Tin ngân hàng ngày 25/4: VPBank đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý I gần 4,2 nghìn tỷ đồng

09:00 | 25/04/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng xin từ nhiệm; Doanh thu giảm, ngân hàng siết lại hoạt động bán bảo hiểm; Agribank rao bán khoản nợ của Công ty Xăng dầu Hải Hạnh… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 24/4: MSB thông tin về việc khách hàng bị mất tiền gửiTin ngân hàng ngày 24/4: MSB thông tin về việc khách hàng bị mất tiền gửi
Tin ngân hàng ngày 23/4: Techcombank báo lãi 7.802 tỷ đồng trong quý ITin ngân hàng ngày 23/4: Techcombank báo lãi 7.802 tỷ đồng trong quý I

VPBank đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý I gần 4,2 nghìn tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024. Theo đó, kết thúc quý I, tín dụng hợp nhất của VPBank tăng 2,1% so với đầu năm - cao hơn mức trung bình ngành (1,3%), và tăng gần 22% so với cùng kỳ, đạt gần 613 nghìn tỷ đồng. Trong đó, phân khúc SME tăng gần 14%, nhờ đẩy mạnh chiến lược thu hút khách hàng mới và số hóa quy trình cho vay nâng cao trải nghiệm cho khách hàng.

Tin ngân hàng ngày 25/4: VPBank đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý I gần 4,2 nghìn tỷ đồng
Ảnh minh họa

Phân khúc Khách hàng cá nhân (KHCN), tiếp tục phát huy thế mạnh truyền thống với dư nợ cho vay đạt trên 240 nghìn tỷ đồng, trong đó các sản phẩm cho vay kinh doanh và thẻ tín dụng, tăng lần lượt 3,4% và 4% so với đầu năm. Đáng chú ý, phân khúc cho vay mua nhà phố ghi nhận tăng trưởng 5%, chiếm tỷ trọng 51% trên tổng quy mô cho vay mua nhà, phát đi tín hiệu ấm dần của thị trường bất động sản.

Cùng với tăng trưởng quy mô tín dụng, huy động vốn từ khách hàng và giấy tờ có giá của ngân hàng hợp nhất tăng 2,4% so với cuối năm 2023 và tăng hơn 21% so với cùng kỳ, góp phần củng cố hiệu quả bảng cân đối. Nền tảng vốn vững chắc bồi đắp trong năm 2023 cùng thanh khoản dồi dào đã và đang góp phần tối ưu chi phí vốn (CoF) của VPBank qua từng quý. Tại thời điểm 31/3, chi phí vốn của ngân hàng hợp nhất giảm xuống dưới 5% so với trung bình trên 6% của quý 4 và cả năm 2023, định hình xu hướng giảm dần qua từng quý.

Trong quý đầu năm 2024, VPBank ghi nhận LNTT hợp nhất đạt gần 4,2 nghìn tỷ đồng, tăng gần 66% so với quý liền trước và 64% so với cùng kỳ. Riêng tại ngân hàng mẹ, LNTT của quý 1 đạt hơn 4,9 nghìn tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với quý 4/2023, với tổng thu nhập hoạt động tăng 15% và thu nhập lãi thuần tăng 25% so với cùng kỳ.

Tính gộp lợi nhuận ngân hàng mẹ với VPBankS và OPES, VPBank thu về gần 5.200 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 2 lần so với quý cuối năm 2023.

Tại FE Credit, tiếp nối hoạt động tái cấu trúc từ năm 2023, cánh tay tài chính tiêu dùng đẩy mạnh lợi thế từ chiến lược mô hình tập đoàn, tập trung quản trị danh mục, hướng tới tự động hóa nhằm giảm thiểu chi phí vận hành và tăng năng suất hoạt động. Kết quả là doanh số giải ngân của công ty liên tục được cải thiện, với quý đầu năm tăng 29% so với trung bình năm 2023.

Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng xin từ nhiệm

Ngân hàng TMCP Phương Đông (HOSE: OCB) vừa công bố thông tin về việc ông Nguyễn Đình Tùng gửi đơn từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc.

Gia nhập vào OCB từ tháng 4/2012 và chính thức đảm nhận vị trí Tổng giám đốc từ tháng 8/2012, cùng với Hội đồng quản trị, ông Nguyễn Đình Tùng đã dẫn dắt và đưa OCB từ một ngân hàng nhỏ trở thành ngân hàng tư nhân trong nhóm hoạt động hiệu quả hàng đầu tại Việt Nam hiện nay.

Trong thư từ nhiệm gửi tới Hội đồng quản trị (HĐQT), ông Nguyễn Đình Tùng bày tỏ sự trân trọng đối với HĐQT đã tin tưởng, cũng như sự gắn kết của toàn thể đội ngũ CBNV ngân hàng trên toàn hệ thống. Ông cũng cam kết sẽ tiếp tục đóng góp và đồng hành với OCB trong vai trò Thành viên Hội đồng quản trị, để triển khai chiến lược phát triển bền vững, đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển mạng lưới đối tác lớn.

Được biết, việc bầu cử ông Nguyễn Đình Tùng vào HĐQT từ tháng 4/2023 nằm trong kế hoạch bổ sung nguồn lực lãnh đạo của OCB, nhằm chuẩn bị và thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc triển khai các kế hoạch chiến lược của ngân hàng.

Ban lãnh đạo OCB cũng kỳ vọng với việc sắp xếp ông Nguyễn Đình Tùng làm thành viên thường trực trong Hội đồng quản trị, Ban điều hành được bổ sung nguồn lực mới trong thời gian tới, ngân hàng sẽ đạt được những mục tiêu đã đề ra.

Trong ngày 24/4, OCB cũng công bố báo cáo tài chính quý I/2024 với kết quả kinh doanh tích cực, hầu hết các mảng kinh doanh cốt lõi đều tăng trưởng tốt. Dư nợ thị trường 1 đạt 153.199 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cuối năm 2023; Tổng thu thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 2.287 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ, trong đó thu thuần từ lãi đạt 1.901 tỷ tăng 8,6% và thu thuần ngoài lãi đạt 386 tỷ tăng 13,8%. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 1.214 tỷ đồng tăng 23% so với quý I/2023.

Doanh thu giảm, ngân hàng siết lại hoạt động bán bảo hiểm

Mới đây, nhiều lãnh đạo ngân hàng cho biết, doanh thu từ dịch vụ đại lý bảo hiểm chưa hồi phục. Mảng bảo hiểm - vốn là “át chủ bài” trong thu dịch vụ của nhiều ngân hàng - vẫn chưa có sự khởi sắc. Năm nay, nhiều ngân hàng không đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu bán chéo bảo hiểm.

Theo lãnh đạo ACB, mảng bảo hiểm sẽ tiếp tục khó khăn trong năm nay. Để đối phó với việc doanh thu từ bảo hiểm sụt giảm, lãnh đạo ngân hàng này cho hay, sẽ tìm cách đẩy mạnh doanh thu từ các mảng khác như kinh doanh ngoại tệ, thanh toán quốc tế… để hoàn thành mục tiêu lợi nhuận.

“Năm qua, doanh thu bảo hiểm của ACB sụt giảm nhẹ so với các năm trước. Năm nay, ACB đặt mục tiêu doanh thu tương tự năm ngoái, không đặt mục tiêu tăng trưởng về bancassurance. Tuy nhiên, tôi cho rằng, các quy định chặt chẽ hơn trong luật mới sẽ giúp thị trường minh bạch, lành mạnh hơn, qua đó giúp mảng này phát triển hơn trong thời gian tới”, ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB cho biết.

Cú sốc của ngành bảo hiểm năm ngoái khiến doanh thu từ bán chéo bảo hiểm của một loạt ngân hàng giảm mạnh. Cụ thể, doanh thu kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm của MB giảm 20%, doanh thu từ dịch vụ đại lý bảo hiểm của SeABank còn giảm tới 73%. Tương tự, thu nhập từ hoa hồng bảo hiểm của VIB giảm 32%, doanh thu từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm của Techcombank giảm tới 62%...

Theo các chuyên gia kinh tế, quy định các ngân hàng không được bán bảo hiểm “bia kèm lạc” sẽ tác động trực tiếp đến doanh thu bancassurance của các ngân hàng. Không loại trừ năm nay doanh thu mảng này của các ngân hàng tiếp tục sụt giảm (chủ yếu là đối với sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc).

Để hồi phục mảng kinh doanh này, nhiều ngân hàng đang ra sức chấn chỉnh quy trình và công tác bán chéo bảo hiểm. Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB cho hay, bancassurance là hoạt động phức tạp về mặt nghiệp vụ, hợp đồng bảo hiểm. Việc quản trị hoạt động này đòi hỏi chuyên môn mức độ cao của cả 2 ngành nghề kinh doanh có điều kiện là ngân hàng và bảo hiểm nhân thọ. Ưu tiên hàng đầu của VIB là không để xảy ra các lùm xùm liên quan đến bán chéo bảo hiểm.

“VIB đang tập trung huấn luyện, đào tạo để các cán bộ kinh doanh và các cấp quản lý nắm rõ các yêu cầu của pháp luật, quy trình, hoạt động bancassurance. VIB không bán bảo hiểm bằng mọi giá”, lãnh đạo ngân hàng này khẳng định.

Agribank rao bán khoản nợ của Công ty Xăng dầu Hải Hạnh

Ngân hàng Agribank đang lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo của khách hàng là Công ty TNHH Xăng dầu Hải Hạnh, giá khởi điểm 42,498 tỷ đồng.

Tin ngân hàng ngày 25/4: VPBank đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý I gần 4,2 nghìn tỷ đồng
Ảnh minh họa

Khoản nợ của Công ty Xăng dầu Hải Hạnh được hình thành từ hai hợp đồng tín dụng ký kết giữa doanh nghiệp và Agribank Chi nhánh Quốc Oai (Hà Nội) vào năm 2020 và 2022.

Agribank không thông báo cụ thể về giá trị khoản nợ cũng như thông tin về tài sản đảm bảo cho khoản nợ trên. Công ty TNHH Xăng dầu Hải Hạnh đăng ký địa chỉ tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Trước đó, Agribank cũng rao bán các khoản của Công ty TNHH Thương mại Xăng dầu Đại Việt (trụ sở 110 phố Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Khoản nợ của Xăng dầu Đại Việt được rao bán với giá khởi điểm 54 tỷ đồng. Mức giá khởi điểm vẫn không thay đổi sau hai lần ngân hàng thông báo bán đấu giá.

Đây là khoản nợ vay từ năm 2018 và đã được đưa vào nợ nhóm 5. Tài sản đảm bảo cho khoản nợ là ngôi nhà phố cổ Hà Nội tại địa chỉ số 19 phố Hàng Chiếu, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, diện tích 160m2.

Một số ngân hàng thương mại khác cũng đang tìm cách bán đi những khoản nợ xấu của loạt doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu.

Ngân hàng VietinBank cũng đang làm thủ tục để bán đấu giá tài sản đối với các tài sản đảm bảo cho khoản vay của Công ty TNHH MTV Dầu khí Bông Sen Vàng (Dầu khí Bông Sen Vàng) tại VietinBank Sa Đéc.

Các tài sản của Dầu khí Bông Sen Vàng được đấu giá gồm 9 bất động sản tại Vĩnh Long và Cần Thơ. Tổng mức giá khởi điểm cho các tài sản đảm bảo này lên đến 95 tỷ đồng.

Đặc biệt, sau hàng loạt sai phạm xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (Xuyên Việt Oil), nhiều ngân hàng thông báo bán đấu giá các tài sản đảm bảo tại công ty này.

Xuyên Việt Oil đang có các khoản nợ tại một số ngân hàng thương mại, tổng dư nợ khoảng 5.500 tỷ đồng.

Xuyên Việt Oil còn có các khoản vay tại hai ngân hàng thuộc nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, một khoản 815 tỷ đồng đã được đưa vào diện nợ xấu và một khoản gần 78 tỷ đồng còn bị đưa vào diện nợ có khả năng mất vốn.

Huy Tùng (T/h)

vietinbank
thaco