Lợi nhuận quý 2 đi lùi, doanh nghiệp điện kỳ vọng gì vào cuối năm?
Ít mưa, doanh nghiệp thủy điện giảm lãi
Mức lợi nhuận giảm lớn nhất là Công ty cổ phần Thủy điện A Vương (MCK: AVC) với lợi nhuận sau thuế quý II/2024 giảm gần 83% so với cùng kỳ năm trước về mức 13,7 tỷ đồng.
Quý II/2024, báo cáo tài chính của Thủy điện A Vương cho thấy doanh thu thuần của công ty tăng nhẹ hơn 10 tỷ đồng lên 141 tỷ đồng. Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán tăng 166% so với cùng kỳ năm 2023, chủ yếu đến từ giá vốn hàng hóa đã bán và giá dịch vụ đã cung cấp nên lợi lợi nhuận gộp giảm mạnh 67% xuống còn 26 tỷ đồng.
Lũy kế sau 2 quý đầu năm 2024, Thủy điện A Vương thu về lãi 47 tỷ đồng, giảm mạnh 80% so với cùng kỳ năm trước. Giải trình về con số đi lùi đáng kể này, công ty cho biết do thời tiết lưu lượng nước về không tốt nên sản lượng điện thấp hơn dẫn đến doanh thu thấp hơn so với cùng kỳ.
Doanh nghiệp ngành điện báo lợi nhuận giảm lớn thứ hai là Công ty cổ phần Đầu tư điện lực 3, trụ sở tại Đà Nẵng (MCK: PIC). Công ty thủy điện này ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II giảm 73% chỉ còn hơn 1 tỷ đồng, với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ hơn 18 tỷ đồng, giảm 21% so với quý cùng kỳ 2023.
Giá vốn hàng bán, doanh thu hoạt động tài chính, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm so với quý cùng kỳ và 6 tháng đầu năm 2023. Do vậy, lũy kế 6 tháng đầu 2024, doanh nghiệp thu về lợi nhuận sau thuế 12,4 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kết quả kinh doanh quý I/2024 và 6 tháng đầu năm của PIC giảm so với cùng kỳ năm 2023 là do tình hình thời tiết tại khu vực Nhà máy thủy điện Đăk Pône và Đa Krông I ít mưa, không thuận lợi cho hoạt động phát điện.
Các vị trí tiếp theo sụt giảm lợi nhuận lần lượt là Công ty cổ phần Thủy điện Sông Vàng (MCK: SVH), giảm 50% so với cùng kỳ 2023 xuống còn 3 tỷ đồng; Công ty Thủy điện Nước Trong (MCK: NTH) giảm 19% xuống còn 13 tỷ đồng; Công ty Thủy điện Sông Ba (MCK: SBA) giảm 6% còn 17 tỷ đồng.
Nặng nề nhất là Công ty cổ phần Thủy điện Sê San 4A (MCK: S4A) báo lỗ quý II gần 2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 11 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ việc sản lượng điện bán ra của công ty giảm mạnh do thời tiết quý vừa qua khô hạn.
Lội ngược dòng trở thành điểm sáng hiếm hoi của bức tranh ngành điện, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Bắc Minh (MCK: SBM) ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 125% lên 35 tỷ đồng so với quý II/2023.
Công ty thủy điện này giải trình do chênh lệch tăng doanh thu bán điện thương phẩm. Mùa mưa cuối quý II/2024 cao hơn so với quý II/2023 nên sản lượng điện toàn công ty tăng 59,8 triệu Kwh, góp phần tăng doanh thu quý này so với cùng kỳ năm trước.
Chi phí nhiên liệu ăn mòn lợi nhuận công ty nhiệt điện
Đối với các doanh nghiệp nhiệt điện trong quý II/2024, đứng đầu về độ lao dốc là Công ty cổ phần Nhiệt điện Bà Rịa (MCK: BTP) với doanh thu chỉ đạt 155 tỷ đồng giảm 76%, lợi nhuận sau thuế hơn 3 tỷ đồng giảm 89% so với cùng kỳ.
Công ty giải trình nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh lao dốc là do nhu cầu phụ tải hệ thống, các tổ máy của công ty ít được huy động và chạy phát điện với mức tải thấp nên suất hao cao. Điều này dẫn đến việc sản lượng điện trong quý II bị sụt giảm mạnh so với cùng kỳ.
Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (MCK: PPC) xếp thứ hai trong danh sách lợi nhuận đi lùi. Mặc dù doanh thu quý II của công ty tăng 77% lên mức 2.469 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế của PPC chỉ còn 94 tỷ đồng, giảm 42% so với quý II/2023. Nguyên nhân do giá vốn hàng bán tăng gần gấp đôi, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao.
Đáng chú ý, doanh thu tài chính của công ty trong quý II giảm tới 83%, chỉ còn 18,6 tỷ đồng, do lãi tiền gửi và khoản cổ tức từ các đơn vị do PPC góp vốn thấp hơn so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, nhờ kết quả kinh doanh quý đầu năm tăng trưởng tích cực, nên lũy kế đến hết quý II/2024, doanh thu của Nhiệt điện Phả lại tăng 1,6 lần lên 4.465 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 251 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.
Giải trình kết quả kinh doanh, Nhiệt điện Phả lại cho biết sản lượng điện tăng mạnh là nguyên nhân kéo doanh thu đi lên. Đây cũng là xu hướng chung của nhóm nhiệt điện trong quý 2, thời điểm huy động sản lượng từ EVN gia tăng.
Xếp sau Nhiệt điện Phả lại về biên độ lợi nhuận đi lùi là Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (MCK: QTP), với lợi nhuận sau thuế quý II giảm 36% xuống còn 160,4 tỷ đồng.
Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ quý II/2024 giảm 29,4% tương ứng 88,1 tỷ đồng so với quý II/2023, chủ yếu do sản lượng điện bán và giá thị trường giảm, bên cạnh đó giá nhiên liệu than đầu vào có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Doanh thu bán hàng của công ty không có nhiều biến động so với cùng kỳ năm trước ở mức 3.628 tỷ đồng, nhưng lãi thu về lại sụt giảm lớn do doanh thu từ hoạt động tài chính lao dốc hơn 18 lần, chỉ còn 109 triệu đồng đến từ lãi tiền gửi. Tương tự Nhiệt điện Phả lại, trong quý này, Nhiệt điện Quảng Ninh thiếu hụt phần nhiều ở khoản cổ tức và lợi nhuận được chia.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, QTP có doanh thu thuần đạt 6.637 tỷ đồng, tương đương mức 2023 và lợi nhuận sau thuế 387 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (MCK: HND) có mức lợi nhuận sau thuế đi lùi nhỏ nhất trong các doanh nghiệp cùng ngành, giảm 17% so xuống còn 276 tỷ đồng.
Về doanh thu sản xuất điện quý II tăng so với cùng kỳ 2023 do sản lượng điện cao hơn so với cùng kỳ 16,3 triệu kWh bên cạnh đó giá than tăng và giá thị trường cao hơn cùng kỳ dẫn đến doanh thu cao hơn 2023.
Trong quý này, chi phí lãi vay cũng giảm so với quý II/2023 là 10,8 tỷ đồng do số dư nợ vay dài hạn giảm dần. Cùng với đó, doanh thu hoạt động tài chính tăng 1,5 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 2,9 tỷ đồng và thu nhập khác tăng nhẹ so với cùng kỳ.
Hết 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của Nhiệt điện Hải Phòng tăng nhẹ lên 6.240 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 431 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.
Thủy điện có nhiều thuận lợi nửa cuối năm 2024 Trong các doanh nghiệp ngành điện, Chứng khoán Rồng Việt đánh giá nhóm các công ty thủy điện sẽ có thuận lợi cho kết quả kinh doanh hơn các công ty nhiệt điện than trong nửa cuối năm 2024. Lý do bởi sản lượng thương phẩm của các công ty thủy điện trong chu kỳ La Nina cao hơn chu kỳ El Nino khoảng 10 - 20%. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất của các công ty thủy điện và giá bán điện của các công ty thủy điện là thấp nhất trong các nguồn điện. Cụ thể, chi phí sản xuất điện/kWh các công ty thủy điện đa phần nằm ở mức 400 – 600 đồng/kWh, thấp hơn nhiều so với mức 1.100 – 1.300 đồng/kWh của các công ty nhiệt điện than. Cùng nhận định của Chứng khoán Rồng Việt, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng chỉ ra việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hiện vẫn đang gặp khó khăn tài chính nên thủy điện sẽ được ưu tiên huy động do có giá rẻ nhất hệ thống. Tuy nhiên, thủy điện vẫn chịu tác động mạnh bởi thời tiết và diễn biến sát sao theo biến động thủy văn. |
Phương Thảo
- Sự cân nhắc việc tối ưu hóa quy mô kho dự trữ dầu chiến lược của Hoa Kỳ (Kỳ cuối)
- Sự cân nhắc việc tối ưu hóa quy mô kho dự trữ dầu chiến lược của Hoa Kỳ (Kỳ 8)
- “Nóng” từ nhà máy, đồng ruộng đến nghị trường
- Sự cân nhắc việc tối ưu hóa quy mô kho dự trữ dầu chiến lược của Hoa Kỳ (Kỳ 7)
- Sự cân nhắc việc tối ưu hóa quy mô kho dự trữ dầu chiến lược của Hoa Kỳ (Kỳ 6)