Tin ngân hàng tuần qua: Tiền gửi của doanh nghiệp tăng mạnh

08:56 | 14/04/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
LPBank bổ sung phương án đổi tên thành Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam; Doanh nghiệp có thể được vay ngân hàng để nộp thuế, bảo hiểm và tiền lương; Xem xét giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc TCTD yếu kém; NCB tăng vốn điều lệ lên 11.802 tỷ đồng trong năm 2024… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật tuần qua.
Tin ngân hàng ngày 13/4: SeABank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 5.888 tỷ đồngTin ngân hàng ngày 13/4: SeABank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 5.888 tỷ đồng
Tin ngân hàng ngày 12/4: Yêu cầu MSB giải quyết vụ tiền gửi Tin ngân hàng ngày 12/4: Yêu cầu MSB giải quyết vụ tiền gửi "bốc hơi" trong tài khoản

Tiền gửi của doanh nghiệp tại ngân hàng tăng mạnh

Theo số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 12/2023, tổng tiền gửi tại hệ thống tổ chức tín dụng đã đạt gần 13,4 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi của tổ chức kinh tế đạt 6,84 triệu tỷ đồng, tiền gửi của cư dân đạt 6,53 triệu tỷ đồng.

Tin ngân hàng tuần qua: Tiền gửi của doanh nghiệp tăng mạnh
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Như vậy, trong vòng một năm, tiền gửi của tổ chức kinh tế đã tăng hơn 888 nghìn tỷ, trong khi tiền gửi của dân cư cũng tăng 667 nghìn tỷ.

Đáng chú ý, tháng cuối cùng 12/2023, tiền gửi của tổ chức kinh tế tăng đột biến từ 6,38 triệu tỷ đồng lên 6,84 triệu tỷ đồng, tức tăng tới hơn 457 nghìn tỷ đồng. Đây là mức tăng hàng tháng mạnh nhất được ghi nhận từ trước đến nay, hơn cả giai đoạn Covid-19.

Song song với đó, tín dụng cho mảng khách hàng doanh nghiệp tại nhiều ngân hàng cũng có tăng trưởng đột biến trong tháng 12/2023. Một số chuyên gia cho rằng, dựa theo diễn biến này, có thể việc giải ngân tín dụng trong những tháng cuối cùng của năm 2023 thực tế vẫn chưa đi vào nền kinh tế một cách đáng kể.

Số liệu của NHNN cũng có thấy tiền gửi của dân cư tiếp tục tăng trưởng bất chấp lãi suất huy động xuống thấp kỷ lục. Tháng 12/2023 là tháng đánh dấu chuỗi 25 tháng liên tiếp tiền gửi dân cư tăng trưởng dương.

Theo kết quả khảo sát mới đây của Ngân hàng Nhà nước, huy động vốn toàn hệ thống được các tổ chức tín dụng kỳ vọng tăng bình quân 3,5% trong quý II/2024 và tăng 9,9% trong năm 2024, thấp hơn mức kỳ vọng 12% ghi nhận tại kỳ điều tra trước.

Tiền gửi cao kỷ lục trong khi tín dụng tăng chậm đã dẫn đến thanh khoản dư thừa lớn trong hệ thống ngân hàng quý 1/2024. Lãi suất huy động do đó cũng liên tục giảm trong 3 tháng đầu năm và xuống mức thấp trong lịch sử, với lãi suất kỳ hạn 12 tháng chỉ quanh 4,5%/năm. Đến tháng 4/2024, lãi suất huy động bắt đầu có dấu hiệu nhích tăng ở nhiều ngân hàng hơn. Thống kê từ đầu tháng 4/2024 đến nay, đã có 7 ngân hàng tăng lãi suất huy động là VIB, NCB, VPBank, Kienlongbank, HDBank, Eximbank và MSB.

Thực tế, trong bối cảnh lãi suất huy động duy trì ở mức thấp kỷ lục trong những tháng đầu năm 2024, tiền gửi của người dân vào đã có phần chững lại. Số liệu Tổng cục Thống kê (GSO) vừa công bố cho thấy, tính đến 25/3, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023

LPBank bổ sung phương án đổi tên thành Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank - Mã: LPB) vừa công bố cập nhật các nội dung sửa đổi, bổ sung tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.

Theo đó, LPBank bổ sung tờ trình thay đổi tên ngân hàng theo hai phương án, trong khi tài liệu công bố trước đó chỉ có một phương án.

Phương án 1: đổi từ "Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt" thành "Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Việt Nam".

Phương án 2: đổi từ "Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt" thành "Ngân hàng Thương mại cổ phần Lộc Phát Việt Nam".

Trong quá trình thực hiện, ban lãnh đạo đề xuất Đại hội đồng cổ đông giao HĐQT toàn quyền chủ động quyết định điều chỉnh/thay đổi tên gọi mới (ngoài hai tên gọi nêu trên) nếu thấy cần thiết và/hoặc theo ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trước đó, năm 2023, ngân hàng này đã thay đổi nhận diện thương hiệu cũng như tên viết tắt từ "LienVietPostBank" thành "LPBank" sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Ngân hàng cho biết, việc thay đổi nhận diện thương hiệu là bước đi chiến lược của LPBank để bắt đầu cho một giai đoạn phát triển mới.

Theo LPBank, việc thay đổi tên gọi để đánh dấu bước ngoặt trọng đại trong giai đoạn hiện nay, thể hiện định hướng thay đổi mạnh mẽ, hiệu quả toàn diện, phát triển bền vững nhằm nâng tầm vị thế và thương hiệu của ngân hàng trong thời gian tới.

Bên cạnh việc đổi tên, ngân hàng cũng thay đổi kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2024 từ 9.500 tỷ đồng lên 10.500 tỷ đồng (tăng gần 50% so với năm 2023). Trong khi đó, các kế hoạch về tăng trưởng tổng tài sản, tín dụng và huy động tiếp tục được giữ nguyên, với mức tăng lần lượt là 11,6%, 15,9% và 11,2% so với cuối năm trước.

Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết việc thay đổi kế hoạch lợi nhuận năm 2024 nằm trong kế hoạch kinh doanh của ngân hàng, tập trung tăng thu phí dịch vụ, tăng cường thu hồi nợ xấu, giảm tỷ lệ nợ xấu năm 2024 xuống dưới 1%.

Tại Đại hội, LPBank cũng sẽ trình cổ đông phương án chào bán cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Cụ thể ngân hàng muốn chào bán thêm tối đa 800 triệu cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ thêm 8.000 tỷ đồng lên hơn 33.500 tỷ đồng. Giá chào bán không thấp hơn mệnh giá, mức giá cụ thể ủy quyền cho HĐQT quyết định. Cổ phiếu mới chào bán không bị hạn chế chuyển nhượng.

Doanh nghiệp có thể được vay ngân hàng để nộp thuế, bảo hiểm và tiền lương

Tại hội nghị Đối thoại và Lễ ký kết hỗ trợ vốn vay giữa ngân hàng và các doanh nghiệp tại quận 12 (TP Hồ Chí Minh), doanh nghiệp nêu ý kiến mong muốn ngân hàng cho vay vốn để nộp thuế, trả nợ thuế, bảo hiểm và tiền lương.

Tin ngân hàng tuần qua: Tiền gửi của doanh nghiệp tăng mạnh
Ảnh minh họa/

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thức - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH BCTC nêu câu hỏi, doanh nghiệp mong muốn ngân hàng cho vay vốn để nộp thuế, trả nợ thuế, bảo hiểm và tiền lương.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh trả lời về cho vay để nộp thuế, bảo hiểm và chi trả lương - đây thực chất là khoản vay thanh toán chi phí doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu vốn lưu động và thiếu hụt dòng tiền tạm thời trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

“Vì vậy, nếu doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn, sử dụng vốn vay đúng mục đích và đúng đối tượng vay theo quy định; có dòng tiền thu về và đảm bảo khả năng trả nợ thì đều được ngân hàng thương mại xét duyệt cho vay” - đại diện NHNN thành phố trả lời.

Ngoài ra, các ý kiến doanh nghiệp tập trung liên quan đến vấn đề lãi suất, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cũng được Đại diện NHNN lần lượt trao đổi và trả lời cụ thể.

Theo đó, các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố cần tiếp tục chủ động tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó triển khai chính sách tín dụng - lãi suất của NHNN Việt Nam.

Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ và tiếp tục cải cách quy trình giao dịch, góp phần tiết giảm tối đa chi phí cho khách hàng và doanh nghiệp trong sử dụng vốn, dịch vụ ngân hàng, mở rộng và tăng trưởng tín dụng.

Theo số liệu thống kê của NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh, tăng trưởng tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong tháng 3 có tốc độ tăng 1,9% so với tháng 2 sau khi tháng 1 đầu năm âm 0,93%.

Xem xét giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc TCTD yếu kém

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 30/2019/TT-NHNN quy định về thực hiện dự trữ bắt buộc (DTBB) của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Trong đó, Dự thảo sẽ sửa đổi, bổ sung 4 điều trong Thông tư 30 là Điều 3, Điều 7, Điều 13 và Điều 16.

Đáng chú ý, tại Điều 7, quy định về trường hợp giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, dự thảo sẽ bổ sung trường hợp giảm 50% tỷ lệ DTBB đối với TCTD là bên nhận chuyển giao ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt để thống nhất với điểm p khoản 1 Điều 185 Luật TCTD 2024 quy định quyền của bên nhận chuyển giao: Được giảm 50% tỷ lệ DTBB.

Ngoài ra, Điều 7 cũng được sửa các dẫn chiếu theo quy định Luật TCTD 2024; sửa kết cấu để rõ ràng hơn.

Theo đó, Điều 7 quy định việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc có nội dung như sau:

Tổ chức tín dụng hỗ trợ quy định tại khoản 39 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng (sau đây gọi là tổ chức tín dụng hỗ trợ) được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt theo phương án phục hồi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Tổ chức tín dụng là bên nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng (sau đây gọi là tổ chức tín dụng nhận chuyển giao) được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc theo phương án chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Mức giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với từng tổ chức tín dụng quy định tại khoản 1 và 2 Điều này được tính trên cơ sở tỷ lệ dự trữ bắt buộc quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này và áp dụng đối với tất cả các loại tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc.

Ngoài ra, dự thảo cũng sửa đổi Điều 3, Điều 13 và Điều 16 của Thông tư 30/2019/TT-NHNN.

Về các tổ chức tín dụng không thực hiện dự trữ bắt buộc quy định tại Điều 3, NHNN dự kiến bổ sung thêm đối tượng là Ngân hàng chính sách để phù hợp với Luật Tổ chức tín dụng (TCTD) 2024.

Tại Điều 13 và Điều 16, quy định trách nhiệm của Sở Giao dịch NHNN và Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, dự thảo sửa đổi theo hướng đồng bộ với việc quy định bổ sung trường hợp giảm 50% tỷ lệ DTBB đối với TCTD nhận chuyển giao tại Điều 7.

NCB tăng vốn điều lệ lên 11.802 tỷ đồng trong năm 2024

Ngày 13/4/2024, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024.

Tin ngân hàng tuần qua: Tiền gửi của doanh nghiệp tăng mạnh
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo đó, năm 2024, ngân hàng này đặt mục tiêu đạt 105.892 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 10% so với năm 2023; dư nợ cho vay khách hàng dự kiến đạt 64.344 tỷ đồng và huy động khách hàng đạt 86.050 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 16% và 8% so với cuối năm 2023.

Đáng chú ý, ĐHĐCĐ cũng thông qua tờ trình tiếp tục triển khai phương án tăng vốn điều lệ và các tờ trình khác.

Trong đó, năm 2024, NCB tiếp tục triển khai phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ thêm 6.200 tỷ đồng. Dự kiến sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của NCB sẽ tăng từ 5.602 tỷ đồng lên 11.802 tỷ đồng.

Toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư sẽ được dùng bổ sung nguồn vốn hoạt động kinh doanh (5.300 tỷ đồng); công nghệ và chuyển đổi số (500 tỷ đồng); xây dựng nhận diện thương hiệu (200 tỷ đồng) và cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất (200 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, NCB cũng quyết tâm tăng quy mô khách hàng đến cuối 2024 thêm 15%, đạt 1,15 triệu khách hàng. Lũy kế khách hàng sử dụng ứng dụng ngân hàng số NCB iziMobile đến cuối năm 2024 dự kiến đạt 595.051 khách hàng, tăng 34%; lũy kế số lượng thẻ tín dụng đạt 31.991 thẻ, tăng 28% so với năm 2023. Qua đó, ngân hàng kỳ vọng CASA đạt 6.075 tỷ đồng, tăng 24% so với kết quả 2023.

Đến nay, NCB là tổ chức tín dụng đầu tiên hoàn thành việc xây dựng và trình lên NHNN phương án cơ cấu lại (PACCL) và được NHNN cho ý kiến ngày 7/2/2024 vừa qua.

Hiện PACCL của NCB cơ bản đã được hoàn thiện theo yêu cầu của NHNN, trong đó trình bày đầy đủ, toàn diện thực trạng hoạt động của NCB trên mọi khía cạnh, trên cơ sở đó xác định mục tiêu, giải pháp tổng thể, toàn diện khắc phục các vấn đề tồn tại và nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng, đảm bảo NCB phát triển lành mạnh, an toàn và bền vững.

/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)

vietinbank
thaco