Sáng 19/8, tại TP Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo “Tìm hiểu Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 và các văn bản quy định thi hành phục vụ công tác vận hành, khai thác công trình thủy điện”. Hội thảo do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phối hợp với Cục quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Cục kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương) tổ chức.
Bảo đảm an ninh nguồn nước để vận hành thuỷ điện tốt hơn
Tại hội thảo, ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng Giám đốc EVN, Luật Tài nguyên nước năm 2023 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 với mục tiêu quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên nước một cách hiệu quả và bền vững.
Điều này nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước, bảo vệ môi trường và phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Đây là một trong những luật quan trọng, không chỉ điều chỉnh hoạt động quản lý Nhà nước mà còn là cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp về việc sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước.
![]() |
Ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng Giám đốc EVN phát biểu tại hội nghị |
Ông Ngô Sơn Hải cho biết thêm, hiện nay quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện với tổng công suất toàn hệ thống đạt 80.555MW. Trong đó tổng công suất thủy điện là 22.872 MW, chiếm tỷ trọng 28,4%. Các công trình thuỷ điện có vai trò và nhiệm vụ quan trọng trong công tác phòng, chống lũ cho hạ du, tưới tiêu phục vụ nhu cầu của người dân và phát điện đảm bảo an ninh cung cấp điện. Vì vậy, việc vận hành các công trình thuỷ điện an toàn, hiệu quả, tối ưu nguồn nước, đúng quy trình, quy định của pháp luật là vô cùng quan trọng.
Tại Hội thảo, các chuyên gia của Cục quản lý tài nguyên nước đã trình bày các chuyên đề chính: Giới thiệu luật tài nguyên nước và các văn bản hướng dẫn thi hành; Chính sách pháp luật về tài nguyên nước liên quan đến khai thác, sử dụng nước cho thủy điện và nhiệt điện; Điều hòa phân phối nguồn nước, tối ưu hóa vận hành hồ chứa, hướng tới vận hành hồ chứa theo thời gian thực.
Đặc biệt, trong các điểm mới nêu trên, luật đã quy định về nguyên tắc quản lý và trong số các nguyên tắc quản lý, có nguyên tắc "bảo đảm an ninh nguồn nước để mọi người dân được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý", "ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất cho người dân ở vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Luật tạo điều kiện tiếp cận nước sinh hoạt cho người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng dễ bị tổn thương khác".
![]() |
Các thuỷ điện có vai trò lớn trong việc điều tiết nước mùa lũ. Trong ảnh: Thuỷ điện Đăkdrinh xả nước điều tiết trong mùa mưa 2023 |
Ngoài ra, các chính sách liên quan đến an ninh nguồn nước quốc gia cũng đã được thể hiện xuyên suốt trong các chương, điều của Luật Tài nguyên nước năm 2023. Mục tiêu hướng tới nâng cao mức bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia lên nhóm các quốc gia bảo đảm an ninh tài nguyên nước hiệu quả trong khu vực Đông Nam Á và tiệm cận với các nước tiên tiến trên thế giới; bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường và giảm rủi ro tác hại từ các thảm họa do con người và thiên nhiên gây ra. Đây là bước thay đổi lớn và kịp thời, nhất là trong bối cảnh nguồn nước đang ngày càng có nguy cơ bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm.
Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng để Luật Tài nguyên nước năm 2023 đi vào cuộc sống, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị có liên quan cần sớm hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch triển khai thi hành Luật và xây dựng các văn bản dưới luật, trong đó đặc biệt nhất là các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật.
Luật Tài nguyên nước năm 2023, gồm 10 chương, 86 điều, quy định về quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ nước Việt Nam. Lluật đã thể chế hóa được quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước thông qua bốn nhóm chính sách, gồm: Bảo đảm an ninh nguồn nước, xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra. Bốn nhóm chính sách được thể hiện xuyên suốt trong Luật Tài nguyên nước năm 2023, đã được cụ thể hóa qua 10 điểm mới. |
Thanh Hiếu
- TS. Lê Hồng Nam: Điện mặt trời nổi cung cấp nguồn điện giá rẻ và sạch cho nuôi trồng thủy sản
- "Chuyển đổi số không chỉ là sự lựa chọn, mà là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp tồn tại!"
- Bài 3: Cơ chế giá điện hạt nhân tại một số quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
- Bài 2: Vì sao cần thiết phải xây dựng cơ chế giá điện hạt nhân hợp lý?
- Mở rộng điều tra tài nguyên điện năng tái tạo
- Bài 1: Điện hạt nhân - Giải pháp cho phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam
- Đường sắt Bắc- Nam, điện hạt nhân là tâm điểm của doanh nghiệp Hàn Quốc
- Phát triển ĐGNK: cần một lộ trình rõ ràng và thực tế hơn
- Điện hạt nhân: Động lực quan trọng của quá trình chuyển đổi số
- Tuabin gió trục đứng: Đảm bảo cung cấp năng lượng trong những tình huống khẩn cấp