Quảng Trị - Điểm đến thu hút các dự án năng lượng có vốn FDI lớn
Phối cảnh Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, Quảng Trị. |
Quảng trị điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị, hiện nay, trên địa bàn tỉnh này đang có 26 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2.7 tỷ USD. Trong đó có 21 dự án hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 337 triệu USD, 5 dự án đang triển khai xây dựng với tổng số vốn đăng ký là 2,4 tỷ USD. Hiện các dự án về năng lượng, điện gió đang chiếm tỷ lệ lớn trong số các dự án có vốn FDI đang hiện diện ở địa phương này.
Một số dự án năng lượng tiêu biểu như Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng tỉnh Quảng Trị - Giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư hơn 2,3 tỷ USD của tổ hợp các nhà đầu tư Việt Nam và Hàn Quốc gồm Tập đoàn T&T và các doanh nghiệp Hàn Quốc: Công ty Cổ phần Năng lượng Hanwha (HANWHA), Tổng Công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO), Tổng Công ty Khí Hàn Quốc (KOGAS).
Cũng liên quan đến các dự án năng lượng, vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị đã thẩm định và có thông báo đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp cho 2 trường hợp của Công ty SEMBCORP SOLAR VIETNAM PTE. LTD mua phần vốn góp tại Công ty TNHH Điện Gió Hướng Phùng và Công ty TNHH Năng lượng Gelex Quảng Trị với tổng giá trị vốn góp (so với vốn điều lệ) hơn 1.9 nghìn tỷ đồng (khoảng 79 triệu USD).
Trên cơ sở đó, có 4 dự án đầu tư trong nước chuyển thành dự án của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; tổng vốn đầu tư của 4 dự án là 228,568 triệu USD.
Ngoài ra, Quảng Trị đang có các dự án FDI khác có số vốn lớn như Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị của Công ty liên doanh TNHH KCN Việt Nam - Singapore, Công ty cổ phần đô thị Amata Biên Hòa, Sumitomo Corporation (88,26 triệu USD). Dự án Nhà máy sản xuất trang phục lót và hàng thể thao của Công ty TNHH Scavi Huế (25 triệu USD).
Quảng Trị đồng ý chủ trương đề xuất dự án năng lượng
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đã làm việc với Liên danh nhà đầu tư Công ty TNHH Tập đoàn khoa học và công nghệ Huadian (Trung Quốc) và CTCP đầu tư thương mại và công nghệ Minh Quang, đây là hai doanh nghiệp đề xuất tổ hợp dự án Điện gió, điện mặt trời, hệ thống lưu trữ kết hợp sản xuất Hydro và Metanol tại Quảng Trị.
Theo báo cáo của nhà đầu tư, CTCP đầu tư thương mại và công nghệ Minh Quang có năng lực và nhiều kinh nghiệm kinh doanh đa lĩnh vực tại Việt Nam như năng lượng tái tạo, nhiên liệu sinh học, nhiên liệu sạch. Định hướng của Công ty trong thời gian tới là đóng góp vào quá trình chuyển đổi xanh, phát triển bền vững tại Việt Nam trong lĩnh vực tái tạo xanh, nhiên liệu xanh. Trong khi đó, Công ty TNHH Tập đoàn khoa học và công nghệ Huadian (Trung Quốc) hoạt động chính trong lĩnh vực điện, công nghiệp hóa chất, cảng, khoáng sản, luyện kim...
Hiện tại, tỉnh Quảng Trị đang có 19 dự án điện gió đã vận hành thương mại với công suất hơn 710MW, 12 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư có tổng công suất gần 500 MW. Về điện mặt trời, Quảng Trị có 3 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất gần 120MW và hệ thống điện mái nhà khoảng 90MW đã đưa vào vận hành thương mại.
Với mong muốn khai thác, phát triển tiềm năng, lợi thế của tỉnh Quảng Trị về tài nguyên gió và mặt trời để sản xuất hydro và hệ thống khí hóa sinh khối tổng hợp thành methanol xanh, Liên danh trên đã nghiên cứu và xây dựng báo cáo tiền khả thi để đề xuất xây dựng tổ hợp dự án điện gió, điện mặt trời, hệ thống lưu trữ kết hợp sản xuất hydro và methanol tại Quảng Trị.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, đề xuất dự án phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng của tỉnh Quảng Trị, vì vậy đồng ý chủ trương tiếp tục nghiên cứu để sớm hoàn thiện báo cáo. Đồng thời yêu cầu các ngành, đơn vị liên quan tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các thủ tục cần thiết, giúp nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục theo cam kết, làm cơ sở để thực hiện các bước tiếp theo.
Đặc biệt, khi các dự án năng lượng tái tạo đi vào hoạt động không chỉ tạo ra việc làm cho người dân địa phương, mà còn góp phần vào việc đầu tư hạ tầng giao thông, đóng góp không nhỏ vào nguồn thu ngân sách của tỉnh.
Tại Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh là trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung. Quy hoạch xác định phương hướng phát triển lĩnh vực năng lượng, đó là tập trung phát triển các nguồn nhiệt điện khí và công nghiệp khí tại khu vực Đông Nam của tỉnh, tận dụng có hiệu quả các nguồn khí trong nước cũng như nguồn khí hóa lỏng nhập khẩu. Ưu tiên áp dụng công nghệ sản xuất khí hydro xanh và khí amoniac xanh từ các nguồn năng lượng tái tạo, thúc đẩy quá trình chuyển đổi nhiên liệu cho các nhà máy điện sử dụng năng lượng hóa thạch trên địa bàn. Ưu tiên hoàn thành các nhà máy điện gió đã có trong quy hoạch điện quốc gia. Tiếp tục nghiên cứu và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo tại những khu vực có lợi thế về điều kiện tự nhiên. Theo Quy hoạch, giai đoạn 2021 - 2030, Quảng Trị sẽ bổ sung khoảng 500 MW nguồn điện gió. Đồng thời, bổ sung 3 nguồn nhiệt điện bao gồm LNG Hải Lăng (1.500 MW), Nhiệt điện Quảng Trị 1 (1.320 MW) và Nhà máy điện khí Quảng Trị (340 MW), nâng tổng công suất đặt các nguồn điện toàn tỉnh Quảng Trị đến năm 2030 đạt khoảng 4.800 MW. |
N.H
- Công suất năng lượng mặt trời toàn cầu đạt kỷ lục
- Phát thải khí nhà kính của EU giảm mạnh
- TS. Ngô Đức Lâm: Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý cho điện gió ngoài khơi
- Điện gió tăng trưởng chậm "kìm hãm" mục tiêu năng lượng toàn cầu?
- 17 doanh nghiệp Anh trong chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi tìm cơ hội hợp tác ở Việt Nam
- Nghệ An xác định khu đất 210 ha cho dự án Nhà máy điện khí LNG Quỳnh Lập
- Nếu đất khỏe, con người sẽ khỏe, thế hệ sau sẽ khỏe
- Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển ngành năng lượng Việt Nam
- CIP chuẩn bị xây dựng hệ thống pin lưu trữ năng lượng quy mô lớn đầu tiên tại Chile
- Vietnam Water Week 2024: Phát triển ngành nước Việt Nam an ninh, an toàn, hiệu quả và hội nhập