Xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga giảm 9% trong tháng đầu tiên bị áp giá trần

14:00 | 17/01/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga giảm 266.000 thùng/ngày trong tháng 12 sau khi bắt đầu áp dụng trần giá và lệnh cấm vận của EU.
Nga có thể tăng xuất khẩu dầu thô nếu lệnh cấm từ EU làm giảm sản lượngNga có thể tăng xuất khẩu dầu thô nếu lệnh cấm từ EU làm giảm sản lượng
Doanh thu từ xuất khẩu dầu thô của Iran dự kiến giảm đáng kể vào năm 2023Doanh thu từ xuất khẩu dầu thô của Iran dự kiến giảm đáng kể vào năm 2023
Xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga giảm 9% trong tháng đầu  tiên bị áp giá trần
Ảnh minh họa. http://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Theo dữ liệu Kpler do Anadolu tổng hợp, xuất khẩu dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga đã giảm 9% trong tháng đầu tiên bị áp lệnh cấm vận và giá trần của Liên minh châu Âu (EU), giảm xuống dưới 3 triệu thùng/ngày, cũng là mức thấp nhất trong 15 tháng.

Theo lệnh cấm có hiệu lực ngày 5/12, EU cấm việc nhập khẩu dầu thô bằng đường biển từ Nga cũng như các hoạt động bảo hiểm và tài trợ cho việc vận chuyển dầu của Nga sang các nước thứ ba, đặc biệt là thông qua các tuyến đường biển.

EU, nhóm các quốc gia G7 và Úc đã đồng ý về mức giá trần đối với dầu của Nga ở mức 60 USD/thùng. Để đối phó với việc áp giá trần, ngày 27/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh cấm cung cấp dầu thô và các sản phẩm dầu cho các quốc gia áp dụng giá trần, bắt đầu từ ngày 1/2 trong 5 tháng.

Từ mức 3,05 triệu thùng/ngày trong tháng 11, xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga đã giảm 9% xuống 2,79 triệu thùng/ngày trong tháng 12, tương đương với mức giảm 266.000 thùng/ngày.

Trong tháng 12, Ấn Độ vẫn là nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu của 12 với 1,3 triệu thùng/ngày, còn con số này của Trung Quốc vẫn ổn định ở mức 950.000 thùng/ngày. Hai quốc gia này chiếm 82% xuất khẩu dầu thô hàng ngày của Nga trong tháng trước.

Neil Crosby, nhà phân tích cao cấp tại nhà cung cấp dữ liệu OilX có trụ sở tại London nói với Anadolu rằng Nga đang bán thêm dầu thô được sản xuất ở khu vực Bắc Cực như Varandey và ARCO cho Trung Quốc và Ấn Độ sau khi mất đi các khách hàng thông thường ở Tây Âu.

Nga tăng xuất khẩu dầu thô đến các điểm đến mới ở châu Á

Ngoài Ấn Độ và Trung Quốc, xuất khẩu dầu thô của Nga sang các quốc gia khác ở châu Á, chẳng hạn như Hàn Quốc và Nhật Bản, đang tăng lên, dữ liệu cho thấy.

Trong tháng 12, Hàn Quốc đã nhập khẩu 44.725 thùng dầu thô của Nga bằng đường biển mỗi ngày, tăng gần gấp đôi khối lượng trong tháng 11 là 23.500 thùng/ngày.

Nhật Bản, quốc gia đã không nhập khẩu dầu thô từ Nga kể từ tháng 6/2022, cũng quay lại nhập khẩu 22.600 thùng/ngày trong tháng 12.

Trong khi đó, Ý, một trong những khách hàng mua dầu thô vận chuyển bằng đường biển lớn nhất của Nga ở châu Âu, đã cắt giảm 71% khối lượng xuống còn 34.000 thùng/ngày trong tháng 12 so với tháng trước.

Trong khi đó Hà Lan dừng hẳn việc nhập khẩu dầu Nga trong tháng 12. Vào tháng 11, lượng dầu thô nhập khẩu bằng đường biển của quốc gia này ở mức 102.835 thùng/ngày.

Theo Kpler, vì Bulgaria không tham gia các biện pháp trừng phạt nên lượng dầu chảy đến quốc gia này đã tăng cao trong lịch sử. Bulgaria đã nhập khẩu 160.000 thùng dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga mỗi ngày, trong khi nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ giảm 56% xuống còn 76.500 thùng mỗi ngày trong tháng.

Xuất khẩu của Nga qua Druzhba cũng giảm

Theo OilX, bất chấp các lệnh trừng phạt đối với Nga, xuất khẩu dầu thô của nước này vẫn duy trì rất tốt cho đến tháng 12.

"Nhưng sau đó chúng tôi nhận thấy khối lượng xuất khẩu giảm khoảng 400.000 mỗi ngày", Neil Crosby, nhà phân tích cấp cao của OilX, cho biết.

"Khi chúng ta bước sang quý đầu tiên của năm 2023, chúng tôi dự đoán chặng Druzhba phía bắc tới Ba Lan và Đức sẽ giảm sâu hơn nữa".

Đường ống Druzhba, còn được gọi là Đường ống Hữu nghị, là tuyến đường chính vận chuyển dầu từ Đông Âu của Nga đến Ukraine, Belarus, Ba Lan, Hungary, Slovakia, Cộng hòa Séc, Áo và Đức.

Đức và Ba Lan cam kết ngừng nhập khẩu dầu thông qua đường ống này bắt đầu từ ngày 1/1.

Theo nghiên cứu mới của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA), lệnh cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga và áp trần giá dầu của EU có thể khiến Nga thiệt hại 160 triệu Euro (171,7 triệu USD) mỗi ngày.

Khi lệnh cấm nhập khẩu dầu tinh chế của EU và việc gia hạn giá trần đối với các sản phẩm dầu tinh chế có hiệu lực từ ngày 5/2, ước tính Nga sẽ mất thêm 120 triệu Euro mỗi ngày.

Đỗ Khánh

kinhtexaydung.petrotimes.vn

vietinbank
ajinomoto