Nhập khẩu khí đốt của Nga: Mất nhiều hơn được?

08:28 | 01/06/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022 đã mang đến một sự thay đổi lớn không thể tưởng tượng được cho châu Âu, với việc nhập khẩu khí đốt của Nga đang giảm dần. Hiện có những lập luận thuyết phục để ngăn chặn hoạt động này hoàn toàn, theo bài viết của tiến sĩ Aura Sabadus trên Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu (CEPA).
Thủ tướng Recean tuyên bố Moldova không còn sử dụng khí đốt tự nhiên của NgaThủ tướng Recean tuyên bố Moldova không còn sử dụng khí đốt tự nhiên của Nga
Azerbaijan sẽ tăng nguồn cung khí đốt cho châu Âu lên 20 bcm vào năm 2027Azerbaijan sẽ tăng nguồn cung khí đốt cho châu Âu lên 20 bcm vào năm 2027
Nhập khẩu khí đốt của Nga: Mất nhiều hơn được?
Ảnh minh họa

Có thể sống sót nếu thiếu khí đốt của Nga?

Cho đến năm ngoái, câu trả lời cho câu hỏi trên ở hầu hết các thủ đô châu Âu là không. Sự kiện năm 2022, khi Nga cắt giảm nguồn cung cấp qua đường ống tới châu Âu xuống còn 1/5 so với mức trước đó đã chứng minh họ đã sai.

Trên thực tế, những thay đổi do các biện pháp cắt giảm, mà phương Tây cho là có động cơ chính trị của Điện Kremlin, đã có tác động mạnh đến mức tâm trạng trên khắp châu Âu đã chuyển từ trạng thái hoang mang tột độ về chi phí năng lượng tăng chóng mặt sang kỳ vọng tình trạng dư cung hiện tại có thể đẩy giá xuống mức thấp kỷ lục.

Trong vòng chưa đầy một năm, các kho cảng tái hóa khí tự nhiên hóa lỏng ở Liên minh châu Âu (EU) đã tăng từ 27 lên 35, cho phép châu lục này nhập khẩu nhiều hơn.

Các nhà cung cấp như Azerbaijan và Na Uy đã tăng cường xuất khẩu để giúp bù đắp sự thiếu hụt từ nguồn cung của Nga. Trong khi đó, nhu cầu khí đốt trên toàn EU giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm mạnh nhất trong lịch sử.

Trừ khi nhu cầu phục hồi mạnh hoặc một chuỗi các sự kiện không lường trước được khiến các nhà máy sản xuất LNG trên toàn thế giới ngừng hoạt động trong những tháng tới, châu Âu có thể gặp phải tình trạng cung vượt cầu trong thời gian dài hơn, khiếp lượng hàng nhập khẩu còn lại của Nga sẽ không còn cần thiết nữa.

Tại sao châu Âu còn do dự?

Một lập luận cho rằng Nga xuất khẩu cả khí đốt qua đường ống và LNG, và một số nguồn cung cấp này được ràng buộc trong các hợp đồng dài hạn, không thể đơn phương chấm dứt mà không phải chịu các khoản phạt nặng nề.

Bỏ qua thực tế là năm ngoái Nga đã làm điều đó, bằng cách cắt giảm nguồn cung trước khi hết hạn hợp đồng, thì đúng là một số người mua châu Âu nắm giữ các thỏa thuận đường ống dẫn khí đốt hoặc LNG dài hạn, một số trong đó không kết thúc cho đến năm 2040 hoặc muộn hơn. Việc chấm dứt sớm có thể cần đến các cuộc đàm phán để tránh phải đối mặt với tòa trọng tài và phải chịu các phán quyết nặng nề.

Kể từ khi EU ấn định ngày loại bỏ khí đốt của Nga vào năm 2027, thời hạn này hoàn toàn có thể xảy ra sớm hơn.

Tuy nhiên, một số trong số ít các nhà nhập khẩu còn lại - chẳng hạn như Hungary - không chỉ tỏ ra không muốn chấm dứt hợp đồng trước thời hạn mà còn ký các thỏa thuận cung cấp mới trong những tháng gần đây.

Hầu như không ngạc nhiên khi Hungary quan tâm đến việc tiếp tục nhập khẩu từ Nga, do lập trường ủng hộ Kremlin của chính phủ Orbán. Sự thật phũ phàng là hàng nhập khẩu dồi dào của Nga, có thể được bán với giá chiết khấu, đã cho phép chính phủ Hungary giảm thuế khí đốt để đảm bảo ủng hộ về mặt chính trị.

Tuy nhiên, với giá thị trường hiện đã giảm 80% kể từ đầu năm và có dấu hiệu sẽ còn giảm hơn nữa, Hungary có thể rút khỏi các hợp đồng của Nga và tìm kiếm cơ hội ở nơi khác.

Việc Budapest rõ ràng không sẵn sàng hạn chế nhập khẩu khí đốt của Nga đã thu hút sự chỉ trích ngay cả từ đồng minh cũ Ba Lan, khi nước này cho rằng về mặt kỹ thuật thì Hungary có thể thay thế nguồn nhập khẩu. Nhưng vấn để là Hungary không muốn như vậy.

Giống như Hungary, những người mua khác ở Áo và Serbia, vốn tiếp tục phụ thuộc nhiều vào hàng nhập khẩu của Nga, sẽ nói rằng việc cắt đứt sự phụ thuộc này sẽ gây nguy hiểm cho nền kinh tế của họ.

Những người còn do dự không nên nhìn đâu xa ngoài Ukraine hoặc Moldova. Sau nhiều năm phụ thuộc vào khí đốt của Nga, Ukraine đã ngừng nhập khẩu hoàn toàn vào năm 2015, ngay sau khi Nga sáp nhập Crimea.

Trong vòng chưa đầy hai năm, Ukraine đã đa dạng hóa nguồn cung và lĩnh vực khí đốt chuyển từ một nguồn gây hao hụt ngân sách sang một nguồn đóng góp lớn cho thuế.

Moldova, có lẽ là quốc gia phụ thuộc và dễ bị tổn thương nhất trong số tất cả những người mua châu Âu, đã bất chấp mọi khó khăn kể từ năm 2021, khi Moscow giảm xuất khẩu vào đầu mùa đông. Kể từ đó, họ đã đa dạng hóa các nhà cung cấp để giảm dần phụ thuôc vào khí đốt của Nga.

Kế hoạch cắt giảm

Mặc dù vẫn còn những rủi ro kéo dài, liên quan đến triển vọng sản xuất khí đốt toàn cầu bị thắt chặt cho đến giữa thập kỷ này, châu Âu hiện đang ở vị thế tốt hơn nhiều để bắt đầu nghĩ đến một kế hoạch cụ thể nhằm ngăn chặn nhập khẩu từ Nga.

Bước đầu tiên, Châu Âu có thể cấm khởi động lại nguồn cung qua Nord Stream 1 và Yamal, nơi Nga cắt giảm khí đốt và gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng.

Một lệnh cấm tương tự nên áp dụng cho các đường ống Nord Stream 2 được xây dựng nhưng chưa bao giờ được sử dụng trước cuộc xung đột của Nga và Ukraine năm ngoái - và sau đó đã bị phá hoại - cũng như bất kỳ đường ống mới hoặc không hoạt động nào khác mà Nga hoặc các quốc gia thân thiện có thể tìm cách xây dựng hoặc sử dụng.

Lệnh cấm như vậy cũng sẽ cho phép người mua châu Âu đảm bảo nguồn gốc đối với khí đốt nhập khẩu để chắc rằng họ không vi phạm lệnh trừng phạt.

Lệnh cấm khí đốt qua đường ống và LNG có thể được thiết lập sớm nhất là vào đầu năm 2025, khi đó hợp đồng vận chuyển khí đốt của Ukraine và Nga tới một số người tiêu dùng châu Âu kết thúc và nhiều nguồn cung cấp LNG hơn cũng sẽ bắt đầu tiếp cận thị trường toàn cầu.

Hungary và Áo có thể sẽ phản đối các biện pháp trừng phạt ban đầu đối với khí đốt của Nga, cho rằng họ phải đối mặt với những hạn chế trong việc đảm bảo nguồn cung cấp thay thế.

Lập luận của họ có thể mang động cơ chính trị hơn là dựa trên lập luận thị trường vì các quốc gia không giáp biển khác như Slovakia đã ký hợp đồng nhập khẩu LNG qua các cảng châu Âu.

Nếu hai nước kiên quyết, họ có thể được miễn trừ tương tự như miễn trừ cấm vận mua dầu Nga được áp dụng cho Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc.

Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả. Aura Sabadus là Thành viên của Chương trình Phục hồi Dân chủ tại Trung tâm phân tích chính sách châu Âu (CEPA), chuyên về thị trường năng lượng châu Âu cho Dịch vụ tình báo hàng hóa độc lập (ICIS) có trụ sở tại London, một nhà xuất bản dữ liệu thị trường và tin tức năng lượng và hóa dầu toàn cầu.

Đỗ Khánh

CEPA

vietinbank
ajinomoto