Tin ngân hàng ngày 15/4: Nhiều ngân hàng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm

09:10 | 15/04/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Dư nợ tín dụng bất động sản hơn 2,8 triệu tỷ đồng; Đề nghị Bộ Công an làm rõ trách nhiệm của kiểm toán vụ SCB; NHCSXH Hà Nội giải ngân cho trên 30 nghìn lượt khách hàng vay vốn… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 13/4: SeABank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 5.888 tỷ đồngTin ngân hàng ngày 13/4: SeABank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 5.888 tỷ đồng
Tin ngân hàng tuần qua: Tiền gửi của doanh nghiệp tăng mạnhTin ngân hàng tuần qua: Tiền gửi của doanh nghiệp tăng mạnh

Loạt ngân hàng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm

Trong tuần qua, loạt ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm từ 0,1 - 0,3 điểm %, bên cạnh đó cũng có một số ngân ngân hàng tăng lãi suất huy động tại một số kỳ hạn.

Tin ngân hàng ngày 15/4: Nhiều ngân hàng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo đó, Ngân hàng SCB vừa ban hành biểu lãi suất tiết kiệm mới, chính thức áp dụng từ ngày 12/4/2024. Theo biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm online mới của SCB, mức giảm trung bình 0,1-0,15 điểm % so với lãi suất cũ.

Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng giảm từ 1,65%/năm xuống còn 1,6%/năm. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng giảm từ 1,95%/năm xuống còn 1,9%/năm. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-9 tháng giảm từ 2,95%/năm xuống còn 2,9%/năm. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng giảm từ 3,75%/năm xuống còn 3,7%/năm. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 18-36 tháng giảm từ 3,95%/năm xuống còn 3,9%/năm.

Trước đó, ngày 8/4, SCB điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm thông thường dành cho khách hàng cá nhân. Ngân hàng này giảm 0,1 điểm % cho các kỳ hạn và đối với kỳ hạn 12 tháng giảm 0,3 điểm %.

Tuần qua ghi nhận gần 10 ngân hàng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm. Đáng chú ý, 5 ngân hàng tăng lãi suất huy động tại một số kỳ hạn. Cụ thể, các ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm bao gồm: Ngân hàng Eximbank, ngân hàng NCB, ngân hàng VPBank, ngân hàng KienLong Bank, Ngân hàng VIB. Mức tăng trung bình 0,1 - 0,3 điểm %/năm. Mặc dù, các ngân hàng chỉ điều chỉnh tăng lãi suất tại một số kỳ hạn song trong bối cảnh bức tranh lãi suất tiết kiệm xuống đáy, đây là tín hiệu khiến người gửi tiền đặc biệt quan tâm.

Trong khi đó, các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm là Viet A Bank, Nam A Bank, Techcombank... Các ngân hàng như NCB và Eximbank cũng điều chỉnh giảm lãi suất ở một số kỳ hạn.

Dư nợ tín dụng bất động sản hơn 2,8 triệu tỷ đồng

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết, dư nợ tín dụng bất động sản đến cuối năm 2023 khoảng 2,88 triệu tỷ đồng, trong đó vay kinh doanh bất động sản khoảng 1,09 triệu tỷ đồng, vay tiêu dùng 1,79 triệu tỷ đồng.

Đây là số liệu được Ngân hàng Nhà nước đưa ra trong báo cáo gửi tới đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, về thực hiện chính sách pháp luật về thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023 mới đây.

Theo Ngân hàng Nhà nước, trong các năm 2015-2016, dư nợ tín dụng bất động sản chỉ khoảng 400.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu bất động sản khoảng 4,2%.

Tuy nhiên, những năm tiếp theo tín dụng cho vay lĩnh vực bất động sản đã tăng nhanh. Năm 2017 tổng dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản, xây dựng của hệ thống ngân hàng tăng lên 529.000 tỷ đồng, tăng 9,21%, tỷ lệ nợ xấu với bất động sản cũng tăng lên 4,58%.

Từ năm 2018 đến nay dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản bao gồm cả kinh doanh bất động sản và mục đích tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản luôn tăng cao.

Năm 2019 tín dụng cho vay bất động sản tăng đột biến 23,26%, đạt ngưỡng 1,6 triệu tỷ đồng. Trong thời điểm dịch bệnh 2020 - 2021, dư nợ bất động sản hằng năm vẫn tăng lần lượt 12,06% và 15,7%.

Năm 2022 dư nợ bất động sản tăng mạnh trở lại, đạt mức 2,58 triệu tỷ đồng, tăng 23,91% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2023, tín dụng cho vay bất động sản tiếp tục tăng 11,81%, đạt ngưỡng 2,88 triệu tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tỷ lệ dư nợ tín dụng với bất động sản chủ yếu là dư nợ trung và dài hạn. Trong giai đoạn 2015 - 2023, tín dụng với lĩnh vực bất động sản chiếm tỉ trọng 18-21% tổng dư nợ trong nền kinh tế.

Để kiểm soát dòng tiền vào bất động sản, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các thông tư 36, 22, 41 trong những năm qua quy định tỷ lệ vốn huy động cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng từ 24-34%.

Theo Ngân hàng Nhà nước, một số tổ chức tín dụng có tỷ trọng tín dụng bất động sản cao trên tổng dư nợ còn cao, tiềm ẩn rủi ro tín dụng .

Đề nghị Bộ Công an làm rõ trách nhiệm của kiểm toán vụ SCB

Mới đây, HĐXX đề nghị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an), Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong quá trình điều tra vụ án giai đoạn 2 tiếp tục làm rõ vai trò, trách nhiệm của các công ty kiểm toán tại SCB và xử lý vi phạm nếu đủ căn cứ.

Giai đoạn sau hợp nhất, từ 2012 đến 2020, ba hãng kiểm toán lớn thuộc nhóm "Big 4" danh tiếng hàng đầu thế giới, gồm Ernst & Young Việt Nam (EY Việt Nam), Deloitte Việt Nam và KPMG Việt Nam được SCB thuê làm đơn vị kiểm toán độc lập hằng năm.

Cụ thể, EY Việt Nam là đơn vị kiểm toán cho ngân hàng này trong 5 năm, từ 2012 đến 2016. Sau đó, SCB đổi công ty kiểm toán sang Deloitte Việt Nam trong 3 năm, 2017-2019. Năm 2020, KPMG Việt Nam là đơn vị kiểm toán cho ngân hàng này.

Trong một thập kỷ, ba hãng kiểm toán thuộc nhóm "Big 4" đều đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần với báo cáo tài chính của SCB và không cho thấy những điểm bất thường nào về tình hình tài chính của ngân hàng. Tại thời điểm tháng 6/2021 - đợt kiểm toán soát xét gần nhất trước vụ án, ngân hàng này có lợi nhuận trước thuế 6 tháng hơn 450 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 22.000 tỷ.

Nhưng khi vụ việc "vỡ lở", SCB bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022. Kết quả kiểm toán lại cho thấy tại thời điểm 30/9/2022, ngân hàng lỗ lũy kế gần 465.000 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu khoảng 444.000 tỷ đồng.

Ba hãng kiểm toán KPMG, EY và Deloitte Việt Nam hiện chưa phản hồi về thông tin này. Tuy nhiên, lãnh đạo của một trong số đơn vị này, cho hay đơn vị kiểm toán dựa vào các số liệu, tài liệu ngân hàng và bên thứ ba cung cấp mà không có chức năng thẩm định lại. Chẳng hạn, họ không có chức năng đánh giá lại tài sản đảm bảo của các khoản vay vốn đã bị các công ty thẩm định giá "khai khống". Vì thế, phía ngân hàng phải chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, chính xác và trung thực của hồ sơ, tài liệu cung cấp cho kiểm toán.

Theo quy định, trách nhiệm của công ty kiểm toán là đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính của doanh nghiệp dựa trên kết quả cuộc kiểm toán theo các chuẩn mức kiểm toán Việt Nam. Tức là, các hãng kiểm toán phải tuân thủ chuẩn mực này, cũng như các quy định về đạo đức nghề nghiệp trong lập kế hoạch và thực hiện kiểm toán. Việc này nhằm phát hiện xem báo cáo tài chính của ngân hàng và công ty con lập đã hợp lý và còn sai sót trọng yếu nào hay không.

NHCSXH Hà Nội giải ngân cho trên 30 nghìn lượt khách hàng vay vốn

Theo thông tin mới nhất từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP Hà Nội, tính đến ngày 31/3/2024, tổng nguồn vốn hoạt động của Chi nhánh NHCSXH đạt 14.745 tỷ đồng, tăng 549 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác của ngân sách thành phố đạt 7.689 tỷ đồng, tăng 821 tỷ đồng so với đầu năm.

Tin ngân hàng ngày 15/4: Nhiều ngân hàng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Trong quý I, toàn chi nhánh đã tập trung giải ngân vốn thu nợ quay vòng và nguồn vốn mới bổ sung của trung ương, thành phố và các quận, huyện, thị xã. Doanh số cho vay quý I/2024 đạt 1.604 tỷ đồng với trên 30 nghìn lượt khách hàng được vay vốn. Doanh số thu nợ đạt 1.057 tỷ đồng, bằng 66% doanh số cho vay. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đến 31/3/2024 đạt 14.707 tỷ đồng với 268.682 khách hàng đang vay vốn, tăng 547 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng đạt 3,9%, hoàn thành 34,3% kế hoạch tăng trưởng được giao năm 2024.

Cùng với đó, từ đầu năm đến nay, Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội đã giải ngân cho trên 30 nghìn lượt khách hàng vay vốn. Trong đó: cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đối với trên 21 nghìn lượt khách hàng, góp phần thu hút, tạo việc làm cho trên 21,1 nghìn lao động; hỗ trợ vốn cho trên 9 nghìn lượt hộ cải tạo và xây mới trên 18 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh; hỗ trợ vốn trang trải chi phí học tập cho 18 lượt khách hàng vay vốn chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg; cho vay 44 lượt người chấp hành xong án phạt tù để sản xuất kinh doanh; cho vay 9 lượt hộ nghèo, cận nghèo để xây dựng, sửa chữa nhà ở, theo Nghị quyết số 14/NQ-HĐND của HĐND thành phố.

Các chương trình tín dụng chính sách giải ngân qua NHCSXH đã góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, thực sự là công cụ, giải pháp đắc lực trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, hạn chế tín dụng đen và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)

vietinbank
thaco