Tin ngân hàng tuần qua: Agribank, BIDV, Vietcombank triển khai đăng ký mua vàng online

10:10 | 16/06/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
BIDV rao bán khách sạn 4 sao giữa trung tâm TP. Huế; Nâng cao cảnh giác khi giao dịch không tiền mặt; Agribank, BIDV, Vietcombank triển khai đăng ký mua vàng online; Eximbank triển khai gói tín dụng 5.000 tỷ cho doanh nghiệp SME…là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật tuần qua
Tin ngân hàng ngày 14/6: Tại sao Agribank đóng cửa điểm bán vàng Hội sở chính?Tin ngân hàng ngày 14/6: Tại sao Agribank đóng cửa điểm bán vàng Hội sở chính?
Tin ngân hàng ngày 13/6: NHNN giữ lãi suất điều hành ổn định trong năm 2024Tin ngân hàng ngày 13/6: NHNN giữ lãi suất điều hành ổn định trong năm 2024

BIDV rao bán khách sạn 4 sao giữa trung tâm TP. Huế

Mới đây, ngân hàng BIDV chi nhánh Thừa Thiên – Huế thông báo rao bán tài sản đảm bảo là công trình khách sạn 4 sao tại trung tâm TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế) với giá khởi điểm chỉ từ 99,758 tỷ đồng.

Theo thông tin BIDV cung cấp, tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất tại số 29 phố Đội Cung, phường Phú Hội, TP. Huế theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp, quyền sở hữu nhà ở và tài sản trên đất do Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên – Huế cấp ngày 4/9/2019 cho Công ty TNHH Thanh Trang. Khu đất này có diện tích 517m2 là đất ở đô thị, có thời hạn sử dụng lâu dài.

Công trình trên đất là khách sạn với diện tích xây dựng là 417m2 và tổng diện tích sàn là 5850m2. Khách sạn bao gồm 13 tầng nổi, một tầng nửa hầm, và một tầng lửng. Khách sạn còn có bể bơi trong nhà, bể bơi ngoài trời, nhà hàng, sky bar, phòng hội nghị,…

Giá khởi điểm của tài sản là 99,758 tỷ đồng. Trước đó, khách sạn này từng được BIDV Thừa Thiên Huế đấu giá vào ngày 30/5 với giá khởi điểm 105 tỷ đồng nhưng không thành công.

Giá khởi điểm chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng đối với tài sản, chưa bao gồm lệ phí trước bạ chuyển quyền sử dụng đất và chuyển quyền sở hữu tài sản.

Theo tìm hiểu, khách sạn này có tên MidTown Huế. Đây là khách sạn do Công ty TNHH Thanh Trang làm chủ đầu tư.

Nâng cao cảnh giác khi giao dịch không tiền mặt

Thanh toán không tiền mặt đã có bước tiến dài chỉ trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển nhanh chóng ấy là những chiêu lừa đảo, chiếm đoạt tiền ngày càng tinh vi và gây ra thiệt hại lớn cho người dân, doanh nghiệp. Do đó, nâng cao bảo mật trong thanh toán và nhận diện chiêu trò lừa đảo của tội phạm mạng là rất cấp bách.

Tin ngân hàng tuần qua: Agribank, BIDV, Vietcombank triển khai đăng ký mua vàng online
Ảnh minh họa

Vấn đề này cũng được các chuyên gia và khách mời bàn luận tại hai phiên hội thảo hội thảo "Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt"

Cụ thể, ở phiên 1 với chủ đề "Nâng cao khả năng bảo mật cho các ngân hàng", các tham luận tập trung vào các nội dung: Đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt; Thực trạng, chiêu trò lừa đảo của tội phạm mạng - Giải pháp ngăn ngừa; Rủi ro gian lận trong thanh toán số trên thế giới và hàm ý cho Việt Nam.

Sang phiên 2 là chủ đề "Nâng cao khả năng bảo mật cho giao dịch cá nhân" với những nội dung xoay quanh việc ứng dụng AI để phòng ngừa rủi ro trong thanh toán trực tuyến, giải pháp công nghệ cho bảo mật an toàn giao dịch ngân hàng - Ngân hàng đã triển khai Quyết định 2345 /QĐ-NHNN của NHNN như thế nào?

Mỗi phiên bao gồm phần thảo luận về giải pháp để bảo đảm hệ thống ngân hàng hoạt động an ninh, an toàn, liên tục giải pháp để nâng cao khả năng bảo vệ cho giao dịch cá nhân, bảo vệ người dùng.

Trong khuôn khổ chương trình "Ngày không tiền mặt 2024", chiều cùng ngày, Lễ hội Ngày không tiền mặt 2024 cũng chính thức được khai mạc trên phố đi bộ Nguyễn Huệ và Khu Thương xá Tax (cũ), Q.1, TP.HCM. Tại đây, Lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM cũng công bố Chương trình Khuyến mại tập trung – Mùa mua sắm "Shopping Season" năm 2024

Trong ba ngày 14, 15 và 16-6, người dân tới Lễ hội sẽ được trải nghiệm hoạt động khác nhau như: tìm hiểu thông tin, kiến thức về lịch sử tiền tệ, phương thức thanh toán; trải nghiệm công nghệ không tiền mặt; hướng dẫn thanh toán an toàn, bảo mật; tham gia Workshop Khéo khôn với tiền… Tất cả đều nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động giao dịch, thanh toán không tiền mặt của người dân vừa tiện lợi vừa an toàn.

Agribank, BIDV, Vietcombank triển khai đăng ký mua vàng online

Sáng 14/6, trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank, cho biết ngân hàng đã chuẩn bị sẵn sàng về hệ thống để có thể triển khai cho khách hàng đăng ký mua vàng miếng SJC qua kênh trực tuyến từ đầu tuần tới (ngày 17/6).

Trưa 14/6, Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) thông báo sẽ dừng phát số mua vàng tại quầy giao dịch và chuyển sang đăng ký trực tuyến từ ngày 17/6. Như vậy, sẽ có 3 ngân hàng triển khai phương án này.

Như vậy, Agribank, BIDV là những ngân hàng tiếp theo sau Vietcombank triển khai phương án bán vàng trực tuyến - khách đặt lịch hẹn trước rồi tới chi nhánh ngân hàng giao dịch, nhận vàng.

Trước đó, Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA) gửi kiến nghị tới Chính phủ đề nghị Chính phủ xem xét bán vàng miếng SJC cho cả các doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép mua - bán vàng miếng, để các đơn vị trực tiếp bán lại cho người dân nhằm giảm áp lực chen lấn, xếp hàng như hiện nay.

Một số doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng, có mạng lưới và thương hiệu như PNJ, DOJI...

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang bán vàng miếng SJC thông qua 4 ngân hàng thương mại quốc doanh và công ty SJC để bán lại cho người dân nhằm thực hiện lộ trình thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng quốc tế ở mức phù hợp.

Theo VGTA, đây là chủ trương cần thiết, phù hợp và rất quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay 4 ngân hàng trên và công ty SJC chủ yếu bán vàng cho người dân tại một số chi nhánh ở Hà Nội và TP HCM nên đã xuất hiện hiện tượng người dân xếp hàng đông khi mua vàng và nhiều khi họ phải đăng ký trước để mua vàng.

Eximbank triển khai gói tín dụng 5.000 tỷ cho doanh nghiệp SME

Mới đây, Đại diện Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam ( Eximbank) cho biết, một trong những khó khăn phổ biến của doanh nghiệp vừa và nhỏ (doanh nghiệp SME) hiện nay là tình trạng thiếu hụt vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tin ngân hàng tuần qua: Agribank, BIDV, Vietcombank triển khai đăng ký mua vàng online
Ảnh minh họa

Điều này đòi hỏi các ngân hàng phải liên tục cải tiến quy định, cung cấp nhiều gói vay linh hoạt để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi và hiệu quả hơn.

Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo số lượng SME tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 2,4 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, chiếm hơn 98% tổng số doanh nghiệp của Việt Nam. Mặc dù được đánh giá là trụ cột của nền kinh tế khi đóng góp tới hơn 40% GDP, nhưng doanh nghiệp SME phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo báo cáo "tình hình hoạt động của doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2023" của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có đến 65% doanh nghiệp SME cho biết đang thiếu hụt vốn để hoạt động kinh doanh, 52% đơn vị phải cắt giảm sản xuất, 48% doanh nghiệp SME phải sa thải nhân công do thiếu vốn.

Theo đại diện Eximbank, nguyên nhân khiến các doanh nghiệp SME khó tiếp cận vốn vay bởi thường không đáp ứng đủ yêu cầu cấp tín dụng như: tài sản bảo đảm không đủ điều kiện; thông tin tài chính không rõ ràng. Thêm vào đó, các đơn vị này chưa dành nhiều thời gian để xây dựng và duy trì quan hệ tín dụng lâu dài với các ngân hàng và tổ chức tài chính.

Từ đó, Eximbank đầu tư 5.000 tỷ đồng cho gói tín dụng E-Fast với lãi suất cố định 5,25%. Gói được thiết kế chuyên biệt cho khách hàng SME có nhu cầu vay vốn ngắn hạn để sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi và quy trình đơn giản hóa. Hạn mức cấp tín dụng đến 15 tỷ đồng, thời gian duyệt hồ sơ khoảng 4h.

Đại diện ngân hàng đánh giá E-Fast phù hợp cho những doanh nghiệp đang thiếu hụt nguồn vốn và có nhu cầu cấp thiết trong việc vay vốn ngắn hạn. Gói vay giúp doanh nghiệp giải quyết những khó khăn, tạo đà tăng tốc phát triển kinh doanh Bên cạnh đó, E-Fast còn mang lại "lợi kép" khi danh mục hồ sơ và thủ tục vay vốn, giải ngân đơn giản. Chủ doanh nghiệp được tặng gói ưu đãi tài khoản số đẹp và miễn phí 100% các giao dịch online khi mở tài khoản.

E-Fast đánh dấu bước tiến chiến lược của Eximbank, khẳng định vai trò trong hỗ trợ doanh nghiệp SME tiếp cận vốn vay ngân hàng dễ dàng hơn.

Yêu cầu ngân hàng, đơn vị kinh doanh vàng báo cáo các giao dịch có giá trị lớn, đáng ngờ

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) yêu cầu các tổ chức tín dụng, các tổ chức kinh doanh, mua bán vàng miếng, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nghiêm túc chấp hành việc báo cáo giao dịch có giá trị lớn, giao dịch đáng ngờ theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.

Tin ngân hàng tuần qua: Agribank, BIDV, Vietcombank triển khai đăng ký mua vàng online
Ảnh minh họa

Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước mới đây đã có công văn 4885 gửi các ngân hàng, doanh nghiệp kinh doanh, mua bán vàng miếng, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán rà soát các giao dịch đáng ngờ, gửi báo cáo đánh giá rủi ro rửa tiền về NHNN trước ngày 15/7.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các tổ chức kinh doanh, mua bán vàng miếng, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022, Nghị định số 19/2023/NĐ-CP ngày 28/4/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền, Quyết định số 11/2023/QĐ-TTg ngày 27/4/2023 Thủ tướng Chính phủ quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo và Thông tư số 09/2023/TT-NHNN ngày 28/7/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tại văn bản số 10064/NHNN-TTGSNH ngày 28/12/2023.

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các đơn vị trên nghiêm túc chấp hành việc báo cáo giao dịch có giá trị lớn theo quy định tại Điều 25; báo cáo giao dịch đáng ngờ theo quy định tại Điều 26 của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 và thực hiện báo cáo bổ sung (nếu có) theo quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền; kịp thời báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến giao dịch đáng ngờ.

Các tổ chức tín dụng, tổ chức kinh doanh vàng, các trung gian thanh toán rà soát, cập nhật và gửi bổ sung báo cáo đánh giá rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, báo cáo kiểm toán nội bộ theo quy định của pháp luật, thông tin cán bộ đầu mối về phòng, chống rửa tiền (nếu có thay đổi)... về Cục Phòng, chống rửa tiền theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền và hướng dẫn tại Thông tư số 09/2023/TT-NHNN trước ngày 15/7/2024.

Huy Tùng (T/h)

vietinbank
thaco