Ván cược sai lầm của Silicon Valley Bank

09:50 | 13/03/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) không phải do các vấn đề về tín dụng mà là sự phân bổ không hợp lý giữa tài sản và nợ phải trả, thứ đã chôn vùi nhiều quỹ tiết kiệm vào những năm 1970.
Thị trường chứng khoán thế giới ngày 11/3: Ngân hàng SVB sụp đổ, Dow Jones Thị trường chứng khoán thế giới ngày 11/3: Ngân hàng SVB sụp đổ, Dow Jones "bay" hơn 300 điểm
Ván cược sai lầm của Silicon Valley Bank
(Ảnh minh họa) https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Các nhà quản lý tại California đã tiếp quản SVB, có công ty mẹ là SVB Financial (SIVB) có trụ sở tại Santa Clara, vào thứ Sáu sau khi các khách hàng rút tiền gửi hàng loạt. Đây là vụ phá sản ngân hàng lớn nhất kể từ Washington Mutual năm 2008.

SVB, nơi phục vụ cho các công ty khởi nghiệp công nghệ và cộng đồng đầu tư mạo hiểm, đã ghi nhận một lượng lớn tiền gửi từ năm 2020 đến đầu năm 2022. Số lượng tiền gửi đạt 198 tỷ USD vào ngày 31/3/2022, tăng từ 74 tỷ USD vào tháng 6/2020.

Với lượng tiền gửi lớn, SVB đã quyết định đưa phần lớn số tiền này vào trái phiếu, chủ yếu là chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp của cơ quan liên bang. Những khoản đầu tư này có rủi ro tín dụng thấp nhưng rủi ro lãi suất khá lớn.

Sai lầm của SVB là đầu tư vào chứng khoán thế chấp dài hạn với thời gian đáo hạn hơn 10 năm, thay vì Trái phiếu Kho bạc có kỳ hạn ngắn hơn hoặc các khoản thế chấp đáo hạn trong vòng chưa đầy 5 năm. Điều này dẫn đến sự phân bổ không phù hợp giữa tài sản và nợ.

Khi lãi suất tăng mạnh và thị trường trái phiếu sụp đổ vào năm 2022 (giá trái phiếu biến động ngược chiều với lợi suất), danh mục đầu tư trái phiếu của SVB đã bị ảnh hưởng nặng nề. Vào cuối năm 2022, SVB nắm giữ 117 tỷ USD chứng khoán, chiếm phần lớn trong tổng tài sản 211 tỷ USD của ngân hàng này.

Các trái phiếu này đã bị lỗ nặng vào cuối năm 2022, sau khi khoảng 91 tỷ USD trong danh mục đầu tư trái phiếu, được phân loại là chứng khoán “giữ đến ngày đáo hạn” cho mục đích kế toán, giờ có giá trị chỉ 76 tỷ USD.

Khoản lỗ 15 tỷ USD lớn hơn rất nhiều so với khoản lỗ chỉ 1 tỷ USD vào cuối năm 2021, trước khi giá trái phiếu giảm. Lợi suất của danh mục đầu tư đó trung bình chỉ là 1,6%, so với lợi suất của chứng khoán thế chấp hiện tại là khoảng 5%.

Mặc dù khoản lỗ đó là có thật nhưng SVB không cần phải hiện thực hóa chúng vì các quy tắc kế toán cho phép chứng khoán giữ đến ngày đáo hạn được giữ nguyên giá gốc. Khoản lỗ đối với những trái phiếu đó sẽ xóa sạch gần như toàn bộ vốn chủ sở hữu trị giá 16 tỷ USD của ngân hàng vào cuối năm 2022.

Trong khi SVB đang chịu một khoản lỗ lớn, các nhà đầu tư và nhà phân tích ít chú ý đến nó - cho đến cuối tuần trước. Quan điểm dường như là ngân hàng sẽ vượt qua cơn bão và danh mục đầu tư trái phiếu sẽ dần đáo hạn và các khoản lỗ sẽ tan biến.

Trên thực tế, Giám đốc điều hành của SVB, Greg Becker đã xuất hiện tại một hội nghị của Morgan Stanley vào ngày 7/3 và không nhận được câu hỏi nào về bảng cân đối kế toán, tiền gửi hoặc danh mục đầu tư chứng khoán của ngân hàng. Ông ấy đã được hỏi về nhiều thứ khác - tiền điện tử, đầu tư mạo hiểm, thị trường IPO và “nền kinh tế đổi mới”. Câu hỏi cuối cùng là làm thế nào để “xả stress”.

Ngân hàng đã bị ảnh hưởng - giống như cách mà các quỹ tiết kiệm đã trải qua trong những năm 1970 - bởi vì danh mục đầu tư chứng khoán thế chấp mất đi hiệu quả khi lãi suất tăng.

SVB đã giải quyết vấn đề bằng cách dựa vào tiền gửi của tổ chức, với phần lớn tiền gửi của ngân hàng bao gồm các tài khoản hơn 250.000 USD. Điều này khiến nó dễ bị tổn thương hơn khi khách hàng rút tiền hàng loạt.

Hơn thế nữa, tiền gửi tại ngân hàng này đã giảm xuống còn 173 tỷ USD vào cuối năm, từ mức 198 tỷ USD vào tháng 3/2022.

Kế hoạch bất thành

Mọi chuyện sau đó xảy ra khá nhanh chóng. Vào thứ Tư, ngân hàng đã công bố các động thái bán khoảng 21 tỷ USD trái phiếu kho bạc và trái phiếu được chính phủ bảo lạnh được phân loại là sẵn sàng để bán cho mục đích kế toán, ghi nhận khoản lỗ 1,8 tỷ USD và huy động vốn 2,25 tỷ USD.

Kế hoạch không thành công khi những người gửi tiền đổ xô rút tiền của họ. Cổ phiếu SVB đã giảm 60% xuống còn 106,04 USD vào thứ Năm và không mở cửa giao dịch vào thứ Sáu. Có thể không có nhiều giá trị có thể thu hồi cho các cổ đông.

Sổ cho vay của SVB có vẻ tốt, với khoản lỗ chỉ 0,15% trên danh mục đầu tư trị giá 74 tỷ USD trong quý 4.

Sự việc tại SVB là bất thường vì mức độ thua lỗ trái phiếu trên với vốn cơ sở của nó, so với các ngân hàng lớn nhất và các ngân hàng khu vực.

Khoản lỗ bị che giấu

Sự sụp đổ của ngân hàng này có thể khiến các cơ quan quản lý xem xét việc hạch toán danh mục đầu tư trái phiếu ngân hàng cho phép các ngân hàng che giấu các khoản lỗ một cách hiệu quả bằng cách phân loại chúng là “giữ đến ngày đáo hạn”. Loại trái phiếu còn lại, được gọi là “sẵn sàng để bán”, cần được điều chỉnh theo giá trị thị trường.

Robert Willens, một chuyên gia về thuế ở New York, đã viết trong một email đến Barron's rằng cách phân loại chứng khoán này và cách xử lý kế toán khác nhau đối với từng loại luôn có một chút vấn đề và chắc chắn có thể bị thao túng để có lợi cho ngân hàng khi họ cảm thấy cần thiết.

Thật vậy, vào năm 2022, các ngân hàng đã gấp rút phân loại lại trái phiếu của họ là “giữ đến ngày đáo hạn” để tránh ghi nhận một phần lớn khoản lỗ mà FDIC ước tính là 600 tỷ USD trong toàn ngành.

Đã có suy đoán rằng SVB đã lọt vào tầm ngắm của một số nhà đầu tư cho việc mua lại. Vì thế, khoản lỗ lớn này trong bảng cân đối kế toán của SVB có thể khiến việc bán ngân hàng trở nên phức tạp hơn vì người mua có lẽ sẽ phải tái cấp vốn cho ngân hàng.

JPMorgan Chase, ngân hàng hàng đầu của Mỹ, là một người mua tiềm năng, nhưng điều đó dường như khó xảy ra.

JPMorgan và các ngân hàng lớn khác không cần tiền gửi của SVB và có thể không muốn tiếp nhận danh mục cho vay từ nhà băng này. Mặt khác, JPMorgan có thể chọn lựa một số nhóm làm việc hiệu quả nhất tại SVB. Trong khi đó, các ngân hàng khu vực có thể bị thu hút hơn bởi sự hiện diện của SVB ở Thung lũng Silicon và các mối quan hệ nó có với cộng đồng doanh nghiệp công nghệ.

Hơn nữa, Giám đốc điều hành JPMorgan Jamie Dimon đã thề sẽ không giúp đỡ các cơ quan quản lý bằng cách tiếp quản một tổ chức thất bại sau trách nhiệm pháp lý mà ngân hàng phải chịu, chủ yếu đối với các hoạt động liên quan đến thế chấp, sau khi mua Bear Stearns và tiếp quản Washington Mutual trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Đỗ Khánh