Tin ngân hàng tuần qua: Hoãn nợ thêm 6 tháng cho các khách hàng gặp khó khăn

08:40 | 19/05/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Moody's giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của FE Credit ở mức B; Ngân hàng Nhà nước đã bán hơn 1,02 tấn vàng ra thị trường; Phấn đấu tăng trưởng tín dụng 5 - 6% ngay trong quý II/2024; Ngân hàng số Cake by VPBank tăng lãi suất tiết kiệm ở tất cả kỳ hạn… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật tuần qua.
Tin ngân hàng ngày 18/5: LPBank được tăng vốn điều lệ lên 33.576 tỷ đồngTin ngân hàng ngày 18/5: LPBank được tăng vốn điều lệ lên 33.576 tỷ đồng
Tin ngân hàng ngày 17/5: Yêu cầu ngân hàng kết nối hóa đơn điện tử khi mua bán vàngTin ngân hàng ngày 17/5: Yêu cầu ngân hàng kết nối hóa đơn điện tử khi mua bán vàng

Hoãn nợ cho các khách hàng gặp khó khăn thêm 6 tháng

Vừa qua, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của NHNN tại Tờ trình số 53/TTr-NHNN ngày 03/5/2024 cho phép thời hạn thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn theo Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/4/2023, Nghị quyết 59/NQ-CP ngày 23/4/2023 của Chính phủ được kéo dài thêm 06 tháng, đến hết ngày 31/12/2024.

Điểm đáng chú ý nhất trong gia hạn Thông tư 02 là quy định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng theo quy định tại Thông tư này được thực hiện kể từ ngày thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2024. Theo đó, thời gian hoãn, giãn nợ được kéo dài thêm 6 tháng nữa so với quy định hiện hành tại Thông tư 02.

Tin ngân hàng tuần qua: Hoãn nợ thêm 6 tháng cho các khách hàng gặp khó khăn
Ảnh minh họa

Theo đánh giá tác động chính sách khi xây dựng dự thảo, Ban soạn thảo cho biết, Thông tư 02 quy định tổ chức tín dụng (TCTD) phải xác định số tiền dự phòng cụ thể phải trích đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng như trong trường hợp không áp dụng quy định giữ nguyên nhóm nợ và phải thực hiện trích lập bổ sung đầy đủ vào 31/12/2024.

Do vậy, đến 31/12/2024, TCTD đã có đủ nguồn tài chính để xử lý rủi ro như trong trường hợp TCTD thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định hiện hành (Thông tư 11/2021/TT-NHNN).

Vì vậy, trường hợp kéo dài thời gian cơ cấu nợ theo Thông tư đến hết 31/12/2024 sẽ không ảnh hưởng đến cơ chế trích lập dự phòng rủi ro do kéo dài thời gian cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với hệ thống.

Ngoài ra, việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ theo Thông tư 02 đến 31/12/2024 sẽ góp phần làm giảm mức độ gia tăng nợ xấu nội bảng của TCTD và tạo điều kiện cho TCTD thực hiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, góp phần hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.

Moody's giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của FE Credit ở mức B1

Mới đây, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's Ratings (Moody's) đã công bố giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm B1 cho Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit).

Theo đánh giá của tổ chức này, FE Credit vẫn đang đối diện với một số thách thức, nhưng sự hẫu thuẫn tích cực từ ngân hàng mẹ VPBank (xếp hạng tín nhiệm Ba3, triển vọng ổn định) và SMBC, sẽ góp phần bù đắp cho các khó khăn này. Triển vọng của FE Credit được Moody’s duy trì như lần đánh giá gần đây.

Trong bối cảnh nền kinh tế biến động, việc giữ nguyên đánh giá xếp hạng B1 cho thấy Moody’s đã tích cực ghi nhận nỗ lực phục hồi của FE Credit trong thời gian vừa qua.

Năm 2023 đánh dấu mốc quan trọng của FE Credit trong quá trình tái cấu trúc và tinh chỉnh trên toàn hệ thống. Những điều chỉnh kịp thời trong hoạt động kinh doanh, tối ưu chi phí vận hành và tăng cường kiểm soát quản trị rủi ro đã bước đầu mang lại các thành tựu cho công ty tài chính tiêu dùng chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam. Nửa cuối năm 2023 FE Credit đã ghi nhận những dấu hiệu tích cực trong hoạt động kinh doanh.

Kết thúc quý I/2024, quy mô giải ngân của FE Credit tăng trưởng tích cực so với trung bình năm 2023. Với chiến lược cho vay thận trọng hơn - tập trung vào tệp khách hàng có rủi ro thấp, chất lượng các khoản vay của FE Credit đã được cải thiện qua từng quý.

Cùng với đó, việc áp dụng mô hình tập đoàn đã và đang giúp FE Credit tối ưu chi phí hoạt động. Trong quý I, chi phí hoạt động của công ty giảm 10,5% trong khi chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR) giảm đáng kể 27,7% so với cùng kỳ.

Trong năm 2024, các chương trình hành động cụ thể của FE Credit sẽ bao gồm việc tập trung tối ưu mô hình kinh doanh hiện hữu, cải tiến khung kiểm soát rủi ro và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Công ty sẽ đồng thời đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, hướng đến mục tiêu tiếp cận khách hàng trên diện rộng.

Song song với đó, FE Credit sẽ tăng cường hợp tác với các chuỗi bán lẻ danh tiếng trên thị trường nhằm cung cấp các sản phẩm đa dạng, linh hoạt phù hợp với phân khúc khách hàng, trong nỗ lực nâng cao doanh số bán hàng.

Ngân hàng Nhà nước đã bán hơn 1,02 tấn vàng ra thị trường

Từ ngày 19/4 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 7 phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC, trong đó có 4 phiên đấu thầu thành công.

Tin ngân hàng tuần qua: Hoãn nợ thêm 6 tháng cho các khách hàng gặp khó khăn
Ảnh minh họa

Phát biểu tại cuộc họp về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa ngày 16/5, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai giải pháp can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua các phiên đấu thầu bán vàng miếng tăng cung trên thị trường.

NHNN thực hiện công bố rộng rãi các thông tin liên quan đến việc đấu thầu, kết quả đấu thầu vàng miếng trên Cổng thông tin điện tử của NHNN. Từ 19/4/2024 đến nay, NHNN đã tổ chức 07 phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC tăng cung ra thị trường, trong đó có 04 phiên đấu thầu thành công với tổng khối lượng trúng thầu là 27.200 lượng (tương đương khoảng 1,02 tấn)…

Cụ thể, phiên đấu thầu bán vàng miếng ngày 23/4/2024, có 2 thành viên trúng thầu với khối lượng là 3.400 lượng vàng miếng SJC. Tại Phiên đấu thầu bán vàng miếng ngày 08/5/2024 có 3 thành viên trúng thầu với khối lượng 3.400 lượng vàng miếng SJC. Tại Phiên đấu thầu bán vàng miếng ngày 14/5/2024 có 8 thành viên trúng thầu với khối lượng 8.100 lượng. Và mới nhất là 11 thành viên trúng thầu 12.300 lượng vàng trong phiên 16/5.

Đáng chú ý, trong cả 4 phiên đấu thầu vàng miếng thành công vừa qua, Công ty SJC đều trúng thầu. Theo số liệu của NHNN, riêng 3 phiên 23/4, 8/5 và 14/5, SJC đã trúng thầu tổng cộng 6.000 lượng, tương đương hơn 40% tổng lượng trúng thầu.

Theo NHNN, để phù hợp với tình hình thị trường, cơ quan này đã điều chỉnh hợp lý khối lượng vàng miếng tối thiểu, tối đa các thành viên được phép đặt thầu. Nhờ vậy, kết quả tại các phiên sau số lượng đơn vị trúng thầu nhiều hơn phiên trước, theo đúng mục tiêu tăng cung thêm vàng miếng ra thị trường.

Trong thời gian tới, NHNN cho biết sẽ tiếp tục tổ chức phiên đấu thầu bán vàng miếng để tăng cung thị trường.

Trước tình hình biến động giá vàng của thị trường vàng quốc tế và động thái điều hành, kiểm soát thị trường vàng trong thời gian tới, NHNN khuyến cáo người dân cần thận trọng khi tham gia giao dịch vàng để giảm thiểu rủi ro.

Phấn đấu tăng trưởng tín dụng 5 - 6% ngay trong quý II/2024

Ngày 16/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đến nay chúng ta vẫn đang thực hiện được mục tiêu quan trọng nhất là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát tốt nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách; phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc; bảo đảm ổn định chính trị, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, an dân, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo, vùng dân tộc ít người; bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.

Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động lớn tới trong nước. Do vậy, thời gian tới Thủ tướng yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.

Trong đó, về chính sách tiền tệ, cần đảm bảo hài hòa, hợp lý giữa tỷ giá và lãi suất; sử dụng hợp lý các công cụ thị trường, trong đó có việc bơm tiền ra, hút tiền vào phù hợp. Lưu ý không để tỷ giá ảnh hưởng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; giữ ổn định tương đối về tỷ giá. Dứt khoát thực hiện các giải pháp tạo thuận lợi tiếp cận tín dụng; tiết giảm chi phí, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động của ngân hàng, phấn đấu giảm lãi suất cho vay từ 1-2% để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng việc làm, tạo sinh kế cho người dân, phấn đấu tăng tín dụng 5 - 6% ngay trong quý II/2024

Ngân hàng số Cake by VPBank tăng lãi suất tiết kiệm ở tất cả kỳ hạn

Từ ngày 16/5, Ngân hàng số Cake by VPBank áp dụng biểu lãi suất huy động tiền gửi mới. Theo đó, ngân hàng này đã điều chỉnh tăng 0,2 điểm % ở tất cả kỳ hạn so với mức ghi nhận trước đây 1 tháng. Hiện biểu lãi suất tiền gửi tại Cake by VPBank dao động trong khoảng 3,7 - 6,0%/năm đối với hình thức nhận lãi cuối kỳ.

Tin ngân hàng tuần qua: Hoãn nợ thêm 6 tháng cho các khách hàng gặp khó khăn

Đây là lần thứ hai trong chưa đầy 1 tháng qua, Cake by VPBank tăng lãi suất huy động tiền gửi. Trước đó, ngân hàng thuần số này cũng đã tăng 0,3 - 0,7 điểm % ở tất cả kỳ hạn từ ngày 19/4.

Hiện, kỳ hạn gửi 1 tháng tại Cake by VPBank có lãi suất huy động là 3,7%/năm; 2 - 3 tháng là 4,2%/năm; 4 - 5 tháng là 4,3%/năm; 6 - 11 tháng là 5,0%/năm; 12 - 18 tháng là 5,7%/năm; các kỳ hạn 24 - 36 tháng được áp dụng lãi suất cao nhất ở mức 6,0%/năm.

Bên cạnh hình thức nhận lãi cuối kỳ, Cake by VPBank cũng triển khai hai hình thức trả lãi khác là nhận lãi theo tháng và nhận lãi theo quý.

Đối với hình thức nhận lãi hàng tháng, Cake by VPBank chỉ áp dụng cho tiền gửi từ 3 tháng trở lên và có lãi suất dao động trong khoảng 3 - 4,4%/năm. Cụ thể, kỳ hạn 3 tháng có lãi suất 3%/năm; kỳ hạn 6 - 9 tháng có lãi suất 4%/năm; kỳ hạn 12 - 18 tháng có lãi suất là 4,2%/năm; kỳ hạn 24 tháng đang được áp dụng mức lãi suất cao nhất là 4,4%/năm; trong khi kỳ hạn 36 tháng có lãi suất huy động là 4,3%/năm.

Đối với hình thức nhận lãi hàng quý, Cake by VPBank chỉ áp dụng cho tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên và có lãi suất dao động trong khoảng 4,1- 4,5%/năm. Cụ thể, kỳ hạn 6 - 9 tháng có lãi suất 4,1%/năm; kỳ hạn 12 - 18 tháng có lãi suất là 4,3%/năm; kỳ hạn 24 tháng đang được áp dụng mức lãi suất cao nhất là 4,5%/năm; trong khi kỳ hạn 36 tháng có lãi suất huy động là 4,4%/năm.

So với các ngân hàng truyền thống, lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng của Cake by VPBank hiện cao hơn khá nhiều. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tháng của ngân hàng này cao hơn 0,2 - 2,1 điểm %, kỳ hạn 3 tháng cao hơn 0,7 - 2,3 điểm %

Lãi suất huy động các kỳ hạn 6 - 24 tháng của Cake by VPBank cũng nằm trong nhóm cao nhất thị trường hiện nay.

Tính đến tháng 12/2023, Cake đã phục vụ trên 4,1 triệu người dùng. Ngân hàng số này cho biết đã nhận gần 6.000 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm của các khách hàng cá nhân.

Huy Tùng (T/h)

vietinbank
thaco