TS. Dư Văn Toán: Tiềm năng và thách thức của điện rác tại Việt Nam

07:54 | 23/03/2025

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Hiện nay, các nhà máy điện rác tại Việt Nam đang mở ra một bước tiến mới trong ngành năng lượng mới, góp phần giải quyết vấn đề rác thải đô thị. Tuy nhiên, theo TS. Dư Văn Toán, việc phát triển điện rác không thể tách rời khỏi quy trình phân loại rác tại nguồn, một yếu tố quan trọng đảm bảo hiệu quả hoạt động và giảm thiểu nguy cơ đối với môi trường.

Tiềm năng và thách thức của điện rác

Việt Nam hiện đang trong quá trình chuyển mình mạnh mẽ về năng lượng mới. Điện rác, hay còn gọi là điện từ chất thải rắn, là một trong những lĩnh vực nhận được sự quan tâm lớn từ chính phủ và các doanh nghiệp. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Việt Nam có 15 nhà máy đốt rác phát điện, trong đó ba nhà máy đã chính thức vận hành và hòa vào lưới điện quốc gia. Các nhà máy này có công suất xử lý từ 180 tấn đến 4.000 tấn rác mỗi ngày, với công suất phát điện dao động từ 5 MW đến 75 MW.

Điển hình như nhà máy điện rác Sóc Sơn, khi đi vào hoạt động đầy đủ, có khả năng xử lý 4.000 tấn rác/ngày và phát ra 75 MW điện; Nhà máy xử lý chất thải rắn Cần Thơ của Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB (Cần Thơ) công suất 400 tấn/ngày tại Thành phố Cần Thơ; Nhà máy điện rác (rác sinh hoạt) ở Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh công suất 300 tấn/ngày, đang vận hành thử nghiệm;Nhà máy điện rác Phú Sơn (Thừa Thiên Huế) công suất 600 tấn/ngày đang vận hành thử nghiệm... Đến tháng 6/2024 có 23 dự án điện sinh khối và điện chất thải rắn nếu đi vào vận hành có thể tạo ra hơn 523 MW điện.

TS. Dư Văn Toán: Tiềm năng và thách thức của điện rác tại Việt Nam
Khi đi vào hoạt động đúng công suất, nhà máy điện rác Sóc Sơn sẽ xử lý đốt rác với công suất xử lý 4.000 tấn/ngày và đêm.

Ngoài ra, các tỉnh như Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa... cũng đang đẩy mạnh triển khai các nhà máy mới với nhiều chính sách ưu đãi để giúp giảm thiểu lượng rác thải sinh hoạt và góp phần cung cấp năng lượng sạch cho hệ thống điện quốc gia. Điều này đặc biệt quan trọng khi Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt nguồn năng lượng và yêu cầu chuyển đổi năng lượng xanh để bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, các chính sách mới như Luật Điện lực 2024 và các thông tư liên quan như Thông tư 20/2024/TT-BCT đang góp phần thúc đẩy đầu tư và phát triển các dự án điện sinh khối, điện rác... cùng cơ chế giá mua điện ưu đãi kéo dài 20 năm.

Tuy nhiên, theo TS. Dư Văn Toán việc phát triển điện rác cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về môi trường cần giải quyết. Như Dioxin và Furan là những chất cực kỳ độc hại được sinh ra trong quá trình đốt cháy rác, đặc biệt là rác thải chứa nhựa. Dioxin và Furan có thể tích lũy trong cơ thể sinh vật và gây ra các bệnh nghiêm trọng như ung thư, rối loạn nội tiết, và suy giảm miễn dịch.

Hay NOx và SOx là các khí gây ô nhiễm không khí, đồng thời còn là nguyên nhân gây ra hiện tượng mưa axit. Chúng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, đặc biệt là các vấn đề về hô hấp và tim mạch. Và bụi mịn là một trong những yếu tố chính gây ô nhiễm không khí. Những hạt bụi siêu nhỏ này có thể xâm nhập vào phổi, gây ra các bệnh hô hấp và tim mạch, đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em và người cao tuổi.

Để giảm thiểu các nguy cơ này, TS. Dư Văn Toán nhấn mạnh rằng việc phân loại rác ngay từ nguồn là rất quan trọng. Khi rác được phân loại đúng cách, việc xử lý và đốt rác sẽ dễ dàng hơn và ít gây hại cho môi trường.

Chính sách và quy định phân loại rác

Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn là một trong những giải pháp quan trọng giúp bảo vệ môi trường và giảm áp lực lên khâu xử lý rác thải. Việc phân loại đúng cách giúp tối ưu hóa quy trình tái chế và xử lý, qua đó tận dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn tài nguyên. Tuy nhiên, tại Việt Nam, thực trạng phân loại rác thải tại nguồn vẫn còn nhiều bất cập.

Theo thống kê, hiện mỗi ngày trên cả nước phát sinh khoảng 67.110 tấn chất thải rắn sinh hoạt, đòi hỏi chi phí thu gom và xử lý rất lớn, lên đến 3,35 triệu USD/ngày. Tuy vậy, chỉ có khoảng 16% lượng rác được chế biến thành phân compost và 19% được xử lý bằng phương pháp đốt hoặc tái chế, còn lại phần lớn vẫn phải chôn lấp. Thực trạng này không chỉ gây lãng phí tài nguyên mà còn làm gia tăng ô nhiễm môi trường.

TS. Dư Văn Toán: Tiềm năng và thách thức của điện rác tại Việt Nam
TS. Dư Văn Toán - Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo (Bộ Nông nghiệp và Môi trường).

Để tận dụng nguồn tài nguyên rác và hạn chế ô nhiễm môi trường, nhiều quy định pháp luật đã được ban hành, trong đó có việc phân loại rác tại nguồn. Đơn cử như, Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định từ ngày 1/1/2025, mọi cá nhân và hộ gia đình bắt buộc phải phân loại rác thải tại nguồn.

Nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện việc phân loại rác tại nguồn, Thông tư 35/2024/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định, từ ngày 3/2/2025, các đơn vị thu gom rác sẽ được phép từ chối tiếp nhận chất thải không được phân loại hoặc sử dụng các bao bì không phù hợp.

Theo TS. Dư Văn Toán, đây là bước tiến quan trọng nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cá nhân, cũng như các tổ chức trong việc quản lý, xử lý rác thải. Đồng thời, nếu thực hiện tốt việc phân loại rác tại nguồn thì việc xử lý và đốt rác tại các nhà máy điện rác sẽ dễ dàng hơn và ít gây hại cho môi trường.

Bên cạnh đó, TS. Dư Văn Toán cũng nêu kinh nghiệm về các quy định về phân loại rác tại một số nước trên thế giới như Hàn Quốc và Nhật Bản đã thành công trong việc quản lý và phân loại rác thải.

Hàn Quốc là một trong những quốc gia đi đầu trong việc quản lý rác thải. Từ năm 1995, chính phủ Hàn Quốc đã triển khai hệ thống phân loại rác bắt buộc, với ba loại túi rác dành cho các loại rác khác nhau: rác thông thường, rác tiêu hủy, và rác thực phẩm. Mỗi túi rác có giá từ 0.12 đến 1 USD, và rác cồng kềnh phải đóng phí từ 10 đến 20 USD. Các hành vi vi phạm quy định phân loại rác sẽ bị xử phạt lên đến 100.000 won (khoảng 2 triệu VND). Nhờ hệ thống này, tỷ lệ tái chế rác của Hàn Quốc đạt từ 60% đến 70%.

Trong khi đó, Nhật Bản đã chú trọng giáo dục môi trường ngay từ cấp tiểu học. Học sinh được dạy về các loại rác và cách phân loại chúng. Mỗi đơn vị hành chính ở Nhật Bản có hệ thống phân loại rác riêng, với một số nơi phân loại lên đến 14 loại. Người dân phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định này, và nếu vi phạm, rác sẽ bị trả về và người vi phạm sẽ bị xử phạt.

Điện rác là một giải pháp hữu hiệu trong việc xử lý rác thải sinh hoạt và cung cấp năng lượng mới. Tuy nhiên, để đảm bảo phát triển bền vững, theo TS. Dư Văn Toán việc phân loại rác từ nguồn là điều kiện tiên quyết. Nếu không thực hiện đúng các quy định về phân loại, không chỉ gây nguy hại cho sức khỏe con người mà còn làm giảm hiệu quả của các nhà máy điện rác. Chính vì vậy, mỗi cá nhân và cộng đồng cần nâng cao ý thức trong việc phân loại và xử lý rác thải, đồng thời các cơ quan chức năng cần có biện pháp giám sát và xử lý nghiêm minh để bảo vệ môi trường sống và sức khỏe cộng đồng.

Đình Khương