Chuyển động Năng lượng bền vững tuần qua: Năng lượng tái tạo của EU tăng trưởng ngoạn mục

03:15 | 24/10/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Chính quyền Joe Biden trao 2,8 tỷ USD tài trợ sản xuất pin xe điện; IEA: Giá khí đốt cao thúc đẩy đầu tư hydro xanh; Ukraine hạn chế sử dụng điện trên toàn quốc… là một số tin tức đáng chú ý.
Chuyển động Năng lượng bền vững tuần qua: Chính phủ Anh áp đặt giới hạn doanh thu năng lượng tái tạoChuyển động Năng lượng bền vững tuần qua: Chính phủ Anh áp đặt giới hạn doanh thu năng lượng tái tạo
Chuyển động Năng lượng bền vững tuần qua: Năng lượng tái tạo của EU tăng trưởng ngoạn mục
Ảnh minh họa/ https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Năng lượng tái tạo của EU tăng trưởng ngoạn mục

CNN dẫn một báo cáo mới cho biết năng lượng gió và năng lượng mặt trời đã chiếm tới 24% tổng lượng điện của Liên minh châu Âu (EU) kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Đây là một con số kỷ lục và cũng là một nỗ lực để giúp khối này chống lại lạm phát, CNN nhận định.

Sự tăng trưởng công suất điện tái tạo đã giúp khối 27 quốc gia này tiết kiệm được 99 tỉ euro (97 tỉ USD) tiền nhập khẩu khí đốt trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 9 vừa qua, vượt hơn hẳn con số tiết kiệm chỉ hơn 11 tỉ euro (10,8 tỉ USD) so với cùng kỳ năm ngoái, theo báo cáo được hai tổ chức nghiên cứu khí hậu E3G và Ember công bố mới đây.

Báo cáo của hai đơn vị trên cũng cho thấy 19/27 quốc gia thành viên của EU đã đạt được sản lượng điện gió và năng lượng mặt trời kỷ lục kể từ tháng 3 năm nay. Sự gia tăng hoạt động sản xuất năng lượng tái tạo diễn ra trong bối cảnh châu Âu cố gắng tìm cách không phụ thuộc vào khí đốt của Nga khi Moscow giảm, thậm chí cắt nguồn cung cấp năng lượng cho EU.

Ả Rập Xê-út đặt mục tiêu xuất khẩu hơn 150.000 chiếc xe điện vào năm 2026

Ả Rập Xê-út đã đưa ra chiến lược "Tầm nhìn 2030" nhằm giảm lượng khí thải carbon, góp phần đưa quốc gia này đi đúng hướng để tăng trưởng kinh tế ổn định.

Với khoảng 17% trữ lượng dầu thô của thế giới, Nền kinh tế của Ả Rập Xê-út phụ thuộc phần lớn vào nguồn dầu khí giàu có, chiếm khoảng 17% trữ lượng dầu thô của thế giới.

2022 là một năm kỷ lục khi các quốc gia trên toàn cầu nỗ lực cắt giảm lượng khí thải carbon và đạt được độc lập về năng lượng. Kết quả là, năng lượng tái tạo và việc triển khai xe điện đã đạt nhiều kỷ lục mới. Theo một nghiên cứu gần nhất, các nước hiện đã và đang nỗ lực để giảm lượng khí thải trên thế giới.

Các chính sách mới ở hầu hết các quốc gia phát triển lớn đang mở đường cho việc giảm phát thải CO2 một cách có ý nghĩa. Ả Rập Xê-út cũng nhận ra điều này, do đó họ đang nỗ lực tìm cách đa dạng hóa các lợi ích kinh tế của mình để phát triển tương lai quốc gia.

Để mở rộng xuất khẩu dầu, Ả Rập Xê-út tuyên bố sẽ chế tạo và xuất khẩu xe điện không phát thải.

Chính quyền Joe Biden trao 2,8 tỷ USD tài trợ sản xuất pin xe điện

Các khoản tài trợ đang được phân bổ thông qua Bộ Năng lượng Mỹ với nguồn vốn từ Luật Cơ sở hạ tầng cho các công ty ở 12 bang của Mỹ và tài trợ sẽ dành cho việc tạo ra các vật liệu pin, bao gồm lithium, graphite và niken.

Tổng thống Biden nhấn mạnh Luật Cơ sở hạ tầng đầu tư vào nhân lực và công ty xây dựng tương lai của nước Mỹ như xe điện và pin tiên tiến cung cấp năng lượng cho xe điện. “Điều này cực kỳ quan trọng bởi vì tương lai của xe là chạy bằng điện, nhưng pin là bộ phận quan trọng của xe điện thì hiện tại 75% việc sản xuất lại được thực hiện ở Trung Quốc”.

Nhà Trắng cho biết, ngoài các khoản tài trợ, Tổng thống Biden đã công bố thành lập Sáng kiến sản xuất pin mới của Mỹ, cho phép chính phủ tiếp cận đầy đủ để sản xuất pin cho các mục đích sử dụng từ xe điện, nhà ở cho đến mục đích quốc phòng. Động thái này sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng khả năng cạnh tranh của Mỹ bằng cách tạo ra nhiều pin hơn và các thành phần pin quan trọng ở Mỹ.

IEA: Giá khí đốt cao thúc đẩy đầu tư hydro xanh

Hôm 20/10, một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết giá khí đốt tự nhiên tăng cao khiến hydro sản xuất từ ​​nhiên liệu hóa thạch ngày càng không kinh tế và thúc đẩy hơn 70 tỷ USD đầu tư mới vào hydro từ năng lượng tái tạo.

Hydro xanh được tạo ra bằng cách sử dụng các máy điện phân chạy bằng năng lượng tái tạo để tách nước khỏi oxy, trong khi hydro xanh được tạo ra từ khí tự nhiên với công nghệ thu giữ và lưu giữ lượng khí thải carbon dioxide được tạo ra. Hydro xám chiết xuất hydro từ than đá hoặc khí đốt bằng cách sử dụng quá trình cải tạo metan bằng hơi nước và hiện là quy trình tiêu chuẩn của ngành công nghiệp.

Hydro xanh đã được coi là chìa khóa cho các ngành công nghiệp khử carbon phụ thuộc vào than, khí và dầu, như thép và hóa chất, tuy nhiên, chi phí sản xuất truyền thống thường cao hơn nhiều so với các dạng hydro khác.

Báo cáo cho biết với giá khí đốt đã tăng hơn 70% trên thị trường quốc tế kể từ tháng 2, chi phí sản xuất hydro từ nhiên liệu hóa thạch đã trở nên đắt hơn so với hydro xanh.

Ở châu Âu, các chủ sở hữu tài sản hydro nhiên liệu hóa thạch sẽ thấy chi phí sản xuất tăng khoảng 50% so với chi phí hydro xanh trung bình khoảng 7,60 USD/kg, trong khi hydro xanh ở châu Á có giá cao hơn 35% và hydro xám là 29%. Việc tiếp tục đầu tư nhanh chóng vào hydro xanh trong vài năm tới có nghĩa là chi phí sản xuất sẽ giảm xuống dưới 2 USD/kg vào năm 2030, từ mức trung bình 3,80 - 5,80 USD/kg hồi tháng 2.

Báo cáo cho biết, điều này khiến tài sản hydro hóa thạch hiện có trị giá hơn 100 tỷ USD có nguy cơ trở thành tài sản bị mắc kẹt vào năm 2030. Trong tuần này, Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết, việc triển khai năng lượng tái tạo đã tăng lên trong năm nay khi các quốc gia EU cố gắng loại bỏ khí đốt của Nga.

Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha nhất trí về "hành lang năng lượng xanh"

Ngày 20/10, các nhà lãnh đạo của Pháp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha cho biết họ đã đồng ý thay thế một kết nối đường ống dẫn khí đốt được đề xuất giữa bán đảo Iberia và Pháp bằng một "hành lang năng lượng xanh" dưới biển, sẽ có mục tiêu vận chuyển hydro.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez cho biết kế hoạch này là kết nối Iberia với Pháp và thị trường năng lượng châu Âu bằng một đường ống từ Barcelona ở Tây Ban Nha qua biển Địa Trung Hải đến Marseille ở Pháp. Thủ tướng Tây Ban Nha cho biết đường ống này có thể được sử dụng để vận chuyển khí tự nhiên tạm thời, trước khi bắt đầu vận chuyển hydro.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez đưa ra thông báo sau khi lãnh đạo 3 nước Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh của Liên minh châu Âu tại Brussels.

Ukraine hạn chế sử dụng điện trên toàn quốc

Ngày 19/10, Ukraine đã hối thúc người dân hạn chế tiêu thụ điện nhằm ứng phó với tình trạng hạ tầng điện bị hư hỏng nặng. Phó Chánh văn phòng Phủ Tổng thống Ukraine nhấn mạnh người dân cần giảm thiểu sử dụng điện trong khung giờ từ 7h đến 23h, nếu không sẽ phải chuẩn bị cho khả năng bị cắt điện. Việc sử dụng đèn đường chiếu sáng tại các thành phố cũng bị hạn chế.

Phát biểu sau cuộc họp với các công ty năng lượng, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết các doanh nghiệp nước này đang chuẩn bị cho mọi tình huống khi mùa đông đến, đồng thời chính phủ đang nỗ lực lập các điểm cung cấp điện di động cho các hạ tầng thiết yếu tại các thành phố cũng như các ngôi làng.

Trước đó, Chính phủ Ukraine đã cảnh báo nguy cơ mất điện vì hơn 30% trạm điện bị phá hủy do xung đột. Thị trưởng Kiev, ông Vitaliy Klitschko kêu gọi người dân hạn chế sử dụng các thiết bị điện để giúp ổn định hoạt động của hệ thống năng lượng quốc gia.

EU và Maroc ký thỏa thuận "đối tác xanh"

Ngày 18/10, Liên minh châu Âu (EU) và Maroc đã ký một thỏa thuận "đối tác xanh" mà hai bên hy vọng sẽ thúc đẩy hợp tác về năng lượng tái tạo. Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans khẳng định thỏa thuận nhằm mục đích tạo ra tăng trưởng bền vững nhằm phản ứng trước những thách thức hiện nay.

Bản ghi nhớ (MoU) được ký kết giữa EU và Maroc dự kiến thúc đẩy hợp tác về năng lượng và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, với sự tham gia của khu vực tư nhân. Thỏa thuận nhằm mục đích thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang ngành công nghiệp khử cacbon thông qua đầu tư vào công nghệ xanh, sản xuất năng lượng tái tạo, chuyển đổi bền vững và sản xuất sạch trong công nghiệp.

Năm 2009, Maroc đã thông qua chiến lược năng lượng nhằm tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong sản xuất điện lên hơn 52% tổng năng lượng của đất nước, từ mức 1/5 hiện nay. Maroc hiện đang tìm cách cung cấp giải pháp thay thế cho các nước châu Âu trong nỗ lực từ bỏ nhiên liệu hóa thạch, vốn đã tăng giá do xung đột ở Ukraine.

Thủ tướng Đức yêu cầu duy trì hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân

Ngày 17/10, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã yêu cầu tạo điều kiện để 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại tại nước này tiếp tục hoạt động đến giữa tháng 4/2023. Trước đó, Đức có kế hoạch chấm dứt sử dụng năng lượng hạt nhân vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cuộc xung đột Ukraine và giá năng lượng tăng cao, Berlin đã phải cân nhắc lại kế hoạch này.

Hãng tin AFP (Pháp) dẫn nội dung lá thư của ông Scholz gửi tới các bộ trưởng trong Nội các nêu rõ chính phủ sẽ sớm tạo điều kiện pháp lý để cho phép các nhà máy điện hạt nhân Isar 2, Neckarwestheim 2 và Emsland có thể duy trì hoạt động qua ngày 31/12/2022 đến 15/4/2023.

Trước đó, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck, từ đảng Xanh, đề xuất chỉ duy trì hoạt động của 2 trong số 3 nhà máy hạt nhân kể trên tới mùa xuân năm sau. Tuy nhiên, đảng Dân chủ Tự do (FDP) thuộc liên minh cầm quyền, đề xuất duy trì hoạt động của cả 3 nhà máy. Các cuộc đàm phán sau đó trong nội bộ liên minh cầm quyền đã không thể mang lại tiếng nói chung.

G.Minh (t/h)

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/