Năm động lực đang tác động đến thị trường khí đốt châu Âu

15:26 | 19/06/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Mùa hè từng là mùa bình lặng đối với thị trường khí đốt châu Âu, nhưng năm thứ ba liên tiếp, mùa hè đang trở nên đầy căng thẳng.
Lần đầu tiên sau gần hai năm, Nga vượt Mỹ về nguồn cung khí đốt cho châu ÂuLần đầu tiên sau gần hai năm, Nga vượt Mỹ về nguồn cung khí đốt cho châu Âu
Anh có thể bơm dầu và khí đốt nhiều hơn gần 30% so với dự kiếnAnh có thể bơm dầu và khí đốt nhiều hơn gần 30% so với dự kiến
Năm động lực đang tác động đến thị trường khí đốt châu Âu
Ảnh CNN

Sau những thiệt hại lâu dài do cuộc khủng hoảng năng lượng để lại, một lần nữa các nhà kinh doanh phải lưu ý đến những rủi ro toàn cầu, có thể làm đảo lộn sự cân bằng nguồn cung nhiên liệu của khu vực này. Đầu mối và trung tâm của những điều đó là những hành động tiềm tàng của Nga, cũng như các sự kiện khác có thể cản trở việc khai thác và vận chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng trên toàn cầu.

Mặc dù mức độ biến động không bằng mức cao nhất của mùa hè năm 2022, nhưng thị trường Châu Âu đã nhanh chóng phản ứng với những động lực có thể gây khó khăn hơn trong việc tích trữ nhiên liệu dự trữ cho mùa đông.

Lệnh trừng phạt của EU đối với LNG của Nga

Một trong những rủi ro đó liên quan đến các lệnh trừng phạt mà Liên minh châu Âu đang xem xét áp đặt đối với việc trung chuyển LNG của Nga qua các cảng của châu lục này. Nhà sản xuất Novatek PJSC dựa vào các cảng trong khối, để thay đổi tàu và vận chuyển nhiên liệu từ Bắc Cực đến các nơi khác trên thế giới, do đó không rõ họ có thể phản ứng như thế nào.

Mặc dù lệnh cấm vẫn chưa được ký kết - các quốc gia thành viên tiếp tục tranh cãi về các chi tiết cuối cùng của gói trừng phạt mới - nhưng quyết định này đang được theo dõi chặt chẽ vì đây là lần gần nhất EU tiến tới việc kiểm soát các hoạt động LNG của Nga.

Động thái này có thể làm phức tạp thêm vấn đề hậu cần vận chuyển toàn cầu. Một số chuyên gia nghi ngờ điều này có thể khiến lượng LNG của Nga còn lại ở EU tăng lên, do việc vận chuyển nó đi nơi khác trở nên khó khăn hơn. Nhập khẩu LNG từ Nga vẫn mạnh kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine.

Anne-Sophie Corbeau, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu tại Đại học Columbia cho biết, điều đó “có thể không phải là tác động như mong đợi nhưng có thể tác động giảm giá”.

Ngừng hoạt động ở Na Uy và những nơi khác

Na Uy là nhà cung cấp khí đốt hàng đầu của châu Âu khi phần lớn nguồn cung cấp qua đường ống của Nga đã không còn. Điều đó đã khiến các nhà giao dịch phải tập trung vào các cảnh báo từ nhà điều hành mạng lưới đường ống quốc gia - cảnh báo những đợt ngừng hoạt động ngoài kế hoạch hoặc bất kỳ thay đổi nào đối với các công tác bảo trì theo mùa.

Đầu tháng này, một sự cố đường ống đã khiến một nhà máy chế biến lớn ở Biển Bắc phải đóng cửa trong thời gian ngắn, khiến giá khí đốt tăng đột biến và báo hiệu thị trường nhạy cảm như thế nào trước những gián đoạn như vậy.

Việc ngừng nguồn cung ở những nơi khác trên thế giới cũng có khả năng thắt chặt thị trường châu Âu, đặc biệt nếu chúng trùng với các đợt nắng nóng. Mỹ, nhà cung cấp LNG chính, đang bước vào mùa bão, điều này đã dẫn đến tình trạng gián đoạn trước đó.

Vận chuyển khí đốt Nga-Ukraine

Moscow và Kyiv hiện có một thỏa thuận vận chuyển khí đốt cho phép dòng khí đốt của Nga đi qua Ukraine và vào châu Âu. Nhưng thỏa thuận đó sẽ hết hạn vào cuối năm 2024, có khả năng khiến các nước như Áo và Slovakia mất nguồn cung khoảng 15 tỷ mét khối mỗi năm từ nguồn cung của Nga.

Áo cho biết họ có thể tìm nguồn khí đốt từ nơi khác. Tuy nhiên, các quan chức châu Âu đang cân nhắc làm thế nào để duy trì dòng khí đốt, mà vẫn không mang lại lợi ích cho doanh thu của Nga. Một lựa chọn đã được thảo luận là các công ty châu Âu mua và bơm nhiên liệu từ Azerbaijan. Tuy nhiên mọi thỏa thuận vẫn còn rất xa.

Bồi thường thiệt hại của Gazprom cho Uniper

Một câu hỏi quan trọng khác là công ty điện lực Uniper SE của Đức và chủ sở hữu là chính phủ Đức sẽ quyết liệt đòi Gazprom của Nga bồi thường thiệt hại như thế nào. Tuần trước, một tòa án Thụy Điển đã trao cho công ty Đức số tiền bồi thường hơn 13 tỷ euro (14 tỷ USD) cho lượng khí đốt không được giao trong cuộc khủng hoảng năng lượng.

Vì Gazprom khó có thể bồi thường thiệt hại - và hầu như không còn tài sản nào có thể bị tịch thu ở châu Âu - các khoản thanh toán có thể được chuyển lại từ các công ty châu Âu vẫn nhận khí đốt của Nga, chẳng hạn như OMV AG ở Áo. Nếu điều đó xảy ra, Gazprom có ​​thể sẽ cắt dòng chảy đó.

Corbeau cho biết: “Đó là điều có thể ảnh hưởng đến giá khí đốt mùa hè nhiều nhất nếu đột nhiên chúng ta mất khoảng 6 tỷ mét khối mỗi năm theo hợp đồng OMV”.

Nạp lại kho dự trữ chậm hơn

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, tốc độ nạp lại các cơ sở lưu trữ khí đốt của châu Âu gần đây đã chậm lại. Mặc dù mức độ vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình theo mùa, nhưng hàng tồn kho đóng vai trò là bước đệm quan trọng đối với sự gián đoạn nguồn cung. Hiện tại, châu Âu vẫn dự kiến ​​sẽ bổ sung kho dự trữ trước khi mùa sưởi ấm bắt đầu.

Yến Anh

Bloomberg

vietinbank
thaco