Tọa đàm "Tài chính vi mô: Cơ hội vươn lên cho người nghèo và doanh nghiệp siêu nhỏ"
Được sự chỉ đạo của Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển Kinh tế, Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển cùng Trung tâm Phát triển doanh nghiệp nông thôn Việt (VietED) tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề "Tài chính vi mô: Cơ hội vươn lên cho người nghèo và doanh nghiệp siêu nhỏ" vào sáng ngày 29/11/2024, tại tầng 18 Hội trường Diên Hồng, Eurowindow Office Building (số 2 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội). Đơn vị phối hợp của toạ đàm là Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD).
Tọa đàm sẽ là diễn đàn mở để các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia và doanh nghiệp cùng thảo luận về vai trò của tài chính vi mô trong việc hỗ trợ người nghèo và doanh nghiệp siêu nhỏ tiếp cận nguồn vốn.
Đồng thời, sự kiện tập trung vào những thách thức trong quản lý tài chính vi mô và giải pháp phù hợp với Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia cũng như các điều chỉnh mới của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.
Trong khuôn khổ tọa đàm, các tham luận nổi bật sẽ làm sáng tỏ những vấn đề quan trọng trong lĩnh vực tài chính vi mô, bao gồm những chủ đề về Tài chính vi mô trong chiến lược Tài chính toàn diện; Tài chính vi mô giúp giảm nghèo và phát triển kinh tế bền vững; Khó khăn và thách thức của các tổ chức tài chính vi mô...
Đặc biệt, tọa đàm sẽ có một phiên thảo luận chung với sự tham gia của các chuyên gia, diễn giả đến từ các đơn vị như: GS.TS Đào Văn Hùng, Nguyên Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; PGS.TS Lê Văn Luyện, Nguyên Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng, Thành viên Hội đồng Học viện Ngân hàng nhiệm kỳ 2020-2025; TS. Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; TS. Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo Kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, Nguyên Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; TS. Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia Kinh tế, Nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội; Ông Hoàng Văn Thành, Bí thư Đảng ủy Bộ phận Tổ chức TCVM CEP, Chủ tịch Hội đồng thành viên tổ chức TCVM CEP; Bà Phạm Thị Thùy Linh, Tổng Giám đốc tổ chức Tài chính vi mô TNHH MTV Tình Thương (TYM); ThS, Luật sư Vũ Quốc Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ VietED, Chương trình TCVM VietED; Bà Trần Thuý Linh, Giám đốc điều hành Chương trình TCVM, tổ chức World Vision International, Văn phòng đại diện tại Việt Nam...
Phiên thảo luận sẽ tập trung vào các nội dung quan trọng như: Thảo luận về dự thảo nghị định mới và những thay đổi; Thách thức trong việc tiếp cận tài chính vi mô ở vùng sâu vùng xa; Phân tích vai trò của giáo dục tài chính trong việc nâng cao hiệu quả của các chương trình tài chính vi mô...
Buổi tọa đàm hứa hẹn đưa ra những kiến nghị thiết thực, thúc đẩy tài chính vi mô phát triển bền vững, góp phần mở rộng cơ hội kinh tế cho người nghèo và doanh nghiệp nhỏ.
Minh Khang
- Thu ngân sách nhà nước năm 2024 đạt hơn 2 triệu tỷ đồng, vượt 19% dự toán
- Bộ Tài chính cấp phép xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam cho 5 công ty
- TS. Nguyễn Trí Hiếu: Năm 2025, giá trị đồng USD sẽ tác động đến chính sách tiền tệ trong nước
- Các giao dịch trực tuyến có thể đóng thuế ở bất kỳ đâu với ứng dụng eTax Mobile
- Luật thuế thu nhập cá nhân cần phải sớm thay đổi tiêu chí giảm trừ gia cảnh
- BIC mở Chi nhánh Bắc Sơn phục vụ khách hàng Bắc Giang và Lạng Sơn
- Bitcoin và tiền mã hóa: Đã đến lúc cần khung pháp lý rõ ràng
- Đề xuất sàn thương mại điện tử phải kê khai, nộp thuế thay người kinh doanh trên sàn
- Tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các Bộ/ngành mới đạt 39,1%
- Quản lý tài chính công của Việt Nam đã cải thiện sự minh bạch