Sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Tạo hành lang pháp lý cho chuyển đổi xanh
Phiên họp do Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Lê Quang Huy chủ trì, với sự tham dự của các Phó Chủ nhiệm, đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại diện các Ủy ban của Quốc hội và các bộ, ngành liên quan.
![]() |
Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Lê Quang Huy chủ trì phiên họp |
Phát biểu tại phiên họp, ông Lê Quang Huy nhấn mạnh tầm quan trọng của ba xu hướng chuyển đổi trong bối cảnh hiện nay là: chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng và chuyển đổi xanh. Ông Huy lưu ý, các yếu tố này gắn bó chặt chẽ với việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đồng thời đề nghị tiếp tục rà soát đồng bộ 4 nhóm chính sách gồm: quản lý nhà nước, công cụ tài chính - kinh tế, dịch vụ năng lượng và phát triển mô hình doanh nghiệp ESCO - một mô hình đang phát triển mạnh trên thế giới.
Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long, sau 15 năm thực thi, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (ban hành năm 2010) đã bộc lộ nhiều bất cập, chưa theo kịp yêu cầu của quá trình chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Trước xu hướng các quốc gia phát triển siết chặt quy định liên quan đến phát thải carbon, như thuế carbon và Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), việc sửa đổi luật là cần thiết nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu vào EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Thứ trưởng Long cho biết, dự thảo luật sửa đổi đã kế thừa 30/48 điều luật hiện hành, đồng thời bổ sung, sửa đổi theo hướng tinh gọn, hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế và xu thế phát triển. Một trong những điểm nổi bật là việc mạnh dạn phân cấp, phân quyền cho địa phương và bộ, ngành chuyên trách. Cụ thể, việc công bố danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm sẽ do UBND tỉnh, thành phố đảm nhiệm; các danh mục thiết bị phải dán nhãn năng lượng cũng sẽ được giao cho bộ quản lý chuyên ngành ban hành thay vì Chính phủ.
Dự thảo luật cũng đề xuất cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cắt giảm 50% các thủ tục hiện hành, trong đó có việc chuyển cơ chế cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng sang hình thức doanh nghiệp tự công bố. Đồng thời, thủ tục cấp chứng chỉ kiểm toán năng lượng cũng sẽ bị loại bỏ nhằm hướng tới mô hình quản trị năng lượng linh hoạt và chủ động hơn.
Luật sửa đổi cũng đặt trọng tâm vào việc phát triển thị trường dịch vụ năng lượng, thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn và sản xuất sạch hơn. Đây là những hướng đi phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia như Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị COP26.
Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ, ông Nguyễn Phương Tuấn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT - khẳng định hồ sơ dự án luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng nội dung các nhóm chính sách, đảm bảo tính đồng bộ và phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế.
Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội đã đồng tình với sự cần thiết sửa đổi luật, đánh giá cao tính kịp thời của dự án luật trong bối cảnh các rào cản kỹ thuật toàn cầu đang gia tăng. Nhiều ý kiến đóng góp tập trung vào các nội dung như: chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhóm yếu thế ở vùng sâu vùng xa, phát triển dịch vụ ESCO, thúc đẩy thị trường năng lượng hiệu suất cao, và xây dựng quỹ hỗ trợ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương) đã giải trình về các nội dung kỹ thuật như dán nhãn năng lượng, chứng chỉ quản lý, định mức tiêu hao năng lượng...
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Lê Quang Huy khẳng định, hồ sơ dự án luật đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời đề nghị Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra trong quá trình hoàn thiện và chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội sắp tới. Ông cũng hoan nghênh tinh thần cải cách mạnh mẽ trong dự thảo, đặc biệt là nội dung phân cấp, cắt giảm thủ tục hành chính - phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Chính phủ số, thúc đẩy kinh tế số.
Huy Tùng
- PV Power hướng đến mục tiêu tăng trưởng sản lượng phát điện 17% năm 2025
- Hà Nội đẩy mạnh lộ trình chuyển đổi xe buýt sang năng lượng xanh
- Chuyên gia nêu giải pháp phát triển bền vững điện gió
- Đảm bảo an ninh năng lượng - chìa khoá để tăng trưởng bền vững
- Tập đoàn Super Energy cung ứng khoảng 1,2 triệu kWh/năm cho lưới điện quốc gia