Tổng dư nợ công ty tài chính đạt hơn 220 nghìn tỷ đồng

14:00 | 25/04/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, tính đến 31/12/2022, tổng dư nợ 16 công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép đạt trên 220 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,87% so tổng dư nợ toàn nền kinh tế và 8,5% dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống.
7/10 công ty tài chính đã bị cơ quan chức năng kiểm tra7/10 công ty tài chính đã bị cơ quan chức năng kiểm tra
Những ngân hàng, tổ chức tín dụng nào bị cáo buộc thuê công ty đòi nợ?Những ngân hàng, tổ chức tín dụng nào bị cáo buộc thuê công ty đòi nợ?

Phát biểu khai mạc tọa đàm "Thực trạng và giải pháp phát triển lành mạnh thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam", TS Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư cho biết, thị trường tài chính tiêu dùng có vai trò và tiềm năng to lớn đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, song hành với sự tăng trưởng “nóng”, thị trường này cũng đang bộc lộ nhiều vấn đề bất ổn. Nhiều doanh nghiệp không được cấp phép, nhưng vẫn tiến hành hoạt động cho vay; không ít doanh nghiệp tự áp đặt lãi suất và phí vay cao trái quy định. Đặc biệt, tình trạng đòi nợ thuê núp bóng công ty luật, công ty mua bán nợ với các hình thức “khủng bố” người vay và người thân của người vay tiền, cưỡng đoạt tài sản, gây bức xúc, hoang mang trong nhân dân, tác động lớn đến trật tự, an toàn xã hội.

Tổng dư nợ công ty tài chính đạt hơn 220 nghìn tỷ đồng
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đến nay mới có 16 công ty tài chính (CTTC) được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động cho vay tiêu dùng cho đối tượng chủ yếu là những người yếu thế, thu nhập không ổn định, khó tiếp cận được vốn vay từ các ngân hàng thương mại nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu cần thiết cho nhu cầu sinh hoạt.

Đến ngày 31/12/2022 tổng dư nợ 16 công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép đạt trên 220 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,87% so tổng dư nợ toàn nền kinh tế và 8,5% dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống. Mặc dù chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng dư nợ nền kinh tế và dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống song đã hỗ trợ được khoảng 30 triệu người tiếp cận được vốn vay với dư nợ bình quân khoảng 35-50 triệu đồng/người.

Ông Lê Quốc Ninh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, hiện nay CTTC tiêu dùng bị hạn chế rất nhiều nghiệp vụ (nhận tiền gửi cá nhân, làm dịch vụ thanh toán…). CTTC chỉ được phép huy động từ tiền gửi trên 12 tháng của doanh nghiệp trong khi các doanh nghiệp thường có xu hướng gửi tiền ở các ngân hàng để hưởng thêm các dịch vụ tài chính đi kèm. Vì vậy, để thu hút được tiền gửi của doanh nghiệp, các CTTC phải huy động với lãi suất cao, từ đó ảnh hưởng đến lãi suất cho vay mà người vay phải chịu.

Đáng chú ý, theo ông Ninh, tỷ lệ khách vay "không trả nợ" ngày càng cao; trong khi đó, chế tài với khách hàng này chưa có và việc khởi kiện lại khó thực hiện với các khoản nợ giá trị thấp. Thêm vào đó, gần đây xảy ra hiện tượng "rủ nhau" bùng nợ từ một bộ phận khách hàng sau những thông tin cơ quan điều tra khởi tố một số đối tượng đòi nợ "khủng bố", đòi nợ phản cảm nở rộ, gây những tác động xấu tới thị trường, ảnh hưởng lớn đến hoạt động thu nợ của các CTTC. Đến 31/12/2022, nợ xấu của các CTTC được Ngân hàng Nhà nước cấp phép tăng 23,09% so với thời điểm 31/12/2021 và có xu hướng tăng cao trong thời gian tới.

Việc khách hàng chậm trả nợ khiến cho các CTTC tiêu dùng phải tăng chi phí cho hoạt động nhắc nợ, đòi nợ bao gồm vận hành, nhân lực và chi phí pháp lý. Ngoài ra, theo quy định của cơ quan quản lý, các tổ chức cho vay bắt buộc phải trích lập dự phòng theo tình hình nợ xấu thực tế, làm ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng kinh doanh. Hậu quả là lãi suất cho vay bắt buộc phải được điều chỉnh tăng, tác động trực tiếp đến người đi vay.

“Với các khó khăn, vướng mắc nêu trên, đến hết quý I năm 2023, tốc độ tăng trưởng dư nợ so với tháng 12/2022 bị giảm (-3,8%), nợ xấu tăng cao và có nguy cơ ngày càng tăng”, ông Ninh nhấn mạnh.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (t/h)