Tin ngân hàng ngày 11/6: NHNN yêu cầu xử lý nghiêm việc mua, bán vàng miếng không phép

09:12 | 11/06/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
NHNN yêu cầu xử lý nghiêm việc mua, bán vàng miếng không phép; Áp lực lên tỷ giá sẽ sớm hạ nhiệt; Lãi suất cho vay bình quân tiếp tục giảm; Đề nghị Bộ Công an xử lý nghiêm hành vi tung tin thất thiệt về thị trường vàng… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật ngày 11/6.
Tin ngân hàng ngày 10/6: TPBank chuẩn bị chi hơn 1.000 tỷ để trả cổ tức tiền mặtTin ngân hàng ngày 10/6: TPBank chuẩn bị chi hơn 1.000 tỷ để trả cổ tức tiền mặt
Tin ngân hàng tuần qua: NHNN bổ nhiệm lãnh đạo cấp cao Cục Quản lý dự trữ ngoại hốiTin ngân hàng tuần qua: NHNN bổ nhiệm lãnh đạo cấp cao Cục Quản lý dự trữ ngoại hối

NHNN yêu cầu xử lý nghiêm việc mua, bán vàng miếng không phép

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ra chỉ thị yêu cầu chi nhánh tại các tỉnh, thành phố tiến hành thanh tra và xử lý nghiêm các cửa hàng kinh doanh vàng miếng không có giấy phép.

Tin ngân hàng ngày 11/6: NHNN yêu cầu xử lý nghiêm việc mua, bán vàng miếng không phép
Trụ sở NHNN

Trong văn bản số 4696/NHNN-QLNH, Thống đốc NHNN yêu cầu các Giám đốc chi nhánh thực hiện quản lý thị trường ngoại hối và vàng, đặc biệt chú trọng việc xử lý các cửa hàng kinh doanh vàng miếng không có giấy phép. Các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được phép kinh doanh ngoại hối và vàng miếng tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật liên quan.

Ngoài ra, NHNN yêu cầu các cơ quan chức năng như Công an, Quản lý thị trường và Thuế phối hợp để tăng cường kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh và cung ứng dịch vụ ngoại hối và vàng. Đặc biệt chú ý đến các hoạt động như thu đổi ngoại tệ, chi trả ngoại tệ, chuyển tiền ra nước ngoài, và các giao dịch mua, bán vàng miếng không có giấy phép.

NHNN cũng nhấn mạnh việc theo dõi và giám sát chặt chẽ thị trường ngoại hối và vàng để kịp thời có biện pháp xử lý phù hợp và hiệu quả.

Trong văn bản số 4697/NHNN-QLNH, NHNN đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường phổ biến các quy định pháp luật về quản lý ngoại hối và vàng, đồng thời triển khai các biện pháp và công cụ pháp lý để quản lý chặt chẽ thị trường này. Các biện pháp bao gồm việc chống trục lợi, đầu cơ, thao túng tỷ giá và giá vàng, cùng với việc áp dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác giám sát và quản lý.

Các doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng được yêu cầu tuân thủ nghiêm quy định về hóa đơn điện tử và chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.

Theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng miếng, các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng kinh doanh vàng miếng phải được cấp phép từ NHNN. Những đơn vị chưa có giấy phép chỉ được kinh doanh vàng trang sức hoặc chuyển đổi sang loại hình kinh doanh khác.

Đã cấp cho Bộ Tài chính hơn 130 triệu tài khoản thanh toán của người nộp thuế

Tại Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ "điểm nghẽn" trong triển khai Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, đến nay, hệ thống thanh toán liên ngân hàng đã xử lý bình quân hơn 830 nghìn tỷ đồng/ngày. Hệ thống thanh toán bán lẻ xử lý bình quân từ 20-25 triệu giao dịch/ngày. Con số rất lớn để đảm bảo thanh toán cho doanh nghiệp và người dân. Các dịch vụ thanh toán mới rất an toàn, thiết thực, tiện lợi cho người dân như thanh toán qua QR Code…

Số lượng giao dịch thanh toán qua kênh internet và mobile bình quân giai đoạn 2021-2023 lần lượt tăng trưởng ở mức 52% và 103,3%. Tăng trưởng về số lượng và giá trị thanh toán qua phương thức QR Code đạt hơn 170%.

Theo Thống đốc, hiện đã có hơn 87,08% người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản ngân hàng, 182 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân và hơn 147 triệu thẻ ngân hàng đang hoạt động.

Tất cả những hình thức này đã giúp cho chúng ta chuyển đổi số. Nhiệm vụ tiếp theo mà NHNN được giao là thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán nhằm hỗ trợ cho công tác quản lý thuế.

Với hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, đầu tháng 11/2023 NHNN đã làm việc với cơ quan thuế, chỉ đạo ngân hàng và trung gian thanh toán kết nối cung cấp thông tin với các cơ quan thuế.

Đến nay, các tổ chức tín dụng đã cung cấp cho Bộ Tài chính hơn 130 triệu tài khoản thanh toán của người nộp thuế.

NHNN cũng đã đề nghị Bộ Tài chính thống nhất giao Tổng cục Thuế là đơn vị đầu mối tiếp nhận, xử lý thông tin tài khoản thanh toán của người nộp thuế từ các tổ chức tín dụng để cho phép các cơ quan quản lý thuế khác khai thác thông tin từ cơ sở dữ liệu của Tổng cục Thuế.

Áp lực lên tỷ giá sẽ sớm hạ nhiệt

Chỉ số đồng USD (DXY) bắt đầu giảm từ mức 106,5 điểm sau cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC - thuộc FED) ngày 1/5. Trong cuộc họp, Chủ tịch FED Jerome Powell không cho rằng, động thái tiếp theo có thể là một đợt tăng lãi suất mà sẽ phải duy trì mức lãi suất hiện nay trong một thời gian.

Tin ngân hàng ngày 11/6: NHNN yêu cầu xử lý nghiêm việc mua, bán vàng miếng không phép
Ảnh minh họa

Đáng chú ý, các thị trường cũng đang giảm dần kỳ vọng về việc các ngân hàng trung ương lớn khác sẽ cắt giảm lãi suất. Chỉ số DXY kết thúc tháng 5 ở mức 104,7 điểm, sau khi dữ liệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ tăng trưởng 1,3% trong quý đầu năm 2024, thấp hơn so với kết quả sơ bộ công bố trước đó là 1,6%, phản ánh doanh số bán lẻ và chi tiêu tiêu dùng yếu hơn dự kiến.

Tuy nhiên, niềm tin của người tiêu dùng bất ngờ được cải thiện, thị trường lao động ổn định cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ bất chấp lạm phát vượt mục tiêu 2%. Các nhà đầu tư hiện nay nhận thấy có 50/50 cơ hội FED cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 9 và tổng cộng 57 điểm dự kiến cho đến tháng 12.

Theo các chuyên gia của MBS Research, NHNN đã thực hiện các biện pháp ổn định tỷ giá như bán ngoại tệ, nhưng đồng thời đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng trong thời gian gần đây, do cung tiền đã bị rút bớt và khiến thanh khoản thắt chặt hơn trong hệ thống.

Tỷ giá VND/USD liên ngân hàng giữ vững ở mức 25.457 trong tháng 5, tăng 4,4% từ đầu năm. Tỷ giá trên thị trường tự do là 25.790 VND/USD, trong khi tỷ giá trung tâm là 24.261 VND/USD, tăng lần lượt 4,2% và 1,7% so với đầu năm 2024. Xu hướng giảm của VND vẫn khá tương đồng so với các đồng tiền khác trong khu vực, ví dụ như baht Thái (-6,9% từ đầu năm), Malaysia ringgit (-2,4%), Nhân dân tệ (-2,3%), và yên Nhật (-10,5%).

Chuyên gia của MBS Research cho rằng, tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 25.100 - 25.300 VND/USD trong tháng 6 và tháng 7 dưới những yếu tố tích cực hỗ trợ. Cụ thể như: những yếu tố vĩ mô tích cực sẽ hỗ trợ như thặng dư thương mại tích cực khi lũy kế 5 tháng đầu năm 2024 đạt 8 tỷ USD; dòng vốn FDI thực hiện 5 tháng ước đạt 8,2 tỷ USD (+7,8% so với cùng kỳ), và du lịch phục hồi mạnh mẽ khi 5 tháng đầu năm 2024 tăng 64,9% so với cùng kỳ.

Đề nghị Bộ Công an xử lý nghiêm hành vi tung tin thất thiệt về thị trường vàng

NHNN vừa gửi công văn hỏa tốc tới Bộ Công an đề nghị phối hợp trong công tác quản lý thị trường vàng.

Công văn của NHNN nêu rõ, hiện nay trên thị trường đang lan truyền thông tin về việc NHNN thiếu vàng để bán; tại nhiều điểm bán vàng, có đối tượng thuê người xếp hàng mua gom vàng với mục đích đẩy giá, hưởng chênh lệch, gây bất ổn thị trường và thiệt hại cho nền kinh tế.

NHNN đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị liên quan kịp thời phối hợp xác minh và xử lý nghiêm các hành vi tung tin thất thiệt, đầu cơ, trục lợi, thao túng thị trường. Đồng thời, chỉ đạo công an các địa phương phối hợp đảm bảo an ninh tại các địa điểm bán vàng của các ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC; hạn chế tình trạng các đối tượng có dụng ý xấu thuê người xếp hàng mua gom vàng, gây mất an ninh trật tự.

Trước đó, ngày 7/6, NHNN đã phát đi thông cáo cho biết đang phối hợp với cơ quan công an để xác minh và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, thao túng thị trường. Đồng thời với việc duy trì cung ứng vàng miếng SJC để đáp ứng các nhu cầu chính đáng và hợp pháp của người dân, NHNN cũng sẽ chủ động triển khai các giải pháp để đấu tranh mạnh mẽ với hiện tượng đầu cơ, gom hàng.

Bên cạnh đó, việc thanh tra để làm rõ các sai phạm nếu có của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh vàng cũng đang được khẩn trương, quyết liệt triển khai, đặc biệt là ở hai địa bàn Hà Nội và TP HCM.

NHNN khẳng định có đủ nguồn lực và quyết tâm để bình ổn thị trường, kiểm soát mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức phù hợp. Người dân cần đề cao cảnh giác, tránh bị tác động, lợi dụng bởi các đối tượng có dụng ý xấu.

Lãi suất cho vay bình quân tiếp tục giảm

Tại Chỉ thị số 12/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ban hành ngày 22/4/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN tiếp tục chỉ đạo giảm mặt bằng lãi suất cho vay; chủ động có biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn của nền kinh tế hiệu quả, khả thi, kịp thời.

Tin ngân hàng ngày 11/6: NHNN yêu cầu xử lý nghiêm việc mua, bán vàng miếng không phép
Ảnh minh họa

Trong xu hướng đó, các ngân hàng giảm mức lãi suất cho vay bình quân. VietinBank (CTG) giảm lãi suất cho vay bình quân chung còn 6,1%/năm. Chênh lệch lãi suất cho vay và huy động bình quân chỉ còn 2,4%/năm.

Tại Agribank, lãi suất cho vay bình quân giảm còn 7,26%/năm, chênh lệch lãi suất giữa huy động và cho vay đưa về 1,43%/năm.

Tại nhóm ngân hàng tư nhân, Sacombank (STB) giảm mức cho vay bình quân còn 7,53%/năm, chênh lệch bình quân chỉ ở mức 3,43%/năm. Tại ACB, lãi suất cho vay bình quân là 6,6%/năm, chênh lệch bình quân là 3,65%/năm.

Một số ngân hàng công khai mức lãi suất cho vay bình quân áp dụng cụ thể cho từng phân khúc khách hàng cũng được điều chỉnh giảm. Như tại OCB, lãi suất cho vay bình quân áp dụng cho khách hàng cá nhân (KHCN) là 7,98%/năm, lãi suất áp dụng cho khách hàng doanh nghiệp (KHDN) là 7,97%/năm. Chênh lệch giữa cho vay và huy động còn 3,5%/năm.

VIB áp dụng giảm lãi suất cho vay bình quân với KHCN là 7,33%/năm, KHDN là 6,34%/năm, chênh lệch giữa huy động và cho vay bình quân là 3,47%/năm.

Trong báo cáo chiến lược tháng 6 vừa được công bố của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nhóm phân tích cho rằng NHNN vẫn còn dư địa để neo giữ mặt bằng lãi suất trong biên độ hợp lý thông qua các nghiệp vụ thị trường mở như phát hành tín phiếu, cầm cố giấy tờ có giá, và bán USD giao ngay với mục đích duy trì một lượng thanh khoản hợp lý thay vì trạng thái dư thừa như trước đây, đồng thời thu hẹp chênh lệch lãi suất USD và VND giúp cho áp lực rút ròng USD dịu dần trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện đợt cắt giảm lãi suất lần đầu tiên.

Trong khi đó, thị trường thời gian qua bị thu hút bởi sức nóng của kênh vàng và tỷ giá, cầu tín dụng dần hồi phục từ quý II, đòi hỏi các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động dần lên để đưa vốn ra nền kinh tế. Do đó, đa phần các chuyên gia cũng dự báo thời gian tới lãi suất huy động sẽ nhích dần lên, tạo áp lực lên lãi suất cho vay.

Huy Tùng (T/h)

vietinbank
thaco