Sau nhiều thập kỷ, Trung Quốc lần đầu tiên ghi nhận sụt giảm về tiêu thụ dầu khí

10:01 | 01/02/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nền kinh tế Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các biện pháp nghiêm ngặt nhằm hạn chế sự lây lan của COVID-19 trong năm 2022, kéo mức tiêu thụ dầu và khí đốt của quốc gia này giảm so với năm trước đó, cũng là lần giảm lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, IEA cũng kỳ vọng tiêu thụ sẽ phục hồi trong năm nay.
EIA: Sản lượng dầu thô của Iran tăng 140.000 thùng/ngày trong năm 2022EIA: Sản lượng dầu thô của Iran tăng 140.000 thùng/ngày trong năm 2022
Giá dầu thế giới giảm mạnh do lo ngại tăng lãi suấtGiá dầu thế giới giảm mạnh do lo ngại tăng lãi suất
Sau nhiều thập kỷ, Trung Quốc lần đầu tiên ghi nhận sụt giảm về tiêu thụ dầu khí
(Ảnh minh họa) https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Nhu cầu dầu của Trung Quốc trong năm nay giảm 3%, tương đương 390.000 thùng/ngày, mức giảm đầu tiên kể từ năm 1990, trong khi tổng nhu cầu thế giới tăng 2,2 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 2%.

Sự khác biệt trên có thể được giải thích là do phần lớn thế giới đã và đang phục hồi sau đại dịch COVID-19 trong khi chính phủ Trung Quốc vẫn phong tỏa nhiều thành phố của họ.

Cơ quan này báo cáo thêm rằng nhu cầu về khí đốt tự nhiên của Trung Quốc đã giảm 0,7% vào năm 2022, lần giảm đầu tiên kể từ năm 1982. Nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giảm 21%, đưa Trung Quốc xuống vị trí thứ 2 trong số các nhà nhập khẩu, sau Nhật Bản. Mỹ là nước xuất khẩu khí đốt lớn sang Trung Quốc, nhưng trong năm qua nước này đã chuyển phần lớn hoạt động kinh doanh ở châu Á sang châu Âu.

Sau khi Trung Quốc đảo ngược các chính sách phong tỏa gần đây, giám đốc điều hành của IEA, Fatih Birol, cho biết ông kỳ vọng nhu cầu sẽ phục hồi mạnh mẽ, điều này có thể đồng nghĩa với việc giá năng lượng ở các thị trường khác sẽ tăng lên.

Việc giảm sử dụng năng lượng của Trung Quốc vào năm ngoái đã giữ cho giá dầu thế giới cân bằng bất chấp cuộc xâm lược kéo dài của Nga tại Ukraine, làm vơi đi nỗi lo của châu Âu và Mỹ khi họ phải vật lộn để quản lý việc cắt giảm nhập khẩu năng lượng từ Nga.

Ông Birol cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng nhu cầu năng lượng suy giảm của Trung Quốc, kết hợp với mùa đông ấm áp bất thường, có nghĩa là châu Âu “dường như không gặp khó khăn trong mùa đông này”. Nhiều chuyên gia đã dự đoán chi phí năng lượng sẽ tăng cao đến mức các doanh nghiệp châu Âu sẽ phá sản và một cuộc suy thoái mạnh sẽ xảy ra sau đó.

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng "mùa đông tới có thể khó khăn hơn" do thời tiết có thể lạnh hơn, xuất khẩu nhiên liệu của Nga sẽ tiếp tục giảm do các lệnh trừng phạt của phương Tây và nền kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi.

Sự sụt giảm tiêu thụ của Trung Quốc năm ngoái nhìn chung tương đối khiêm tốn, nhưng nó vẫn quan trọng vì Trung Quốc trong những năm gần đây là nhà nhập khẩu dầu và khí đốt hàng đầu thế giới, và hầu hết các chuyên gia năng lượng cho rằng điều đó sẽ duy trì trong ít nhất một vài năm.

Cơ quan năng lượng dự báo tổng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng 2 triệu thùng/ngày trong năm nay, trong đó Trung Quốc chiếm một nửa mức tăng. Trong khi đó, nhu cầu khí đốt toàn cầu dự kiến sẽ tăng 0,4% trong năm nay và nhu cầu của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng 6,5%.

“Với việc nền kinh tế Trung Quốc hiện đang phục hồi, nó sẽ có tác động lớn đến sự cân bằng của thị trường dầu khí”, theo ông Birol.

Ngay cả khi mức tiêu thụ của Trung Quốc đã tăng lên trong những năm gần đây, sản lượng dầu và khí đốt trong nước vẫn không theo kịp bất chấp những nỗ lực thăm dò và sản xuất thêm cả 2 loại nhiên liệu này.

Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào than đá, nhưng họ đang cố gắng thay thế phần lớn than bằng khí đốt để cải thiện chất lượng không khí ở các khu vực đô thị của đất nước. Quốc gia này cũng đang thúc đẩy việc sử dụng ô tô điện và là nhà sản xuất chính các loại pin cần thiết cho điện khí hóa phương tiện giao thông và năng lượng tái tạo.

Ông Birol cho biết sức phục hồi của Trung Quốc sau các đợt đóng cửa vì COVID-19 trong năm nay sẽ là yếu tố chính quyết định nhu cầu và giá cả toàn cầu. Ngoài ra khả năng suy thoái kinh tế ở Mỹ và châu Âu có thể làm giảm nhu cầu.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Đỗ Khánh

vietinbank
ajinomoto