Tin nhanh ngân hàng ngày 8/7: NCB được tăng vốn điều lệ thêm tối đa 1.500 tỉ đồng

06:00 | 08/07/2021

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Vietnam Airlines chính thức ký được vay ưu đãi 4.000 tỉ đồng; Vietcombank và VietinBank có nhân sự mới phụ trách Hội đồng quản trị… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.

Tin nhanh ngân hàng ngày 7/7: Ngân hàng Bắc Á ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp vay vốnTin nhanh ngân hàng ngày 7/7: Ngân hàng Bắc Á ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp vay vốn

Tin nhanh ngân hàng ngày 6/7: Tiết kiệm cùng SHB, đầu tư an toàn, rinh ngàn quà tặngTin nhanh ngân hàng ngày 6/7: Tiết kiệm cùng SHB, đầu tư an toàn, rinh ngàn quà tặng

NCB được tăng vốn điều lệ thêm tối đa 1.500 tỉ đồng

Mới đây, NHNN chấp thuận việc Ngân hàng TMCP Quốc Dân ( NCB) tăng vốn điều lệ thêm tối đa 1.500 tỉ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo Phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông NCB thông qua tại Nghị quyết số 29/NQ.ĐHĐCĐ ngày 22/02/2021.

Tin nhanh ngân hàng ngày 8/7: NCB được tăng vốn điều lệ thêm tối đa 1.500 tỉ đồng
NCB được tăng vốn điều lệ thêm tối đa 1.500 tỉ đồng/tin nhanh ngân hàng/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

NHNN yêu cầu: NCB thực hiện việc tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật; Thông báo bằng văn bản và có cách thức phù hợp để đảm bảo các tổ chức, cá nhân khi mua cổ phần của NCB cam kết hiểu và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của cổ đông theo đúng quy định tại Điều 54 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2021 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Trong thời hạn tối đa 10 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc phát hành cổ phiếu theo quy định của pháp luật, NCB thực hiện thủ tục sửa đổi, bổ sung Giấy phép hoạt động theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Thông tư số 50/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 của Thống đốc NHNN quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận một số nội dung thay đổi của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Việc sử dụng vốn thu được từ việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu 1.500 tỉ đồng phải bảo đảm thiết thực, hiệu quả để nâng cao năng lực tài chính, ưu tiên xử lý các tồn tại tài chính, trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro theo quy định, không sử dụng vào các mục đích cấp tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro, bất động sản.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, đại diện lãnh đạo NCB cho biết ngân hàng sẽ tăng vốn lên hơn 7.000 tỉ đồng từ việc chào bán 150 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tổng giá trị chào bán tương đương 1.500 tỉ đồng và phát hành 3.000 trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ với mệnh giá 1 tỉ đồng/trái phiếu, tổng giá trị trái phiếu dự kiến phát hành tương đương 3.000 tỉ đồng.

Vietnam Airlines chính thức ký được vay ưu đãi 4.000 tỉ đồng

Sáng 7/7, Vietnam Airlinesđã ký kết hợp đồng tín dụng với ba ngân hàng thương mại là Ngân Hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) với tổng số tiền vay 4.000 tỉ đồng.

Theo đó, ngay sau khi Quốc hội và Chính phủ ban hành Nghị quyết về gói hỗ trợ vào cuối năm 2020, Vietnam Airlines đã chủ động làm việc với một số tổ chức tín dụng để tìm kiếm sự chấp thuận cho vay vốn mang tính nguyên tắc từ các ngân hàng trong bối cảnh tình hình tài chính của Vietnam Airlines bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19.

Về khoản vay 4.000 tỉ đồng thuộc khoản vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng để cho Vietnam Airlines vay, lãi suất 0%/năm, được trích lập dự phòng trong 3 năm.

Số tiền vay trên là một phần trong gói tài chính trị giá 12.000 tỉ đồng đã được Quốc hội, Chính phủ chấp thuận để hỗ trợ Vietnam Airlines vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, khi tình hình tài chính của hãng rất khó khăn. Hiện cổ đông nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối tại hãng hàng không này (86,19% cổ phần).

Vietnam Airlines cũng đang tiếp tục triển khai các bước theo quy định liên quan đến phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ 8.000 tỉ đồng để có thể hoàn tất thủ tục phát hành vào cuối quý III/2021.

Bên cạnh gói giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, trong năm 2020 và 2021, Vietnam Airlines cho biết đã triển khai nhiều giải pháp tự thân nhằm cắt giảm chi phí như tái cơ cấu doanh nghiệp, thu hẹp sản xuất kinh doanh theo quy mô thị trường; Tối ưu hóa hoạt động bảo dưỡng tàu bay, đàm phán với các nhà cung ứng giãn, hoãn thanh toán và áp dụng chính sách tiền lương trong giai đoạn Covid-19...

Vietcombank và Vietinbank có người phụ trách HĐQT

Sau khi các ông Nghiêm Xuân Thành, Lê Đức Thọ thôi nhiệm, HĐQT Vietcombank và Vietinbank đã phân công thành viên phụ trách HĐQT cho tới khi bầu ra Chủ tịch HĐQT mới.

Tin nhanh ngân hàng ngày 8/7: NCB được tăng vốn điều lệ thêm tối đa 1.500 tỉ đồng
Ông Đỗ Việt Hùng và ông Trần Văn Tần lần lượt được giao phụ trách HĐQT VietcomBank và VietinBank. Ảnh: Internet/ tin nhanh ngân hàng/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Ngày 5/7/2021, HĐQT VietinBank đã phân công ông Trần Văn Tần, Thành viên HĐQT phụ trách hoạt động của HĐQT thay ông Lê Đức Thọ, thôi giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT VietinBank từ ngày 3/7/2021. Ông Tần hiện đang đại diện 30% phần vốn Nhà nước tại VietinBank.

Tương tự với trường hợp của VietinBank, ngày 3/7/2021, HĐQT VietcomBank đã có quyết định giao ông Đỗ Việt Hùng, Thành viên HĐQT (đại diện 30% vốn Nhà nước) phụ trách hoạt động của HĐQT từ ngày 3/7/2021 cho tới khi hoàn tất quy trình kiện toàn nhân sự Chủ tịch HĐQT.

Trước đó, trong cùng ngày 3/7/2021, ông Nghiêm Xuân Thành và ông Lê Đức Thọ đã nhận nhiệm vụ mới, là Bí thư tỉnh uỷ Hậu Giang và Bến Tre, theo quyết định phân công của Bộ Chính trị. Ngày 2/7, NHNN đã có quyết định cho các ông này thôi đại diện phần vốn nhà nước tại Vietcombank, Vietinbank.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Mạnh Tưởng (T/h)