Ai sẽ chiến thắng trên đường đua cạnh tranh giá dầu?

14:00 | 12/12/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Những người buôn dầu xuất xứ từ Nga và Iran đang tăng giá chào bán sang Trung Quốc, sau khi dầu thô của Venezuela tăng do Mỹ đình chỉ lệnh trừng phạt đối với nhà khai thác Nam Mỹ này, các nguồn tin thương mại cho biết.
Liệu OPEC+ còn có thể đẩy giá dầu trong năm sau hay không?Liệu OPEC+ còn có thể đẩy giá dầu trong năm sau hay không?
Những con số về dầu khí đáng chú ý trong tuần (4-10/12)Những con số về dầu khí đáng chú ý trong tuần (4-10/12)
Ai sẽ chiến thắng trên đường đua cạnh tranh giá dầu?
Ảnh minh họa

Việc Washington miễn trừ các lệnh trừng phạt kéo dài sáu tháng đối với Venezuela đã tăng cường tính cạnh tranh đối với dầu nặng của nhà khai thác OPEC này, khiến họ nâng giá và giảm nguồn cung cho người mua hàng đầu là Trung Quốc.

Điều đó đã buộc một số nhà máy lọc dầu độc lập của Trung Quốc, được gọi là “ấm trà”, phải tìm kiếm loại dầu rẻ nhất tiếp theo, đến từ Nga và Iran. Dự kiến nhu cầu của Trung Quốc ​​sẽ phục hồi vào đầu năm 2024 khi Bắc Kinh ban hành hạn ngạch nhập khẩu hằng năm mới.

Điều này có thể giúp tăng doanh thu từ dầu mỏ cho Moscow và Tehran, đồng thời giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt do các nước phương Tây áp đặt nhằm hạn chế nguồn tài trợ cho chương trình hạt nhân của Iran và doanh thu của Nga.

Một thương nhân có trụ sở tại Trung Quốc cho biết: “Iran và Nga đã nắm bắt thời điểm tốt để tăng giá, điều này chắc chắn sẽ giúp họ tăng doanh thu”.

Trong hai tháng, mức chiết khấu đối với dầu thô Venezuela giao sang Trung Quốc đã thu hẹp xuống còn 11 USD/thùng từ mức thấp hơn 20 USD so với giá chuẩn của dầu Brent ICE, làm chậm nhu cầu từ các nhà máy lọc dầu “ấm trà”, trong khi đó các nhà máy lọc dầu Ấn Độ và các nhà kinh doanh quốc tế như Vitol, Gunvor và Trafigura đã tiếp tục mua hàng của Venezuela sau khi nước này được dỡ bỏ lệnh trừng phạt.

Cho đến nay, người ta chỉ thấy một thỏa thuận bán dầu thô Venezuela sang Trung Quốc trong tháng 1, với mức chiết khấu 11 USD/thùng so với dầu Brent, hai nguồn tin thị trường Trung Quốc cho biết. Mức chiết khấu này sâu hơn so với mức chiết khấu 14 USD một tháng trước đó và khoảng 20 USD khi lệnh trừng phạt của Mỹ có hiệu lực.

Củng cố cho dầu Iran và dầu Nga

Venezuela vận chuyển hầu hết các loại dầu chua nặng sang Trung Quốc, bao gồm Merey và Boscan. Theo các thương nhân, hai loại dầu này trung bình rẻ hơn 7 USD/thùng so với dầu thô nhẹ Iran có vị chua trung bình và thấp hơn 10 USD so với dầu thô ESPO ngọt nhẹ của Nga trong năm qua.

“Mọi người chọn dầu thô Venezuela chủ yếu vì giá thấp”, một thương nhân khác ở Trung Quốc cho biết.

“Rất ít nhà máy lọc dầu sẵn sàng trả mức giá cao như vậy cho loại dầu thô chất lượng thấp như vậy”.

Giá dầu Venezuela tăng đã ngăn cản người mua Trung Quốc – vốn đang vật lộn với lợi nhuận thấp và hạn ngạch nhập khẩu dầu thô hạn chế, đẩy họ hướng tới các loại dầu của Nga và Iran.

Theo các thương nhân, các lô hàng dầu ESPO Blend nạp vào tháng 1 được giao dịch ở mức chênh lệch 10-30 cent/thùng so với ICE Brent tại các cảng Trung Quốc – tín hiệu phục hồi sau lần giảm giá đối với các lô hàng nạp vào tháng 12.

Một người bán dầu Nga cho biết: “Nhu cầu của Trung Quốc đã quay trở lại. Họ tích cực yêu cầu ESPO và Urals cũng được xem xét”.

Người bán cho biết chi phí vận chuyển hàng hóa cao trên các tuyến xuyên Thái Bình Dương cũng cải thiện nhu cầu đối với ESPO, loại dầu được xuất khẩu từ cảng Kozmino ở Viễn Đông Nga, cách Trung Quốc một đoạn ngắn.

Các nhà giao dịch cho biết tâm lý lạc quan cũng thúc đẩy nhu cầu và giá dầu Iran. Họ cho biết mức chiết khấu dầu của Iran đã thu hẹp mạnh xuống còn 6 USD/thùng so với dầu Brent ICE, từ mức 13 USD/thùng hai tháng trước.

Yến Anh

Reuters