Tin ngân hàng tuần qua: Yêu cầu xử lý tình trạng sở hữu chéo, thao túng các tổ chức tín dụng

08:45 | 05/05/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
OCB bổ nhiệm ông Phạm Hồng Hải làm Quyền Tổng giám đốc; LPBank hoàn thành chuyển đổi hệ thống CoreBanking T24; Người dân bớt bỏ tiền vào ngân hàng; Tỷ giá USD/VND có thể lên 25.600 đồng trong quý II/2024 và suy yếu… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật tuần qua.
Tin ngân hàng ngày 4/5: Đề xuất cấm tổ chức tín dụng khuyến mại trái quy định khi nhận tiền gửiTin ngân hàng ngày 4/5: Đề xuất cấm tổ chức tín dụng khuyến mại trái quy định khi nhận tiền gửi
Tin ngân hàng ngày 3/5: Techcombank chuẩn bị chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 15%Tin ngân hàng ngày 3/5: Techcombank chuẩn bị chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 15%

Yêu cầu Bộ Công an xử lý tình trạng sở hữu chéo, thao túng các tổ chức tín dụng

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14 về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Tin ngân hàng tuần qua: Yêu cầu xử lý tình trạng sở hữu chéo, thao túng các tổ chức tín dụng
Ảnh minh họa

Theo chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, thực hiện ngay công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng, kiện toàn hệ thống thanh tra, kiểm tra bảo đảm thông suốt, gắn kết từ Trung ương đến địa phương, hiệu lực, hiệu quả.

Kịp thời rà soát, xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 để triển khai thực hiện đồng bộ từ ngày 01/07/2024 khi Luật có hiệu lực thi hành.

Đẩy mạnh công tác truyền thông về các cơ chế, chính sách về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng; trong đó chú trọng đến các chính sách mới, các chính sách tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp như chính sách tỷ giá, tín dụng, lãi suất, tiết kiệm, vay vốn, thanh toán... bằng các hình thức truyền thông đa dạng, phong phú, đảm bảo tính minh bạch, phù hợp với các cam kết quốc tế và quy định của pháp luật.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành có liên quan đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/06/2015 và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/09/2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp với thực tế, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương có các giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng sở hữu chéo, thao túng tại các tổ chức tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và an ninh tài chính, tiền tệ.

Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng để tăng khả năng tiếp cận tín dụng, sử dụng hiệu quả vốn tín dụng, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh đảm bảo thực hiện đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm của người vay vốn.

OCB bổ nhiệm ông Phạm Hồng Hải làm Quyền Tổng giám đốc

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa công bố thông tin liên quan đến việc bổ nhiệm ông Phạm Hồng Hải đảm nhận các quyền hạn, nhiệm vụ trong vai trò Tổng Giám đốc từ ngày 06/5/2024.

Theo tìm hiểu, ông Phạm Hồng Hải bắt đầu tham gia vào ngành ngân hàng ngay khi tốt nghiệp. Sau gần 19 năm gắn bó, trải qua nhiều vị trí quan trọng, bằng năng lực vượt trội của mình, ông đã trở thành người Việt đầu tiên và duy nhất cho đến nay giữ vị trí lãnh đạo cấp cao tại ngân hàng nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.

Chia sẻ về quyết định gia nhập OCB với vai trò lãnh đạo cao nhất của Ban điều hành, ông Hải cho biết, OCB là một trong những ngân hàng TMCP nội địa hiếm hoi, thành công xây dựng được giá trị an toàn, hoạt động hiệu quả và trên hết là sự minh bạch. Chính điều này đã khiến ông quyết định lựa chọn đồng hành cùng OCB. Ông hy vọng ở cương vị mới, trách nhiệm mới, bằng những kinh nghiệm trước đó, sẽ giúp tạo ra những giá trị khác biệt, đưa OCB đạt được các mục tiêu đã đề ra, trên nguyên tắc luôn đặt lợi ích của ngân hàng lên hàng đầu, đồng thời đem đến những sản phẩm, dịch vụ tài chính tối ưu nhất cho khách hàng.

Là ngân hàng tư nhân hàng đầu tại Việt Nam, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc triển khai các kế hoạch chiến lược, tăng cường năng lực quản trị của ngân hàng trong giai đoạn hiện nay, HĐQT OCB đã lên kế hoạch bổ sung thêm nhân sự chủ chốt cho Ban điều hành.

"Sau một thời gian khá dài tìm kiếm, ông Hải chính là nhân sự tốt nhất được chọn lựa cho vị trí quan trọng này. Tôi tin rằng với những kinh nghiệm, thành tựu và uy tín của mình, ông Hải sẽ tiếp tục phát huy khả năng lãnh đạo, tạo động lực mới và có đóng góp to lớn vào hành trình phát triển sắp tới của ngân hàng", ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB chia sẻ trong buổi lễ bổ nhiệm nhân sự chủ chốt trong Ban điều hành.

Cùng ngày, HĐQT OCB đã chấp thuận đơn từ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc của ông Nguyễn Đình Tùng. Thời gian tới, ông Tùng sẽ tiếp tục đồng hành với ngân hàng trong vai trò Thành viên HĐQT, tập trung xây dựng, triển khai chiến lược phát triển bền vững, đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển mạng lưới đối tác lớn.

LPBank hoàn thành chuyển đổi hệ thống CoreBanking T24

Các dịch vụ và hệ thống giao dịch của LPBank trên nền tảng hệ thống công nghệ mới CoreBanking T24 hoàn thành trong 7 tháng, sẵn sàng phục vụ khách hàng.

Tin ngân hàng tuần qua: Yêu cầu xử lý tình trạng sở hữu chéo, thao túng các tổ chức tín dụng
Ảnh minh họa

Dự án chuyển đổi CoreBanking T24 là dự án công nghệ cốt lõi trong chiến lược của LPBank giai đoạn 2024-2028 nhằm thay đổi mạnh mẽ, hiệu quả toàn diện, phát triển bền vững và thận trọng. Để dự án triển khai đúng tiến độ, với kỳ vọng tạo ra nhiều đổi mới, đột phá trong hoạt động và phát triển, LPBank tập trung mọi nguồn lực, làm việc xuyên suốt kỳ nghỉ 30/4 và 1/5.

Dự án không chỉ được ngân hàng đầu tư mạnh mẽ, chuyên nghiệp mà còn khác biệt về cách triển khai và hiệu quả với các quy trình chuyển đổi được kiểm soát chặt chẽ trong thời gian ngắn (chỉ 7 tháng) để đưa vào hoạt động ổn định hệ thống CoreBanking T24 mới. Điều này cho thấy tiềm năng và khẳng định vị thế của LPBank trong công cuộc số hóa, đồng thời bám sát chủ trương, định hướng về chủ động trong chuyển đổi số quốc gia và chiến lược phát triển ngành ngân hàng bền vững.

Chuyển đổi CoreBanking là sứ mệnh quan trọng trong tiến trình hội nhập và phát triển bền vững của ngân hàng. LPBank chú trọng việc tuân thủ nghiêm túc các quy trình chuyển đổi, có chiến lược triển khai quy mô, phương pháp triển khai khoa học, bài bản, phối hợp chặt chẽ với các đối tác, quản lý dự án chuyên nghiệp đồng thời cũng tập trung vào tính chính xác, vẹn toàn của dữ liệu, các vấn đề an ninh bảo mật trước, trong và sau khi nền tảng mới được đưa vào sử dụng.

Trong thời gian tới, nhà băng sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng cường hợp tác với các đối tác chiến lược nhằm phát triển và khai thác tối ưu, hiệu quả trên nền tảng hệ thống công nghệ mới. LPBank hướng tới làm chủ công nghệ, gia tăng giá trị trải nghiệm và đáp ứng nhu cầu tài chính cho khách hàng, thực hiện sứ mệnh trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam phát triển bền vững và thận trọng.

Người dân bớt bỏ tiền vào ngân hàng

Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước cập nhật đến cuối tháng 1/2024, người dân gửi tiền tại ngân hàng đạt khoảng 6,5 triệu tỷ đồng. Mức này giảm gần 35.000 tỷ so với đầu năm, tương đương hơn 0,5%.

Trước đó, từ cuối năm 2021, dòng tiền này liên tục tăng, bình quân trên 50.000 tỷ đồng mỗi tháng. Với dữ liệu mới từ nhà điều hành, tiền gửi của dân cư lần đầu giảm trong hơn hai năm qua.

Tương tự, doanh nghiệp, tổ chức cũng giảm gửi tiền vào ngân hàng, ở mức 6,67 triệu tỷ tính tới cuối tháng 1. Mức này ít hơn 165.000 tỷ đồng so với đầu năm, tức hạ trên 2,4%.

Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê đến 25/3, huy động vốn (gồm dân cư và tổ chức) của các tổ chức tín dụng hạ 0,76% so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng gần 1,2%.

Như vậy, sau giai đoạn gửi ồ ạt, dòng tiền vào hệ thống ngân hàng đã dịch chuyển trước môi trường lãi suất thấp kéo dài. Mặt bằng lãi huy động tại hầu hết ngân hàng không quá 5% một năm. Riêng khoản gửi ngắn hạn vài tháng, lãi suất dao động 2-4% một năm, mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

Mặt khác, khẩu vị đầu tư của người dân cũng ít nhiều thay đổi trong bối cảnh thị trường tài chính biến động. Họ chọn kênh có tỷ suất sinh lời tốt hơn để "xuống tiền". Chẳng hạn, từ đầu năm đến nay, vàng sinh lời 14,8-22,3%, tốt hơn chứng khoán và gửi tiết kiệm, lần lượt 12,8% và 1,2%.

Trong bối cảnh này, để giữ chân người gửi, nhiều ngân hàng rục rịch tăng lãi huy động, thay vì giảm như trước. Nhờ đó, thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng hạn chế hơn so với mọi năm.

Tỷ giá USD/VND có thể lên 25.600 đồng trong quý II/2024 và suy yếu

Theo Báo cáo dự báo tỷ giá và ngoại hối toàn cầu mới nhất của Bộ phận Nghiên cứu Thị trường & Kinh tế Toàn cầu của UOB cập nhật ngày 03/05/2024, UOB kỳ vọng VNĐ sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các yếu tố cơ bản vững chắc và sự phục hồi tiếp theo của CNY.

Tin ngân hàng tuần qua: Yêu cầu xử lý tình trạng sở hữu chéo, thao túng các tổ chức tín dụng
Ảnh minh họa

Cuộc họp FOMC mới nhất vào tháng 5 nhận định: “Những tháng gần đây, không có nhiều tiến triển đối với mục tiêu lạm phát 2%”. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã cố gắng xoa dịu nỗi lo lắng khi ông nhấn mạnh chính sách đang theo hướng thắt chặt cân bằng và Fed sẽ không xem xét việc tăng lãi suất thêm nữa.

Nhìn chung, nhóm nghiên cứu kinh tế vĩ mô của UOB duy trì kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất 2 lần, mỗi lần 25 điểm cơ bản trong năm 2024, vào tháng 9 và 12; mặc dù rủi ro vẫn còn nằm ở việc Fed có thể trì hoãn cắt giảm lãi suất lâu hơn nữa.

Trong lĩnh vực ngoại hối, tác động từ chu kỳ nới lỏng của Fed bắt đầu muộn hơn dự kiến đối với USD là rất rõ ràng. Gần như chắc chắn USD có thể tiếp tục mạnh lên, ít nhất là trong quý II/2024. Tuy nhiên, nhất quán với quan điểm về việc lãi suất của Mỹ sẽ giảm trong thời gian tới, UOB cho rằng USD sẽ lại suy yếu nhưng có thể bắt đầu muộn hơn vào quý III/2024. Rủi ro chính đối với quan điểm giảm giá của USD là việc Fed giữ nguyên lãi suất. Đồng thời, UOB cũng dự đoán các đồng tiền châu Á tiếp tục yếu trong thời gian còn lại của quý II/2024. UOB giữ nguyên kỳ vọng về sự phục hồi của các đồng tiền châu Á, nhưng sẽ bắt đầu từ quý III/2024. Rủi ro chính đối với quan điểm tích cực thận trọng của UOB về ngoại hối ở châu Á là sự mất giá đột ngột của CNY.

Ở thị trường Việt Nam, tỷ giá USD/VND giao dịch lên mức cao mới trên 25.463 trong tháng 4 cùng xu hướng mạnh lên của USD so với các đồng tiền châu Á khác. Với kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Fed đang giảm dần, tỷ giá USD/VND có thể duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết đã can thiệp vào thị trường ngoại hối trong tháng 4 và điều này có thể giúp kiểm soát biến động. Ngoài những trở ngại bên ngoài trong ngắn hạn, UOB kỳ vọng VNĐ sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các yếu tố cơ bản vững chắc và sự phục hồi tiếp theo của CNY. Dự báo USD/VND cập nhật là 25.600 trong quý II/2024; 25.100 trong quý III/2024; 24.800 trong quý IV/2024 và 24.600 trong quý I/2025.

Huy Tùng (T/h)

vietinbank
thaco