Qatar cạnh tranh ác liệt với Mỹ để thay thế nguồn cung khí đốt của Nga đến châu Âu

15:13 | 19/10/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Qatar đã đồng ý cung cấp khí đốt cho Shell ở Hà Lan trong 27 năm, đây là thỏa thuận thứ hai như vậy với một khách hàng châu Âu trong một tuần, khi quốc gia vùng Vịnh này cạnh tranh với Mỹ để giúp châu Âu thay thế nguồn cung bị mất của Nga.
Moldova sẽ không thể giữ lời hứa giảm giá khí đốt vì xung đột ở IsraelMoldova sẽ không thể giữ lời hứa giảm giá khí đốt vì xung đột ở Israel
Nga bất chấp rủi ro thiếu hụt khí đốt trong nước để tăng cường xuất khẩu LNG?Nga bất chấp rủi ro thiếu hụt khí đốt trong nước để tăng cường xuất khẩu LNG?
Qatar cạnh tranh ác liệt với Mỹ để thay thế nguồn cung khí đốt của Nga đến châu Âu
Ảnh minh họa

Thỏa thuận của Shell giống hệt với thỏa thuận của TotalEnergies tuần trước với QatarEnergy để cung cấp khí đốt cho Pháp. Cả hai đều là những hợp đồng cung cấp khí đốt lớn nhất và dài nhất của Qatar với châu Âu.

Qatar, nước xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) hàng đầu thế giới, trước đây đã tập trung vào nguồn cung dài hạn cho thị trường châu Á.

Tuy nhiên, những khách hàng ở Liên minh châu Âu đã ký các thỏa thuận nhập khẩu khí đốt để bù đắp cho việc mất nguồn cung từ Nga, sau khi EU áp đặt các hạn chế đối với nhập khẩu năng lượng của Nga để đáp trả cuộc xung đột ở Ukraine vào năm ngoái.

QatarEnergy cho biết các chi nhánh của QatarEnergy và Shell đã đồng ý hai thỏa thuận mua bán 3,5 triệu tấn LNG mỗi năm (mtpa) trong 27 năm.

Giám đốc QatarEnergy, Saad al-Kaabi, cho biết trong thông báo của công ty: “Thỏa thuận này tái khẳng định “cam kết của Qatar trong việc giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của châu Âu, và củng cố an ninh năng lượng của châu lục này bằng một nguồn cung nổi tiếng với chất lượng cả về kinh tế và môi trường”.

Tuy nhiên, các thỏa thuận dài hạn này có khả năng mâu thuẫn với mục tiêu của EU là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tháng trước, Pháp cho biết EU nên ấn định ngày loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, để tăng cường nỗ lực đạt được thỏa thuận loại bỏ toàn cầu tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 của Liên hợp quốc sắp tới – hội nghị do Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tổ chức từ ngày 30/11.

Người phát ngôn của Bộ Khí hậu Hà Lan Tim van Dijk cho biết chính phủ nước này muốn cắt giảm nhu cầu khí đốt nhưng sẽ cần khí đốt “trong tương lai gần, vì các giải pháp thay thế năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng không đủ”.

Bộ Năng lượng Pháp cho biết thỏa thuận của TotalEnergies là "một thỏa thuận thương mại giữa hai công ty không ràng buộc Pháp với mục tiêu là trung hòa carbon vào năm 2050".

"Hơn nữa, chỉ thị về gói khí đốt của châu Âu quy định rằng Pháp không thể có hợp đồng dài hạn sau năm 2050," Bộ nói thêm.

Nguồn cung dài hạn

QatarEnergy cho biết từ năm 2026, LNG sẽ được chuyển đến Rotterdam ở Hà Lan từ hai liên doanh giữa QatarEnergy và Shell trong dự án mở rộng North Field LNG của Qatar.

Shell nắm giữ 6,25% cổ phần trong dự án North Field East và 9,375% cổ phần trong dự án North Field South.

Cho đến nay, châu Á đã vượt qua châu Âu để nắm bắt nguồn cung LNG dài hạn từ kế hoạch mở rộng hai giai đoạn của Qatar – kế hoạch nhằm nâng công suất hóa lỏng lên 126 triệu tấn vào năm 2027 từ 77 triệu tấn.

Từ lâu, những khách hàng EU đã không ký các hợp đồng khí đốt dài hạn với Qatar, vì Ủy ban châu Âu cho biết các hợp đồng dài hạn có thể cản trở dòng khí đốt tự do ở châu Âu và chúng sẽ không kéo dài quá năm 2049.

Trong các thỏa thuận trước đây của QatarEnergy, có thỏa thuận cung cấp LNG kéo dài 27 năm với Sinopec của Trung Quốc, được ký kết vào tháng 11 với giá 4 triệu tấn mỗi năm, và một thỏa thuận tương tự được ký vào tháng 6 với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC).

Trước cuộc xung đột ở Ukraine vào tháng 2 năm 2022, các nước EU đã nhận được gần 40% lượng khí đốt từ Nga.

Đức là khách hàng lớn nhất và nước này cũng đã chuyển sang Qatar để mua khí đốt thay thế thông qua thỏa thuận giữa QatarEnergy và ConocoPhillips được ký vào tháng 11 năm ngoái, để cung cấp cho Đức 2 triệu tấn LNG trong 15 năm.

Kaushal Ramesh, phó chủ tịch nghiên cứu LNG tại Rystad Energy, cho biết những khách hàng châu Âu đều đã ký các thỏa thuận dài hạn, sẽ nhận khoảng 27 triệu tấn mỗi năm vào những năm 2030, trong đó 9 triệu tấn là từ Qatar.

Giá khí đốt tăng vọt trong năm ngoái do nguồn cung của Nga sang châu Âu bị gián đoạn.

Kể từ đó giá đã giảm nhưng các nhà phân tích cho rằng nguồn cung hạn chế có nghĩa là giá có thể tăng trở lại, nếu có thêm sự gián đoạn hoặc thời tiết mùa đông ở châu Âu hoặc Đông Bắc Á khắc nghiệt.

Các nhà phân tích của Timera cho biết: “Thị trường khí đốt vẫn ở trong tình trạng thắt chặt cho đến năm 2024-25”.

Yến Anh

Reuters