đánh cá cả đời. Trong nhiều năm, Mutir và vợ thức dậy lúc hoàng hôn, chèo thuyền dọc theo hệ thống kênh rạch dày đặc ở Al Khora, cách Basra vài km về phía bắc. Mặc dù đánh cá được ít ỏi nhưng đủ để cung cấp thực phẩm cho gia đình bảy người của họ.

Điều đó đã thay đổi vào năm ngoái. Giờ đây, vào cao điểm của mùa mưa, thuyền của Mutir bị mắc cạn trong bùn.

“Đó là trạm cấp nước do công ty Ý xây dựng: họ cần nước cho các mỏ dầu của họ,” Mutir nói, chỉ vào làn khói đen bốc lên từ mỏ dầu Zubayr ở phía chân trời.

Để giúp khai thác dầu, các công ty bơm một lượng lớn nước vào lòng đất. Để có một thùng dầu - nhiều trong số thùng dầu đó sau này được xuất khẩu sang châu Âu - thì có tới ba thùng nước được bơm vào lòng đất. Và khi xuất khẩu dầu mỏ của Iraq tăng lên, nước của nó đã giảm đáng kể.

Công ty Ý mà ông Mutir đang đề cập đến là công ty đa quốc gia về dầu khí Eni, đã làm việc tại Iraq từ năm 2009. Phân tích các hình ảnh vệ tinh cho thấy trong năm qua, một con đập nhỏ do Eni xây dựng để chuyển nước từ kênh Basra sang nhà máy xử lý nước của họ, đang ngăn chặn lũ lụt theo mùa của khu vực mà ông Mutir từng đánh cá.

Một nhà máy khác gần đó, thuộc sở hữu của các công ty dầu mỏ bao gồm BP và ExxonMobil, chiếm 25% lượng nước tiêu thụ hằng ngày trong khu vực mà có gần 5 triệu người.

Nhà máy Qarmat Ali, cách nhà máy của Eni 5 dặm về phía nam, được điều hành bởi Tổ chức Điều hành Rumaila (ROO), bao gồm BP, PetroChina và Công ty Dầu khí Miền Nam của Iraq. Nước tại nhà máy này được lấy trực tiếp từ kênh Abd Abdullah, kênh này dẫn nước ngọt từ một con sông và là nguồn nước chính của Basra.

Trong một thông cáo, Eni cho biết công ty không sử dụng nước ngọt vì nước từ các con kênh bị nhiễm mặn và ô nhiễm, do đó nhu cầu sử dụng nước của họ không cạnh tranh với các mục đích sử dụng khác. Nhưng theo phóng viên của tờ Guardian đã nhìn thấy trên mặt đất và trong các hình ảnh vệ tinh, các con kênh mà đang cung cấp nước cho Qarmat Ali và nhà máy Al Khora đang được xây dựng của Eni, chiếm 35% lượng nước sử dụng của các hộ gia đình ở Basra.

Rõ ràng cuộc khủng hoảng nước sắp xảy ra ở Iraq. Năm 2012, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) báo cáo nhu cầu về nước cho dầu mỏ của nước này sẽ tăng gấp 10 lần. Nếu không có giải pháp thay thế, cơ quan này cho biết, “nhu cầu nước sử dụng cho dầu sẽ phải đến từ các tầng ngậm nước địa phương, như vậy nó sẽ cạnh tranh trực tiếp với nhu cầu cho nông nghiệp và tiêu dùng”.

Năm 2018, một cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng tại thành phố Basra đã khiến 118.000 người phải nhập viện và dẫn đến các cuộc biểu tình bạo lực. Những người biểu tình đã ném bom xăng vào các tòa nhà chính phủ và lực lượng an ninh đã đáp trả bằng đạn thật, khiến ít nhất 5 người thiệt mạng.

Robert Mills, giám đốc điều hành của Qamar Energy, công ty tư vấn độc lập và là tác giả của một báo cáo năm 2018 về nhu cầu nước của Iraq, cho biết: “Nhìn chung, khối lượng nước cần thiết không lớn, nhưng ở những khu vực thiếu nước, điều này có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng. Ở Basra, nơi có vấn đề nghiêm trọng về nước, về nguyên tắc, các công ty dầu mỏ nên tìm giải pháp thay thế cho nước ngọt.”

Tại Ả Rập Xê Út, nước láng giềng của Iraq với các vấn đề về nước tương tự, có trữ lượng dầu lớn thứ ba thế giới, nước phục vụ cho khai thác dầu được lấy từ biển. Tại Iraq, các cuộc thảo luận về việc xây dựng một dự án cung cấp nước biển đã diễn ra hơn một thập kỷ, nhưng vẫn chưa có gì được thực hiện: “Bộ dầu mỏ không có đủ ngân sách, và các công ty dầu khí không muốn trả tiền cho dự án đó,” ông Mills nói.

Iraq đã tăng hơn gấp đôi sản lượng dầu thô trong thập kỷ tính đến năm 2019 và sản lượng của nước này chỉ tăng kể từ khi Nga tấn công Ukraine vào năm 2022. Năm đó, xuất khẩu dầu của Iraq sang châu Âu đã tăng gần 40%.

Năm ngoái, các công ty dầu khí đã đem về lợi nhuận chưa từng có. Eni đã nhân đôi lợi nhuận năm 2021, thu về 17,9 tỷ bảng Anh, trong khi BP, Exxon và TotalEnergies cũng ghi nhận những năm có lợi nhuận cao nhất trong lịch sử gần đây.

Tuy nhiên, người ta không thấy Iraq tăng trưởng tương tự như các công ty đó. “Các chỉ số phát triển của Iraq giống với các chỉ số của các nước có thu nhập thấp,” Ngân hàng Thế giới cho biết trong một báo cáo năm 2022.

Walid al-Hamid, người đứng đầu cơ quan môi trường miền nam Iraq cho biết: “Trái ngược với các quốc gia khác mà họ đã làm việc ở đó, ở Iraq, hầu hết các công ty dầu mỏ nước ngoài không làm gì để hạn chế tác động môi trường của họ. Đối với họ, việc tiếp tục gây ô nhiễm môi trường sẽ rẻ hơn so với biện pháp ngăn ngừa”.

Trong một tài liệu mà tờ Guardian thấy, Eni và BP nằm trong số các công ty được liệt kê là đã bị phạt. Nhưng nhiều khoản tiền phạt vẫn chưa được trả, theo ông Hamid.

Yến Anh

vietinbank
ajinomoto