Phát hành Trái phiếu Chính phủ tăng gần 1,8 lần so với tháng 1
![]() |
Kho bạc Nhà nước đã phát hành tổng cộng 45,1 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trong tháng 2/2025 |
Trong tháng 2, lượng trái phiếu Chính phủ tiếp tục tăng mạnh, phát hành đạt 29,1 nghìn tỷ đồng, tăng gần 1,8 lần so với tháng 1 nhờ cả cung và cầu đều gia tăng. Tính đến cuối tháng 2, Kho bạc Nhà nước đã phát hành tổng cộng 45,1 nghìn tỷ đồng, mới hoàn thành 40,6% kế hoạch quý 1/2025 và 9% kế hoạch cả năm.
Trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch trung bình hàng ngày trong tháng 2 tăng 28,1% so với tháng trước, đạt 13,6 nghìn tỷ đồng, phục hồi sau khi giảm 31,7% trong tháng 1.
Trên thị trường sơ cấp, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm (chiếm 96% tổng lượng phát hành tháng 2) tăng 14 điểm cơ bản, lên mức 2,97%. Trên thị trường thứ cấp, lợi suất các kỳ hạn tiếp tục tăng từ 6 đến 9 điểm cơ bản, riêng kỳ hạn 7 năm tăng mạnh 28 điểm cơ bản. Cuối tháng 2, lợi suất kỳ hạn 1 năm, 5 năm và 10 năm lần lượt ở mức 2,09% (+6 điểm cơ bản), 2,42% (+8 điểm cơ bản) và 3,09% (+9 điểm cơ bản).
Lợi suất trái phiếu Chính phủ có thể tiếp tục tăng khi Kho bạc Nhà nước dự kiến đẩy mạnh phát hành để hoàn thành mục tiêu quý I và cả năm. Tuy nhiên, mức tăng có thể bị hạn chế do Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét khả năng giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, với mục tiêu ít nhất 8%.
Thanh khoản thắt chặt trên thị trường liên ngân hàng do lượng lớn repo đáo hạn. Lãi suất liên ngân hàng qua đêm dao động từ 3,7% - 5,5% trong tháng 2, trung bình đạt 4,3% trước khi nhích lên 4,6% vào cuối tháng – gần như không đổi so với cuối tháng 1.
Trong tháng 2/2025, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng 41,1 nghìn tỷ đồng thông qua tín phiếu và repo, trái ngược với mức bơm ròng 67,5 nghìn tỷ đồng trong tháng 1.
Đầu tháng 3/2025, Ngân hàng Nhà nước đã ngừng phát hành tín phiếu và chào bán repo kỳ hạn dài hơn (35 ngày và 91 ngày, lần đầu tiên kể từ tháng 12/2022), cho thấy định hướng hỗ trợ thanh khoản dài hạn cho thị trường. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ giảm lãi suất OMO theo định hướng của Chính phủ, qua đó giúp hạ lãi suất liên ngân hàng trong tháng 3.
Tỷ giá USD/VND tăng do nhu cầu ngoại tệ cao
Cuối tháng 2/2025, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng giao dịch ở mức 25.557, tăng 1,9% so với tháng trước (+0,3% so với đầu năm) do kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; thị trường ngoại hối thận trọng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể chưa cắt giảm lãi suất trong tháng 3.
Trong tháng 3/2025, lãi suất liên ngân hàng giảm có thể tạo thêm áp lực lên tỷ giá USD/VND, trong khi hoạt động mua USD của KBNN có thể tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường. Tuy nhiên, chỉ số DXY giảm 3,6% vào tuần đầu tháng 3, dòng vốn FDI tích cực và thâm hụt thương mại dịch vụ thu hẹp có thể giúp ổn định tỷ giá.
Diệu Phương
- Người dân được hưởng lợi gì khi lạm phát được kiểm soát?
- "Tâm điểm Tín dụng Việt Nam 2025"- Giải pháp huy động vốn và phát triển bền vững
- ADB mở rộng vốn đầu tư cho khu vực tư nhân và chuyển đổi số
- 2025 - Năm bản lề để kinh tế Việt Nam vươn mình
- CEO Nguyễn Quang Huy: Nhà đầu tư nên đa dạng kênh đầu tư thay vì lao vào vàng