Tin bất động sản ngày 1/6: Chủ tịch Hà Nội yêu cầu khởi công ít nhất 1 dự án NƠXH trước tháng 10/2024

12:24 | 01/06/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Thái Nguyên tìm nhà đầu tư cho khu đô thị nghìn tỷ; Long An được chuyển đổi hơn 35ha đất trồng lúa làm dự án Cụm công nghiệp; Thành viên Ecopark trúng dự án Khu đô thị gần 3.000 tỷ đồng ở Thanh Hoá…là những tin tức bất động sản đáng chú ý
Tin bất động sản ngày 31/5: Đắk Nông thanh tra toàn diện dự án nhà ở xã hội quy mô gần 1,8haTin bất động sản ngày 31/5: Đắk Nông thanh tra toàn diện dự án nhà ở xã hội quy mô gần 1,8ha
Tin bất động sản ngày 30/5: 60% lý do đùn đẩy, sợ trách nhiệm liên quan đến đất đaiTin bất động sản ngày 30/5: 60% lý do đùn đẩy, sợ trách nhiệm liên quan đến đất đai

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu khởi công ít nhất 1 dự án NƠXH trước tháng 10/2024

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì phiên họp nghe báo cáo về công tác lựa chọn nhà đầu tư một số dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới và việc triển khai các khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) trên địa bàn thành phố.

Tin bất động sản ngày 1/6: Chủ tịch Hà Nội yêu cầu khởi công ít nhất 1 dự án NƠXH trước tháng 10/2024
Ảnh minh họa

Tại phiên họp, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh nhận định, đến thời điểm này, việc triển khai 5 dự án nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 đang chậm tiến độ. Trong những nguyên nhân chủ quan, có nguyên nhân do sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, trước mắt, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ; các sở, ngành, địa phương phải cam kết bảo đảm đến 1/10/2024 có thể khởi công ít nhất một dự án và phải bảo đảm chất lượng lâu dài.

“Mục tiêu cao nhất là xây dựng nhà ở xã hội với chất lượng tốt nhất, giá rẻ nhất; khống chế lợi nhuận định mức bằng quy định của pháp luật để trước mắt, người thu nhập trên trung bình có thể mua được nhà”, ông Trần Sỹ Thanh nói.

Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, nhà ở xã hội có ý nghĩa nhân văn rất lớn trong việc giúp đỡ các gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt là những công nhân, lao động tại các khu công nghiệp và người có hoàn cảnh khó khăn có được một căn nhà ổn định để sinh sống. Do vậy, các sở, ngành và cấp ủy chính quyền địa phương cần quyết tâm tháo gỡ sớm để có nhiều hơn những dự án nhà ở xã hội được triển khai trong thời gian tới.

Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định phê duyệt kế hoạch phát triển 5 khu nhà ở xã hội thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025, với tổng quy mô sử dụng đất 248ha. Đến nay, Sở Xây dựng đã hoàn thành hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư đối với 4/5 dự án, với quy mô 203ha đất, tổng diện tích sàn nhà ở khoảng 0,83 triệu m2, khoảng 12.300 căn hộ; Sở Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì thẩm định như: Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới – Nhà ở xã hội thành phố Kết nối xanh Green Link City tại xã Tiên Dương (huyện Đông Anh), quy mô khoảng 210.000 m2 sàn, với 3.200 căn hộ.

Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới – Nhà ở xã hội tại xã Tiên Dương (huyện Đông Anh), quy mô khoảng 196.000 m2 sàn, với 3.000 căn hộ.

Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới – Nhà ở xã hội tại xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm), quy mô khoảng 152.000 m2 sàn, với 2.400 căn hộ.

Thái Nguyên tìm nhà đầu tư cho khu đô thị nghìn tỷ

Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên vừa phát thông báo mời các nhà đầu tư quan tâm thực hiện dự án khu đô thị Vạn Xuân 3, ở phường Nam Tiến (TP Phổ Yên).

Theo đó, dự án Khu đô thị Vạn Xuân 3 có diện tích hơn 26 ha, với tổng mức đầu tư hơn 1.059 tỷ đồng. Dự án có thời gian hoạt động không quá 50 năm và tiến độ thực hiện dự án dự kiến từ quý 2/2024 đến hết quý 4/2027.

Dự án sẽ có các sản phẩm nhà ở liền kề; căn hộ chung cư; đất ở đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật để chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền cho người dân tự xây nhà ở; khu thương mại dịch vụ và xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác… đáp ứng quy mô dân số khoảng 5.450 người.

Để làm dự án, nhà đầu tư cần vốn chủ sở hữu tối thiểu gần 159 tỷ đồng và kinh nghiệm tham gia một dự án trong lĩnh vực khu đô thị mà nhà đầu tư tham gia với vai trò nhà đầu tư góp vốn chủ sở hữu hoặc nhà thầu chính.

Nếu tham gia góp vốn chủ sở hữu thì dự án đã làm trước đó phải được hoàn thành hoặc hoàn thành phần lớn trong vòng 7 năm trở lại và có tổng mức đầu tư tối thiểu gần 636 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư đã góp ít nhất hơn 95 tỷ đồng.

Hoặc nếu tham gia với vai trò nhà thầu chính xây lắp thì chỉ cần dự án đó được hoàn thành hoặc hoàn thành phần lớn trong vòng 5 năm trở lại và có giá trị tối thiểu gần 370 tỷ đồng.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên, thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án là 8h ngày 24/6/2024.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên trước đó cũng phát thông báo mời các nhà đầu tư quan tâm thực hiện 2 dự án là khu dân cư Thành Lập 2, ở phường Hồng Tiến, TP Phổ Yên và khu đô thị số 4 xã Yên Lãng, huyện Đại Từ.

Trong đó, dự án khu dân cư Thành Lập 2 có diện tích gần 18ha với tổng mức đầu tư gần 457 tỷ đồng (sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án gần 343 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư hơn 114 tỷ đồng).

Khu đô thị số 4 xã Yên Lãng có diện tích hơn 6,9 ha với tổng mức đầu tư gần 268 tỷ đồng (sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án hơn 214 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư gần 54 tỷ đồng).

Long An được chuyển đổi hơn 35ha đất trồng lúa làm dự án Cụm công nghiệp

Mới đây, tại Văn bản 351/TTg-NN, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chấp thuận UBND tỉnh Long An quyết định chuyển mục đích sử dụng 35,3015 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện Dự án Cụm công nghiệp Đông Quang trên địa bàn huyện Cần Giuộc.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Long An chịu trách nhiệm về nội dung và số liệu báo cáo, tổ chức kiểm tra, rà soát hiện trạng sử dụng đất, bảo đảm thống nhất hồ sơ và thực địa, phù hợp với chỉ tiêu đất trồng lúa được Thủ tướng Chính phủ phân bổ; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Thủ tướng Chính phủ về việc quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa đảm bảo đúng quy định của pháp luật về đất đai và các pháp luật khác có liên quan; bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm và hiệu quả, không để xảy ra thất thoát, lãng phí; có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc bóc tách sử dụng tầng đất mặt theo quy định của pháp luật; thường xuyên kiểm tra, giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa theo đúng quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng yêu cầu, UBND tỉnh Long An tiếp thu và thực hiện đầy đủ ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa khi dự án đủ điều kiện và tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm toàn diện về việc tổ chức thẩm định, kết quả thẩm định, sự đầy đủ, chính xác của các hồ sơ, tài liệu kèm theo và nội dung kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện Dự án Cụm công nghiệp Đông Quang trên địa bàn huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, bảo đảm theo đúng quy định; theo dõi và hướng dẫn thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên đúng quy định của pháp luật.

Thành viên Ecopark trúng dự án Khu đô thị gần 3.000 tỷ đồng ở Thanh Hoá

Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định về việc thực hiện thủ tục chấp thuận nhà đầu tư đối với Khu đô thị phía Đông công sở thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương (Khu dân cư mới tại thị trấn Tân Phong).

Tin bất động sản ngày 1/6: Chủ tịch Hà Nội yêu cầu khởi công ít nhất 1 dự án NƠXH trước tháng 10/2024
Ảnh minh họa

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn liên danh CTCP Xây dựng và Đầu tư Đại Thắng Lợi - CTCP HST Eco Decor - CTCP Đầu tư Ecopark Hải Dương thực hiện các thủ tục chấp thuận nhà đầu tư theo quy định.

Được biết, Dự án Khu đô thị Thị trấn Tân Phong được UBND tỉnh Thanh Hoá chấp thuận chủ trương đầu tư vào ngày 24/10/2023 và chính thức được Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa công bố danh mục dự án tìm nhà đầu vào ngày 29/11/2023.

Dự án có sơ bộ tổng chi phí thực hiện hơn 2.735 tỷ đồng; ngoài ra còn có chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư gần 156 tỷ đồng. Diện tích rộng khoảng 342.350 m2, hiện trạng gồm đất ở, đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản của hộ gia đình, cá nhân và đất của UBND thị trấn Tân Phong quản lý.

Về quy mô đầu tư, công trình sẽ xây dựng phần thô và hoàn thiện mặt trước 706 công trình nhà ở thương mại (bao gồm 391 nhà ở liền kề, 315 nhà ở biệt thự); đầu tư xây dựng hoàn thiện công trình dịch vụ thương mại thuộc dự án. Bên cạnh đó còn có nhà văn hóa, trường liên cấp (mầm non, tiểu học) cùng một số hạng mục công trình khác.

Thời hạn hoạt động của dự án kéo dài 50 năm. Tiến độ đầu tư không quá 5 năm, kể từ ngày phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc chấp thuận nhà đầu tư. Dự kiến từ quý 1/2024 - quý 1/2029.

Trước đó, cuối tháng 11/2023 địa phương đã phát thông báo tìm chủ đầu tư. Sau đó, gia hạn thời gian đăng ký hồi giữa tháng 4 vừa qua.

Theo biên bản mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa công bố ngày 15/5, liên danh CTCP Xây dựng và Đầu tư Đại Thắng Lợi - CTCP HST Eco Decor - CTCP Đầu tư Ecopark Hải Dương là nhà đầu tư duy nhất trong danh sách. Trong đó, Ecopark Hải Dương được biết đến là thành viên của Ecopark.

Huy Tùng (T/h)

vietinbank
thaco