Tin ngân hàng ngày 21/5: Hoàn thành chuyển giao bắt buộc 3 ngân hàng yếu kém trong năm 2024

08:40 | 21/05/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
MB tăng lãi suất tiết kiệm từ ngày 21/5; Ngân hàng rầm rộ phát hành trái phiếu; Ba ngân hàng chuẩn bị họp cổ đông bất thường… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng tuần qua: Hoãn nợ thêm 6 tháng cho các khách hàng gặp khó khănTin ngân hàng tuần qua: Hoãn nợ thêm 6 tháng cho các khách hàng gặp khó khăn
Tin ngân hàng ngày 20/5: Triển khai tính năng xác thực thông tin khách hàng qua CCCDTin ngân hàng ngày 20/5: Triển khai tính năng xác thực thông tin khách hàng qua CCCD

Hoàn thành chuyển giao bắt buộc 3 ngân hàng yếu kém trong năm 2024

Sáng 20/5, báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, kết quả đạt được những tháng đầu năm 2024, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66% , cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2023; đây là nỗ lực lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3,93% so với cùng kỳ. Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tin ngân hàng ngày 21/5: Hoàn thành chuyển giao bắt buộc 3 ngân hàng yếu kém  trong năm 2024
Ảnh minh họa

Nhiều vấn đề, dự án tồn đọng, kéo dài được tập trung xử lý, đạt kết quả tích cực. Trong đó, đã chuẩn bị hồ sơ, điều kiện để xem xét phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống. Cụ thể, đã hoàn thành việc định giá 03 ngân hàng mua bắt buộc và dự kiến trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc trong tháng 5/2024, hoàn thành chuyển giao bắt buộc trong năm 2024.

Bên cạnh đó, Đề án cơ cấu lại Ngân hàng Phát triển Việt Nam được triển khai và đạt kết quả bước đầu. Ba nhà máy phân đạm đang cơ cấu lại nợ vay, bước đầu đã có lãi

Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra một số hạn chế, như tăng trưởng tín dụng còn thấp; giá vàng thế giới và trong nước biến động mạnh. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn. Tăng trưởng kinh tế mặc dù đạt kết quả khá nhưng còn đối mặt với nhiều thách thức. Thị trường bất động sản phục hồi chậm, tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng chưa đạt yêu cầu. Tiến độ một số dự án cao tốc, giao thông trọng điểm, giải phóng mặt bằng còn chậm.

Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã nêu 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp triển khai trong thời gian tới. Trong đó, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô.

MB tăng lãi suất tiết kiệm từ ngày 21/5

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) vừa thông báo áp dụng biểu lãi suất huy động mới từ ngày 21/5. Trong đó, với tiền gửi của khách hàng cá nhân thông thường và nhận lãi cuối kỳ, ngân hàng này đồng loạt tăng lãi suất áp dụng cho các kỳ hạn 1 - 15 tháng thêm 0,1 - 0,2%/năm và giữ nguyên tại các kỳ hạn còn lại.

Cụ thể, lãi suất huy động áp dụng cho các kỳ hạn dưới 1 tháng được giữ nguyên ở mức 0,5%/năm, kỳ hạn 1 tháng tăng từ 2,1%/năm lên 2,3%/năm, kỳ hạn 2 tháng tăng từ 2,3%/năm lên 2,5%/năm, kỳ hạn 3 - 4 tháng tăng từ 2,5 - 2,6%/năm lên cùng mức 2,7%/năm, kỳ hạn 5 tháng tăng từ 2,7%/năm lên 2,8%/năm, kỳ hạn 6 - 8 tháng tăng từ 3,5%/năm lên 3,6%/năm, kỳ hạn 9 - 10 tháng tăng từ 3,6%/năm lên 3,7%/năm, kỳ hạn 11 tháng tăng từ 3,7%/năm lên 3,8%/năm, kỳ hạn 12 - 15 tháng tăng từ 4,5%/năm lên 4,6%/năm, kỳ hạn 18 tháng có lãi suất giữ nguyên ở mức 4,6%/năm, kỳ hạn 24 - 60 tháng tiếp tục được áp dụng mức lãi suất 5,6%/năm.

Với tiền gửi của khách hàng cá nhân tại các CN thuộc Miền Trung và Miền Nam, MB áp dụng mức lãi suất cao hơn khách hàng thông thường khoảng 0,1%/năm (trừ các kỳ hạn ngắn dưới 1 tháng), khung lãi suất dao động từ 0,5 - 5,7%/năm đối với hình thức trả lãi cuối kỳ. Trong đó, mức cao nhất là 5,7%/năm dành cho tiền gửi kỳ hạn 24 - 60 tháng.

Cùng với khách hàng cá nhân, MB cũng tăng lãi suất huy động đối với tiền gửi của khách hàng tổ chức. Theo đó, ngân hàng này đồng loạt tăng lãi suất áp dụng cho các kỳ hạn 1 - 60 tháng thêm 0,1 - 0,2%/năm. Hiện biểu lãi suất huy động MB áp dụng cho khách hàng tổ chức dao động trong khoảng 0,5 - 5,5%/năm. Trong đó, mức lãi suất 5,5%/năm được áp dụng cho tiền gửi tại các kỳ hạn 36 - 60 tháng.

Như vậy, MB là ngân hàng tiếp theo tăng lãi suất tiết kiệm trong tháng 5. Trước đó, đã có 17 ngân hàng đã tăng lãi suất tiết kiệm kể từ đầu tháng là ACB, VIB, GPBank, NCB, BVBank, Sacombank, CB, Bac A Bank, Techcombank, TPBank, PGBank, SeABank, Viet A Bank, ABBank, VPBank, ngân hàng số Cake by VPBank và gần đây nhất là HDBank. Trong đó có 4 ngân hàng VIB, CB, SeABank và ABBank đã tăng hai lần tăng lãi suất.

Ngân hàng rầm rộ phát hành trái phiếu

Trong 37.928 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã phát hành trong bốn tháng đầu năm nay, tỷ trọng phát hành của nhóm ngân hàng cao thứ 2 với 33,9%, tương ứng gần 12.860 tỉ đồng, chỉ sau ngành bất động sản (tỷ trọng 51,2%). Riêng trong tháng 4 vừa qua, có ba ngân hàng đã phát hành với tổng giá trị lên đến 7.800 tỉ đồng, chiếm hơn 71% tổng giá trị phát hành của nhóm ngân hàng trong bốn tháng đầu năm.

Cụ thể, theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), Techcombank đã phát hành 3.000 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn ba năm với lãi suất 3,7%/năm; MSB phát hành 2.800 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn ba năm với lãi suất 3,9%/năm; MB phát hành 2.000 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn từ 7-10 năm, lãi suất tính theo bình quân lãi suất tiết kiệm tiền đồng kỳ hạn 12 tháng của Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank + 1,6%/năm, từ năm thứ 6 trở đi sẽ tính theo lãi suất tham chiếu cộng với biên độ từ 2-2,3%/năm.

Về kế hoạch phát hành sắp tới, HDBank đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ giai đoạn 1 năm 2024, được chia thành hai đợt với tổng giá trị tối đa lần lượt là 8.000 tỉ đồng và 12.000 tỉ đồng. BIDV dự kiến phát hành 8.000 tỉ đồng trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn trên năm năm cho giai đoạn 1 năm nay. Xu hướng các ngân hàng phát hành trái phiếu có thể tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Trước tình hình mặt bằng lãi suất huy động vốn đi lên ngày càng rõ ràng hơn, khi nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất trở lại trong hơn hai tháng qua nhằm giữ chân khách hàng tiền gửi trong bối cảnh giá vàng và giá ngoại tệ tăng mạnh mẽ, chiến lược tăng cường phát hành trái phiếu kỳ hạn dài để hạn chế rủi ro chi phí vốn đối mặt áp lực gia tăng trong giai đoạn tới của các ngân hàng là có thể hiểu được.

Tính đến nay đã có 18 ngân hàng tăng lãi suất huy động, trong đó có những ngân hàng tăng đến hai lần. Đặc biệt, các ngân hàng từ trước đến nay thường theo đuổi khung lãi suất niêm yết thấp cũng không tránh khỏi xu hướng chung.

Ba ngân hàng chuẩn bị họp cổ đông bất thường

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) vừa công bố chương trình phiên họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2024. Cuộc họp dự kiến được tổ chức vào sáng ngày 11/6 tại TP HCM.

Tin ngân hàng ngày 21/5: Hoàn thành chuyển giao bắt buộc 3 ngân hàng yếu kém trong năm 2024
VIB dự kiến họp ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 11/6/Ảnh minh họa

ĐHĐCĐ bất thường sẽ xem xét và thông qua một loạt các đề xuất của Hội động quản trị (HĐQT), Ban Kiểm soát. Những đề xuất được đưa ra thảo luận bao gồm: Điều lệ VIB; Quy chế nội bộ về quản trị công ty VIB; Quy chế tổ chức và hoạt động của VIB; Sửa đổi mục 1.4 Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên số 1.001.24.GSM; ủy quyền cho HĐQT trình Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về cấp đổi, bổ sung nội dung hoạt động; ủy quyền cho HĐQT phê duyệt, ban hành quy chế tài chính; Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Kiểm soát VIB.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng đã công bố nghị quyết của Hội đồng Quản trị (HĐQT) về việc tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 để bầu HĐQT, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông có quyền tham dự ĐHĐCĐ là ngày 24/5. Thời gian tổ chức đại hội dự kiến là 15/6 tại Hà Nội.

Theo thông tin trên website, HĐQT của MB hiện đang có 10 thành viên, trong đó ông Lưu Trung Thái giữ chức Chủ tịch HĐQT. Ban Kiểm soát ngân hàng có 4 thành viên, với bà Lê Thị Lợi là Trưởng Ban Kiểm soát.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của MB chưa thực hiện bầu HĐQT, Ban Kiểm soát mới và duy trì tư cách thành viên nhiệm kỳ 2019 - 2024 đến khi các lãnh đạo mới được bầu.

Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank ) mới đây đã thông báo về ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền tham dự họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2024. Đại hội dự kiến được tổ chức vào ngày 26/7 và ngày đăng ký cuối cùng là 3/6.

Nội dung cụ thể của đại hội chưa được công bố chi tiết. Tuy nhiên, HĐQT mới đây đã thông qua kế hoạch dự kiến bầu bổ sung hai thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ 2020 - 2025. Do đó, nhiều khả năng ĐHĐCĐ bất thường 2024 của PGBank sẽ thảo luận về vấn đề nhân sự.

Huy Tùng (T/h)

vietinbank
thaco