Tin ngân hàng ngày 23/5: Thanh toán không dùng tiền mặt tăng 57%

09:11 | 23/05/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Thêm quy định về tiền điện tử e-money; IFC không còn là cổ đông của ABBank; MSB hoàn thành nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi mới… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 22/5: Tiền gửi không kỳ hạn có xu hướng tăng mạnhTin ngân hàng ngày 22/5: Tiền gửi không kỳ hạn có xu hướng tăng mạnh
Tin ngân hàng ngày 21/5: Hoàn thành chuyển giao bắt buộc 3 ngân hàng yếu kém trong năm 2024Tin ngân hàng ngày 21/5: Hoàn thành chuyển giao bắt buộc 3 ngân hàng yếu kém trong năm 2024

Thanh toán không dùng tiền mặt tăng 57%

Tại hội thảo “Phát huy tiềm năng thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt”, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, cho biết đến hết tháng 3/2024, có 15 tổ chức phát hành thẻ tín dụng nội địa. Số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến tháng 3/2024 đạt trên 904,7 nghìn thẻ (tăng 18,37% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn mức tăng thẻ tín dụng quốc tế là 9,53%).

Tin ngân hàng ngày 23/5: Thanh toán không dùng tiền mặt tăng 57%
Ảnh minh họa

“Với 900 hơn nghìn thẻ tín dụng nội địa trong khi quy mô dân số lên tới 100 triệu người thì đây là tiềm năng lớn để các tổ chức tín dụng có thể khai thác, đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng nội địa" - ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, tính đến hết quý 1/2024, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục đạt được những kết quả tích cực so với cùng kỳ. Hệ thống bù trừ, chuyển mạch giao dịch tài chính tăng 39,06% về số lượng và 20,64% về giá trị.

Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 56,57% về số lượng và 31,35% về giá trị; qua kênh Internet tăng 48,81% về số lượng và 25,73% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 58,70% về số lượng và 33,12% về giá trị.

Ngoài ra, ông Dũng cho hay, cơ cấu dân số trẻ, thu nhập người dân ngày càng tăng, xu hướng thương mại điện tử, hoạt động kinh tế số thịnh hành thì thị trường thẻ tín dụng nội địa còn nhiều tiềm năng phát triển nữa. Bên cạnh tiềm năng lớn từ thị trường thẻ tín dụng, sản phẩm thẻ tín dụng nội địa còn nhiều tính năng, tiện ích, ưu đãi hấp dẫn không kém gì thẻ tín dụng quốc tế.

Theo TS. Đỗ Thị Hà Thương - Trường Đại học Ngân hàng TP HCM, thẻ tín dụng nội địa được coi là sản phẩm chủ lực cho chiến lược tài chính toàn diện mà Chính phủ và NHNN theo đuổi nhằm giúp người dân, đặc biệt người dân thuộc nhóm khách hàng yếu thế tiếp cận được các kênh tín dụng chính thức và gia tăng thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.

Ông Nguyễn Quang Minh - Tổng giám đốc NAPAS, cho biết thẻ tín dụng nội địa có các tính năng của thẻ tín dụng thông thường (như khách hàng chi tiêu trước trả tiền sau, thời gian miễn lãi dài từ 45 đến 55 ngày...), không chỉ thanh toán rộng rãi ở các điểm chấp nhận thanh toán trong nước mà còn sử dụng thanh toán/rút tiền ở một số quốc gia.

Ngoài ra, một số tiện ích, tính năng của thẻ tín dụng nội địa có thể là điểm hấp dẫn nhóm khách hàng phổ thông hoặc lần đầu tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng như: thủ tục mở thẻ đơn giản, chi phí phát hành và thanh toán thấp.

Thêm quy định về tiền điện tử e-money

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024), thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung).

Nghị định số 52/2024/NĐ-CP được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tham mưu, trình Chính phủ ban hành theo quy định pháp luật.

Tại Nghị định này đã bổ sung một số quy định về tiền điện tử (e-money). Trong đó, định nghĩa, làm rõ bản chất của tiền điện tử; Quy định cụ thể các hình thức thể hiện của tiền điện tử được sử dụng trong hoạt động thanh toán bao gồm ví điện tử, thẻ trả trước.

Đối tượng cung ứng tiền điện tử bao gồm: ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (cung ứng dịch vụ vĩ điện tử và thẻ trả trước) và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (cung ứng dịch vụ ví điện tử liên kết với tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại ngân hàng).

Nghị định 52 cũng bổ sung quy định về thanh toán quốc tế, trong đó quy định vai trò quản lý Nhà nước của NHNN đối với thanh toán quốc tế; quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài; thực hiện dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế; quy định việc chấp thuận tham gia các hệ thống thanh toán quốc tế của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định về việc áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt cho các giao dịch mua, bán hàng hóa, dịch vụ và các khoản thu, chi theo quy định của pháp luật;

Quy định về trách nhiệm của các bên liên quan trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Quy định về biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.

Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt…

Nghị định số 52/2024/NĐ-CP được đánh giá là một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Dự kiến Nghị định sẽ góp phần nâng cao hiệu quả thanh toán, giảm thiểu rủi ro trong giao dịch và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số.

IFC không còn là cổ đông của ABBank

Ngày 22/05/2024, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đã thực hiện bán toàn bộ gần 85 triệu cp của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank, UPCoM: ABB), tương đương 8.2% vốn và chính thức không còn là cổ đông của ABBank.

Phiên 22/05 ghi nhận hơn 100.6 triệu cp ABB được giao dịch. Trong đó, gần 85 triệu cp bị khối ngoại bán thỏa thuận, giá trị gần 883 tỷ đồng, tương đương 10,400 đồng/cp.

Trong khi đó, giá ABB kết phiên 22/05 giảm về 8,500 đồng/cp, đồng nghĩa mức giá thỏa thuận khối ngoại vừa giao dịch trong phiên cao hơn 22% thị giá cổ phiếu ABB.

Sau khi hoàn thành giao dịch, cổ đông lớn nước ngoài tại ABBank hiện có Maybank - Ngân hàng Malaysia với tỷ lệ sở hữu là 16.4%.

ABBank cho biết, lộ trình thoái vốn của IFC tại Ngân hàng đã được hoạch định từ trước và được IFC thực hiện trong tháng 5/2024. Trước đó, cổ đông lớn nước ngoài tại ABBank gồm: Maybank - Ngân hàng Malaysia và Tổ chức Tài chính Quốc tế - IFC (thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới).

Với tư cách là cổ đông chiến lược, trong gần 14 năm hợp tác, IFC đã hỗ trợ hiệu quả cho ABBank về nguồn vốn, các sản phẩm cho vay trung, dài hạn và tài trợ thương mại cũng như tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm cho ABBank, hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị, phát triển bền vững và thúc đẩy tài trợ cho các doanh nghiệp SME - một động lực tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, IFC đã hỗ trợ tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong suốt quá trình ABBank triển khai các dự án nhằm đảm bảo tuân thủ về quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn Basel III.

Chia sẻ về kế hoạch thu hút thêm vốn của nhà đầu tư nước ngoài, đại diện ABBank cho biết: “Trong tương lai, việc thu hút thêm vốn của nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể là phương án mà ABBank sẽ xem xét khi có cơ hội tốt, đối tác chiến lược phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của ABBank”.

MSB hoàn thành nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi mới

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) vừa thực hiện chuyển đổi hệ thống ngân hàng lõi mới (Core Banking) nhằm mang đến nền tảng công nghệ hiện đại hàng đầu cho hoạt động nghiệp vụ, hỗ trợ mạnh mẽ hành trình chuyển đổi số và thu hút - kết nối - giữ chân khách hàng bằng trải nghiệm vượt trội.

Tin ngân hàng ngày 23/5: Thanh toán không dùng tiền mặt tăng 57%
Ảnh minh họa

Đến nay, MSB đã chính thức hoàn thành dự án chiến lược này sau những bước kiểm định cuối cùng.

Dự án hiện đại hóa hệ thống ngân hàng lõi là một trong những dự án công nghệ lớn nhất và phức tạp nhất từ trước tới nay mà MSB quyết định đầu tư, đóng vai trò cốt lõi trong chiến lược phát triển lấy số hóa làm động lực tăng trưởng chính. Là phiên bản hiện đại hàng đầu hiện nay, core banking mới cung cấp bởi Tập đoàn Temenos hướng tới đáp ứng tốt và linh hoạt tất cả các yêu cầu trong vận hành, triển khai sản phẩm - dịch vụ ngân hàng như tiền gửi, tín dụng, tài trợ thương mại, nguồn vốn và kinh doanh ngoại tệ, ngân hàng điện tử… Với khả năng xử lý khối lượng giao dịch lớn, hệ thống mới dễ dàng đáp ứng sự tăng trưởng của quy mô và tốc độ kinh doanh, đảm bảo khả năng sẵn sàng phục vụ khách hàng, hạn chế những phát sinh do quá tải trong các giai đoạn cao điểm.

Hệ thống này cũng tác động trực tiếp tới các kênh giao dịch, đảm bảo quy trình hoạt động thông suốt, liên tục, được tự động hóa hoặc số hóa tối đa nhưng vẫn đảm bảo quản trị tốt các yếu tố rủi ro. Nền tảng mới đòi hỏi tính an ninh - bảo mật cao hơn thông qua việc phân quyền chặt chẽ và xác thực đa nhân tố khi truy cập, sử dụng dữ liệu trên ngân hàng lõi mới. Điều này nâng mức độ an toàn thông tin của cả khách hàng và MSB lên mức cao nhất, ngăn chặn sự tấn công của hacker cũng như những sự cố an ninh mạng khác.

Nền tảng Core Banking T24 của Temenos được kì vọng mang lại hiệu quả cho MSB trong việc thúc đẩy phát triển sản phẩm - dịch vụ mới nhanh hơn với chi phí thấp hơn và chất lượng cao hơn. Bên cạnh đó, đây cũng là yếu tố nền tảng giúp hoàn thiện và nâng cao hành trình trải nghiệm của khách hàng, gia tăng khả năng tương tác giữa người dùng - nhân viên MSB và hệ thống. Từ đó, khách hàng có thể nhận hỗ trợ thuận tiện và dễ dàng từ ngân hàng.

Huy Tùng (T/h)

vietinbank
thaco