Tin Bộ Ngoại giao: Thông tin cơ bản về nước cộng hòa Indonesia

06:00 | 17/12/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Indonesia là quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới, gồm trên 17.500 hòn đảo lớn nhỏ nằm giữa lục địa Châu Á và Châu Đại Dư­ơng, nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dư­ơng.
Tin Bộ Ngoại giao: Thông tin cơ bản về nước cộng hòa Indonesia
Quốc kỳ Indonesia, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

I. KHÁI QUÁT CHUNG:

- Tên nư­ớc: Cộng hòa Indonesia (Republic of Indonesia)

- Thủ đô: Jakarta, khoảng 11 triệu dân (2021).

- Vị trí địa lý: Indonesia là quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới, gồm trên 17.500 hòn đảo lớn nhỏ nằm giữa lục địa Châu Á và Châu Đại Dư­ơng, nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dư­ơng. Phía Bắc giáp với Malaysia, Singapore, Philippines và Biển Đông; phía Nam giáp với Australia và Ấn Độ Dương; phía Tây giáp với Ấn Độ Dương; phía Đông giáp với Papua New Ghinea, Timor-Leste và Thái Bình Dương.

- Diện tích: Phần đất liền rộng 1,9 triệu km2 (thứ 15 thế giới).

- Dân số: 273,8 triệu ng­ười (thứ 4­ thế giới – số liệu năm 2021), với 1.340 dân tộc, trong đó dân tộc Java là dân tộc lớn nhất, chiếm 41% dân số.

- Các thành phố lớn: Jakarta, Surabaya, Medan, Bandung.

- Khí hậu: Nhiệt đới gió mùa với 2 mùa mưa (tháng 10 – tháng 3) và khô (tháng 4 – tháng 9).

- Tôn giáo: Đạo Hồi chiếm 87,2% (không phải là quốc đạo); đạo Tin lành 6,9%; đạo Thiên chúa 2,9%; đạo Hindu 1,7%; đạo Phật 0,7%, và đạo Nho (0,05%).

- Ngôn ngữ: tiếng Indonesia. Ngoài ra còn có hơn 700 ngôn ngữ và thổ ngữ.

- Tiền tệ: Rupiah (1 USD hiện nay tương đương khoảng 14.500 Rupiah).

- GDP: 1.186 tỷ USD (2021), là nền kinh tế lớn thứ 16 trên thế giới.

- GDP bình quân đầu người: 4.349 USD (2021).

- Quốc khánh: 17/8/1945.

- Thể chế chính trị: Indonesia theo chế độ cộng hòa, Tổng thống là nguyên thủ quốc gia.

- Hội đồng Hiệp thương Nhân dân (MPR) là cơ quan quyền lực cao nhất, có quyền luận tội và phế truất Tổng thống, bao gồm 711 đại biểu, trong đó 575 thành viên thuộc Hội đồng Đại biểu Nhân dân (DPR, tức Hạ viện, là cơ quan lập pháp) và 136 thành viên của Hội đồng Đại biểu Địa phương (DPD, tức Thượng viện, đại diện cho các tỉnh và đặc khu).

- Các lãnh đạo chủ chốt hiện nay:

+ Tổng thống: Giô-cô Uy-đô-đô (Joko Widodo); từ tháng 10/2014, tái cử nhiệm kỳ thứ 2 tháng 10/2019.

+ Phó Tổng thống: Ma-rúp A-min (Ma’ruf Amin), từ tháng 10/2019.

+ Chủ tịch Hội đồng Hiệp thương Nhân dân: Bam-bang Xu-xa-ti-ô (Bambang Soesatyo), từ tháng 10/2019.

+ Chủ tịch Hội đồng Đại biểu Nhân dân: Pu-an Ma-ha-ra-ni (Puan Maharani), từ tháng 10/2019.

+ Bộ trưởng Ngoại giao: Rét-nô Ma-xu-đi (Retno Marsudi), từ tháng 10/2014.

- Cơ chế bầu cử: theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu với cả đại biểu Quốc hội và liên danh Tổng thống/Phó Tổng thống. Gần đây nhất, Indonesia đã tổ chức tổng tuyển cử và Tổng thống/Phó Tổng thống ngày 17/4/2019 (được coi là cuộc bầu cử lớn nhất thế giới với gần 200 triệu cử tri đi bầu chỉ trong 1 ngày).

- Hệ thống tư pháp bao gồm Toà án (bao gồm cả Tòa án Hiến pháp), công tố, kiểm sát theo mô hình Nhà nư­ớc Cộng hòa.

- Đảng phái chính trị: theo chế độ đa đảng (tổng cộng hơn 100 đảng). Đảng Dân chủ Indonesia Đấu tranh (PDI-P) có số ghế nhiều nhất tại Hội đồng Đại biểu Nhân dân Indonesia (128 ghế), thứ hai là đảng Chức nghiệp (Golkar) có 85 ghế, thứ ba là đảng Phong trào Đại dân tộc Indonesia (Gerinda) có 78 ghế. Liên minh cầm quyền do PDI-P dẫn đầu gồm 07 đảng, chiếm 471/575 ghế, trong đó có 3 đảng dẫn đầu. Các đảng còn lại chiếm 104 ghế, hình thành phe đối lập.

II. TÌNH HÌNH INDONESIA GẦN ĐÂY

1. Chính trị nội bộ: Tình hình chính trị nội bộ, an ninh của Indonesia cơ bản ổn định. Liên minh cầm quyền do đảng Dân chủ Indonesia Đấu tranh (PDI-P) dẫn đầu được củng cố, hiện chiếm tới 82% số ghế trong Hạ viện và nhận được sự ủng hộ của quân đội, cảnh sát, do đó các chính sách phát triển đất nước, các dự luật dễ dàng được thông qua hơn. Chính phủ của Tổng thống Joko Widodo được đánh giá là hoạt động hiệu quả trong việc duy trì đà tăng trưởng kinh tế, cơ bản đảm bảo được phúc lợi cho người dân trong thời kỳ đại dịch. Ngày 10/4/2022, Tổng thống Joko Widodo đã khẳng định cuộc Tổng tuyển cử năm 2024 vẫn diễn ra đúng kế hoạch vào ngày 14/02/2024. Hiện các đảng phái chính trị tại Indonesia đã bắt đầu tích cực vận động, tìm kiếm liên minh, hướng tới cuộc Tổng tuyển cử năm 2024.

Indonesia đã chính thức khởi công xây dựng thủ đô mới mang tên Nusantara tại tỉnh Đông Kalimantan vào tháng 3/2022. Chi phí xây dựng dự kiến 34 tỷ USD và sẽ hoàn thành trước năm 2045. Theo lộ trình, từ cuối năm 2023 sẽ từng bước điều chuyển 60.000 nhân viên Chính phủ đến làm việc tại thủ đô mới.

Chính phủ Indonesia cơ bản thành công trong việc kiểm soát các đợt bùng phát dịch Covid-19 trong năm 2021 nhờ áp dụng nhiều biện pháp giãn cách xã hội và tiêm chủng. Từ đầu năm 2022, Indonesia đã dỡ bỏ các hạn chế và mở cửa với khách quốc tế. Tính đến đầu tháng 11/2022, Indonesia có 6,5 triệu ca nhiễm, 159.000 ca tử vong, 62,4% dân số đã được tiêm 2 mũi vắc-xin.

2. An ninh - Quốc phòng: Indonesia rất chú trọng chủ quyền lãnh hải, đặc biệt ở khu vực Natuna. Tháng 4/2022, Indonesia đã ban hành Quy định của Tổng thống về “quy hoạch phân vùng đối với liên khu vực biển bắc Natuna”.

3. Kinh tế: Sau khi tái cử vào tháng 10/2019, chính quyền Tổng thống Joko Widodo tiếp tục nhấn mạnh mục tiêu “Tầm nhìn 2045” đưa Indonesia trở thành quốc gia phát triển trước 2045.

Năm 2021, kinh tế Indonesia trên đà hồi phục tốt bất chấp những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Tăng trưởng kinh tế Indonesia năm 2021 đạt 3,69%. Tăng trưởng Quý I/2022 đạt 5,01% và Quý II/2022 đạt 5,44%. Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế Indonesia năm 2022 có thể đạt 5,2%. Để đẩy nhanh hơn nữa quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch, Indonesia chủ trương thu hút đầu tư, thúc đẩy trao đổi thương mại và phát triển kinh tế số.

4. Đối ngoại: Indonesia luôn thực hiện phương châm đối ngoại cơ bản là độc lập và tích cực, kiên quyết không thỏa hiệp trong các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ. Ngày 06/01/2022, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia đã công bố 5 ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Indonesia trong năm 2022 gồm: (i) Tăng cường Ngoại giao Y tế; (ii) Ngoại giao Kinh tế; (iii) Bảo hộ công dân; (iv) phân định biên giới; (v) ưu tiên phục vụ thành công nhiệm kỳ Chủ tịch G20.

Ở các cơ chế đa phương, Indonesia rất coi trọng và có vai trò chủ chốt trong ASEAN, đồng thời tích cực tăng cường vị thế tại Liên hợp quốc, trong các nước Hồi giáo và tại các tổ chức OIC, NAM. Tại ASEAN, Indonesia đi đầu trong thúc đẩy ASEAN phát huy vai trò trên cả khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Tháng 4/2021, Indonesia đóng vai trò chủ nhà và tích cực đóng góp ý kiến tại Hội nghị Lãnh đạo ASEAN bàn về vấn đề Myanmar tại Jakarta; năm 2023 Indonesia sẽ là Chủ tịch luân phiên của ASEAN. Tại Liên hợp quốc, Indonesia đóng vai trò tích cực với tư cách Ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2019 – 2020.

III. QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM

1. Quan hệ chính trị: Hai nước thiết lập quan hệ từ năm 1955 và thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2013. Quan hệ song phương được duy trì đều đặn. Năm 2021, trong bối cảnh Covid-19 phức tạp, hai nước vẫn tổ chức thành công hội đàm cấp cao trực tiếp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng Thống Joko Widodo nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN tại Indonesia (4/2021) và cuộc điện đàm giữa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Joko Widodo (7/2021); Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc gặp song phương với Chủ tịch Hạ viện Indonesia Puan Maharani bên lề Hội nghị Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 tại Áo (10/2021). Năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Tổng thống Indonesia Joko Widodo (8/2022); Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Indonesia bên lề HNCC ASEAN – Mỹ (5/2022). Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm chính thức Indonesia và đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban Hợp tác song phương (7/2022). Hai BNG cũng duy trì cơ chế đối thoại chính sách thường niên lần thứ 9 cấp Vụ Chính sách Đối ngoại (08/2021). Trước những thiệt hại do thiên tai, thảm họa cuối 2020, đầu 2021 ở hai nước (lũ lụt và lở đất tại Jakarta tháng 01/2020, lũ lụt ở miền Trung tháng 10/2020, tai nạn máy bay Sriwijaya tháng 01/2021, động đất tại tỉnh Tây Java tháng 01/2021), lãnh đạo hai bên đã gửi thư, điện thăm hỏi, chia buồn.

Hai nước đã ký nhiều hiệp định và thoả thuận hợp tác trong các lĩnh vực, trong đó có Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược giai đoạn 2019 - 2023 (9/2018). Các địa phương hai nước cũng đang tích cực tăng cường quan hệ hợp tác, hiện có 04 cặp tỉnh/thành phố kết nghĩa (Jakarta - Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu - Padang, Huế - Yogyakarta, Sóc Trăng – Lampung).

2. Hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư:

Về thương mại, Indonesia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam trong ASEAN, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Indonesia trong ASEAN. Kim ngạch hai nước cơ bản giữ được đà tăng dù năm 2020 và 2021 bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19. Kim ngạch thương mại năm 2020 đạt 8,2 tỷ USD (ta xuất 2,8 tỷ USD, nhập 5,4 tỷ USD); năm 2021 đạt 11,5 tỷ USD (ta xuất 3,9 tỷ USD, nhập 7,6 tỷ USD), lần đầu tiên vượt mục tiêu kim ngạch 10 tỷ USD/năm như cam kết của Lãnh đạo Cấp cao hai nước; 10 tháng đầu năm 2022 kim ngạch đạt 11,6 tỷ USD (ta xuất 3,8 tỷ USD, nhập 7,8 tỷ USD). Các mặt hàng chủ yếu ta xuất sang Indonesia gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử, sắt thép các loại, hàng dệt may, chất dẻo nguyên liệu, điện thoại di động và linh kiện. Một số mặt hàng ta nhập khẩu từ Indonesia gồm: than đá, dầu mỡ động thực vật, ô tô nguyên chiếc các loại, sắt thép các loại. Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật do Bộ trưởng Công Thương ta và Bộ trưởng Thương mại Indonesia đồng chủ trì đã họp 7 kỳ (lần gần nhất tháng 8/2017).

Về đầu tư­, tính đến tháng 9/2022, Indonesia tiếp tục đứng thứ 5 trong ASEAN và thứ 29/141 quốc gia đầu tư vào Việt Nam với với 101 dự án trị giá 611,7 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ lưu trú và ăn uống. Việt Nam cũng có 17 dự án đầu tư tại Indonesia với tổng vốn đăng ký là 59 triệu USD tập trung trong các lĩnh vực thương mại, công nghệ thông tin, nông nghiệp, công nghiệp.

3. Hợp tác an ninh quốc phòng: Indonesia là một trong những nước khu vực có quan hệ sớm nhất về an ninh - quốc phòng với ta, thiết lập phòng Tùy viên quân sự từ năm 1964. Hai nước thường xuyên trao đổi đoàn quốc phòng - công an và ký một số văn bản thỏa thuận hợp tác quốc phòng. Hai nước đang triển khai Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giai đoạn 2017 – 2022 (ký năm 2017). Trong bối cảnh đại dịch, hai bên đã tổ chức một số hoạt động theo hình thức trực tuyến trong năm 2021 như: Đối thoại chính sách cấp thứ trưởng lần thứ 2 (10/2021); Đối thoại Hải quân (tháng 12/2021); Cảnh sát biển hai nước đã ký MOU về hợp tác an ninh, an toàn hàng hải (28/12/2021). Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia thăm chính thức Việt Nam từ 12 – 14/5/2022. Hai nước cũng tích cực tham gia các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ ASEAN: Diễn tập quân sự trực tuyến ASEAN trên sa bàn; Diễn tập Hải quân ASEAN – Nga 2021 (ARNEX 21).

4. Hợp tác trong các lĩnh vực khác: Hàng năm, Indonesia cung cấp cho Việt Nam một số học bổng ngắn hạn, trung hạn và dài hạn trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, ngôn ngữ... Hai nước đã ký một số MOU nông nghiệp, nghề cá và vấn đề biển, năng lượng (MOU về Hợp tác Nghề cá và các vấn đề Biển (10/2010), MOU về Hợp tác Nông nghiệp, Tài chính, Năng lượng (2013); MOU về Giáo dục (2017); Tư pháp và Pháp luật; hợp tác cung cấp than; Phát triển nông thôn; cung cấp khí gas khu vực xuyên biên giới (8/2017); Thông cáo chung về tự nguyện tham gia hợp tác quốc tế về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và thúc đẩy quản lý nghề cá bền vững (9/2018). Hai nước đã có đường bay thẳng kết nối Hà Nội/TP. Hồ Chí Minh với Jakarta/Bali do Vietjet Air và Vietnam Airlines vận hành, khai thác.

5. Cộng đồng người Việt tại Indonesia: Cộng đồng người Việt Nam tại Indonesia tương đối ít, hiện có khoảng 300 người, chủ yếu là người định cư, kinh doanh lâu dài và cán bộ của các cơ quan Việt Nam. Do Chính phủ sở tại có chính sách thắt chặt các tiêu chuẩn nhập cư nên số người Việt định cư tại Indonesia hạn chế; người Việt ở địa bàn không có tầm ảnh hưởng do chủ yếu chỉ làm ăn, buôn bán nhỏ hoặc lấy vợ/chồng quốc tịch Indonesia. Nhìn chung, số người Việt định cư lâu dài tại Indonesia (khoảng 50 người) đã hòa nhập với đời sống địa phương, có cuộc sống ổn định. Trong cộng đồng, một số kinh doanh nhà hàng ăn uống người Việt khá thành đạt tại Jakarta và Bali. Đa số bà con ý thức cao tinh thần dân tộc, nhiệt tình tham gia các hoạt động do ĐSQ tổ chức như gặp mặt Quốc khánh, Tết âm lịch hoặc cổ vũ các đoàn thể thao, nghệ thuật từ trong nước sang.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Vân Anh