Tin bất động sản tuần qua: Yêu cầu sớm hoàn thiện nghị định mới về giá đất

08:40 | 26/05/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Thanh Hóa phê duyệt đồ án quy hoạch KCN rộng 540ha tại huyện Hoằng Hóa; Đà Nẵng thông qua chủ trương đầu tư nhiều dự án; Gamuda Land chi 315,8 triệu USD mua lại siêu dự án Eaton Park; Ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất… là những tin tức bất động sản đáng chú ý tuần qua.
Tin bất động sản ngày 25/5: Đà Nẵng đấu giá mảnh đất hơn 10.000m2, khởi điểm hơn 630 tỷ đồngTin bất động sản ngày 25/5: Đà Nẵng đấu giá mảnh đất hơn 10.000m2, khởi điểm hơn 630 tỷ đồng
Tin bất động sản ngày 24/5: Hà Nội sắp đấu thầu 8 dự án lớnTin bất động sản ngày 24/5: Hà Nội sắp đấu thầu 8 dự án lớn

Yêu cầu sớm hoàn thiện nghị định mới về giá đất

Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc nghe báo cáo, cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định về giá đất, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho ý kiến về một số nội dung cụ thể, liên quan đến đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn định giá đất; áp dụng phương pháp định giá đất và khoản tiền người sử dụng đất phải nộp bổ sung đối với thời gian chưa tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các trường hợp bàn giao đất trước khi Luật Đất đai năm 2024; quy định điều kiện hoạt động và lập cơ sở dữ liệu về tổ chức, cá nhân hành nghề định giá đất...

Tin bất động sản tuần qua: Yêu cầu sớm hoàn thiện nghị định mới về giá đất
Ảnh minh họa

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp trong suốt quá trình xây dựng, sớm hoàn thiện dự thảo nghị định, khẩn trương đưa những chủ trương, chính sách mới, đột phá trong Luật Đất đai năm 2024 vào cuộc sống.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau khi tiếp thu hoàn thiện, dự thảo nghị định có 6 chương, 41 điều quy định về phương pháp định giá đất; xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất; điều kiện hành nghề tư vấn xác định giá đất; áp dụng phương pháp định giá đất của các trường hợp chuyển tiếp...

Đáng chú ý, về phương pháp so sánh, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, bỏ quy định về việc xác định giá trị tài sản gắn liền với đất là cây lâu năm chưa đến kỳ thu hoạch; rà soát chỉnh lý nguyên tắc việc điều chỉnh giá của thửa đất rõ ràng hơn trong việc áp dụng.

Đối với phương pháp thặng dư, cơ quan soạn thảo đã bổ sung thu thập thông tin về thửa đất, khu đất cần định giá; các thông tin cần khảo sát khi áp dụng phương pháp này.

Về quy định bảng giá đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bổ sung quy định trong trường hợp thiếu các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất; căn cứ xác định giá đất ở khu vực chưa được quy định trong bảng giá đất; chỉnh lý trình tự xây dựng bảng giá đất và bổ sung, làm rõ các cơ quan, tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo bảng giá đất; rà soát, hoàn thiện điều kiện của cá nhân hành nghề tư vấn xác định giá đất theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý, bảo đảm nghị định khi ban hành sẽ giải quyết được các vấn đề thực tiễn yêu cầu, đòi hỏi, cụ thể, dễ thực hiện, tránh sai phạm.

Thanh Hóa phê duyệt đồ án quy hoạch KCN rộng 540ha tại huyện Hoằng Hóa

Ngày 20/05, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ra quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu công nghiệp Phú Quý, nằm trên địa bàn 7 xã của huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Khu công nghiệp Phú Quý nằm trên địa bàn 7 xã của huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, với tổng diện tích lập quy hoạch là 540ha. Trong đó, Hoằng Kim (27,2ha), Hoằng Trinh (16,40 ha), Hoằng Sơn (13,80 ha), Hoằng Quý (219,2ha), Hoằng Xuyên (128,7ha), Hoằng Cát (48,5ha) và Hoằng Quỳ (86,2ha).

Dự án có một mặt giáp đường giao thông Quỳ Xuyên và cụm công nghiệp Phú Quý, một mặt giáp hành lang an toàn đường sắt và Quốc lộ 1.

Với tổng diện tích lên đến 540 ha, Khu công nghiệp Phú Quý là khu công nghiệp mới lớn nhất tại Thanh Hóa, theo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 (chỉ nhỏ hơn khu công nghiệp Bỉm Sơn 566ha và khu công nghiệp Sao Vàng 550ha đã quy hoạch và đi vào hoạt động).

Với tính chất và chức năng là khu công nghiệp đa ngành, trong đó ưu tiên công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp chế biến chế tạo, cơ khí, ôtô, công nghiệp dược, công nghiệp thực phẩm. Quy mô lao động dự báo lao động trong khu công nghiệp khoảng 36.000 - 58.500 người.

Tổ chức không gian nhà máy, xí nghiệp: Quy hoạch phân lô các lô đất xây dựng nhà máy, xí nghiệp linh hoạt để đáp ứng yêu cầu xây dựng của các nhà máy với nhiều quy mô diện tích khác nhau. Khu vực dọc hành lang hai bên tuyến đường đối ngoại và trục chính khu công nghiệp sẽ ưu tiên thu hút các doanh nghiệp lớn mang tính chất mỏ neo cho phát triển khu công nghiệp…

Hệ thống giao thông nội khu được thiết kế theo dạng ô bàn cờ, thuận lợi kết nối với các tuyến đường giao thông đối ngoại, đảm bảo tiếp cận thuận tiện đến từng lô đất.

Được biết, khu vực lập quy hoạch có vị trí là cửa ngõ trung tâm huyện Hoằng Hóa tiếp giáp với thành phố Thanh Hóa và các huyện phụ cận. Đây còn là điểm giao của các tuyến đường giao thông của các vùng kinh tế, cảng biển, cảng hàng không, được đánh giá là khu vực có tiềm năng phát triển công nghiệp, đặc biệt các loại hình công nghiệp nhẹ, ưu tiên công nghiệp công nghệ cao.

Ngoài ra, trên địa bàn khu vực lập quy hoạch còn có nguồn lao động dồi dào dự kiến sẽ đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực về lao động cho khu công nghiệp khi được hình thành.

Đà Nẵng thông qua chủ trương đầu tư nhiều dự án

Ngày 24/5, kỳ họp thứ 17 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND TP Đà Nẵng đã thảo luận, thông qua chủ trương đầu tư 7 dự án, với tổng mức đầu tư gần 1.206 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố.

Tin bất động sản tuần qua: Yêu cầu sớm hoàn thiện nghị định mới về giá đất
Ảnh minh họa

Các dự án được thông qua chủ trương đầu tư gồm: Khu lưu trữ hiện hành Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng có tổng mức đầu tư hơn 328,3 tỷ đồng; Cải tạo hệ thống thoát nước và hạ ngầm cáp thông tin, điện chiếu sáng trên 4 tuyến đường nội thị (Phan Châu Trinh, Lê Lợi, Hoàng Diệu và Ông Ích Khiêm) có tổng mức đầu tư gần 382 tỷ đồng; Tuyến đường 10,5m đoạn từ đường Hồ Nghinh đến đường Trần Bạch Đằng có tổng mức đầu tư hơn 115,1 tỷ đồng.

Dự án Trường Tiểu học Phù Đổng (cơ sở 1) có tổng mức đầu tư hơn 108,7 tỷ đồng; Xây mới khối lớp học Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu có tổng mức đầu tư hơn 62,7 tỷ đồng; Nâng cấp, mở rộng các tuyến đường có mặt cắt lòng đường từ 3,5m-4m thành 5,5m trên địa bàn quận Sơn Trà (giai đoạn 2) có tổng mức đầu tư hơn 103,6 tỷ đồng và dự án Đậy kín tuyến kênh hở dài khoảng 500m tại khu vực đường Hồng Thái - Tân Trào (quận Liên Chiểu), có tổng mức đầu tư hơn 105,5 tỷ đồng.

Tại kỳ họp, Trần Phước Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách HĐND TP Đà Nẵng cho biết, các dự án được thông qua nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu dân cư, đáp ứng yêu cầu phát triển giao thông, phục vụ dân sinh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…

Ông Trần Phước Sơn đề nghị ngay sau kỳ họp, UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ và hiệu quả Nghị quyết đã được thông qua.

Cũng tại kỳ họp này, HĐND TP Đà Nẵng thống nhất hủy dự toán đối với hơn 656 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2023 không thể giải ngân. Đồng thời cho phép bổ sung số vốn này vào nguồn kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 điều chỉnh, bổ sung sẽ trình HĐND thành phố tại kỳ họp giữa năm 2024.

HĐND TP Đà Nẵng cũng cho phép kéo dài thời gian thực hiện đối với 84 công trình, dự án được bố trí kế hoạch vốn dự toán giao năm 2023 không thể giải ngân hết kế hoạch được giao với hơn 692 tỷ đồng.

Gamuda Land chi 315,8 triệu USD mua lại siêu dự án Eaton Park

Mới đây, Gamuda Land - chủ đầu tư danh tiếng đến từ Malaysia đã công bố dự án căn hộ cao cấp với tên gọi Eaton Park, tọa lạc tại vị trí đắc địa ở TP Thủ Đức, TP HCM. Dự án có tổng diện tích khoảng 3,77ha, phát triển khoảng 2.000 sản phẩm, đã được khởi công phần ngầm giai đoạn 1 vào ngày 26/3/2024. Tổng mức đầu tư phát triển dự án này dự kiến 1,1 tỷ USD (khoảng 27.940 tỷ đồng).

Theo tìm hiểu, vào tháng 7/2023, Tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia) đã thông qua công ty bất động sản thành viên là Gamuda Land ký thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần để mua lại toàn bộ cổ phần của CTCP Bất động sản Tâm Lực. Tổng giá trị thương vụ này lên đến 315,8 triệu USD, tương đương 7.200 tỷ đồng.

Trong khi ấy, công ty Tâm Lực vốn là chủ đầu tư của dự án Khu dân cư Tâm Lực, tên thương mại là The Riverdale tọa lạc tại đường Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức, TP HCM). Sau hoàn tất mua lại, dự án Khu dân cư Tâm Lực đã được chủ đầu tư mới đổi tên thành Eaton Park và tiến hành động thổ.

Ngoài thương vụ mua đất làm dự án Eaton Park, cũng trong năm 2023, Gamuda Land đã chi hơn 300 triệu USD mua khu đất 3,4ha tại Lò Lu, TP Thủ Đức để phát triển dự án với tên thương mại Elysian. Dự án có nguồn cung dự kiến gần 1.400 căn hộ, giá bán từ 55 triệu đồng/m2.

Gamuda Land được biết đến là một trong những chủ đầu tư khối ngoại đầu tiên hiện diện tại thị trường bất động sản Việt Nam. Ngay từ khi gia nhập thị trường vào năm 2007, chủ đầu tư này đã mạnh tay chi gần 8.600 tỷ đồng vốn đầu tư ban đầu cho khu đô thị Gamuda City quy mô 292ha tại quận Hoàng Mai, TP Hà Nội; và 3.600 tỷ đồng cho Celadon City rộng 82ha ở quận Tân Phú, TP HCM. Đến nay, cả 2 dự án này đều trở thành những khu đô thị xanh quốc tế kiểu mẫu nổi bật nhất tại 2 thị trường này.

Hà Nội: Ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất

UBND Thành phố Hà Nội vừa có Quyết định số 2681/QĐ-UBND về việc ủy quyền quyết định giá đất cụ thể trên địa bàn Thủ đô.

Tin bất động sản tuần qua: Yêu cầu sớm hoàn thiện nghị định mới về giá đất
Ảnh minh họa

Theo quyết định, UBND Thành phố ủy quyền cho UBND cấp huyện thực hiện các nội dung: Quyết định giá đất cụ thể làm căn cứ tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, tính thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư; quyết định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân; quyết định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp thửa đất, khu đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết xây dựng.

Thời hạn ủy quyền: Kể từ ngày quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 22/5 đến hết ngày 31/12/2024.

UBND cấp huyện có trách nhiệm thực hiện các quyền và trách nhiệm được UBND thành phố ủy quyền; chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố trong phạm vi các quyền và trách nhiệm được ủy quyền.

UBND cấp huyện thực hiện kiện toàn Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể và các nội dung khác có liên quan (nếu có), chỉ đạo các phòng: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính - Kế hoạch và các phòng, ban có liên quan để tổ chức thực hiện rà soát, tham mưu báo cáo UBND cấp huyện triển khai nội dung theo quy định. Đảm bảo các điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện các nhiệm vụ được ủy quyền. Thực hiện báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện việc ủy quyền định kỳ (3 tháng) hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan cấp trên hoặc cơ quan có thẩm quyền.

UBND cấp huyện có trách nhiệm phối hợp khi thực hiện công tác xác định giá đất cụ thể đối với các dự án được triển khai trên địa bàn nhiều quận, huyện, thị xã và các dự án tại vị trí giáp ranh của các quận, huyện, thị xã.

UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tư pháp và các đơn vị có liên quan hướng dẫn UBND cấp huyện về quy trình, trình tự và triển khai thực hiện nội dung được ủy quyền theo quy định pháp luật. Chủ trì theo dõi, kiểm tra, giám sát, tổng hợp các nội dung về ủy quyền cho UBND cấp huyện.

Trước ngày 10/12/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng các sở, ngành, UBND cấp huyện tổ chức sơ kết đánh giá kết quả công tác ủy quyền, báo cáo UBND thành phố xem xét việc tiếp tục ủy quyền làm cơ sở tổ chức thực hiện cho thời gian tiếp theo.

Huy Tùng (T/h)

vietinbank
thaco