PetroChina khai thác dầu thô "xanh" đầu tiên tại cụm dầu lớn nhất châu Á

15:58 | 09/08/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
PetroChina, đã khai thác được thứ mà họ ca ngợi là thùng dầu thô "xanh" đầu tiên từ mỏ dầu Cát Lâm - mỏ dầu họ sở hữu và vận hành ở tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc.
Ả Rập Xê-út tiếp tục là nạn nhân của dầu giá rẻ từ NgaẢ Rập Xê-út tiếp tục là nạn nhân của dầu giá rẻ từ Nga
Sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ tăng lên mức cao kỷ lục trong năm naySản lượng dầu thô của Mỹ sẽ tăng lên mức cao kỷ lục trong năm nay
PetroChina khai thác dầu thô
Ảnh minh họa

Thành tựu này nằm trong sáng kiến giảm thiểu lượng khí thải carbon tổng thể của công ty.

Công ty cho biết, tại Lô 3 của mỏ dầu Cát Lâm, họ đã chuyển sang sử dụng điện xanh tạo ra từ gió thay vì nhiệt điện. Sự thay đổi này đã giúp tiết kiệm 0,6 triệu m3 khí đốt tự nhiên mỗi năm, PetroChina cho biết.

CO2, sinh ra trong quá trình khai thác dầu thô, được bơm lại vào giếng thông qua công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon (CCS).

Lô 3 được công nhận là nơi tập hợp các giàn khoan khai thác dầu trên bờ lớn nhất ở châu Á, bao gồm hơn 170 giếng bơm dầu.

Với diện tích 80.500 m2 và có lượng ánh nắng mặt trời trung bình 2879,8 giờ mỗi năm, với bức xạ cực đại là 1.050 watt/m2, Lô 3 là một địa điểm thiết yếu trong các hoạt động của PetroChina.

Chỉ riêng gã khổng lồ nhà nước Trung Quốc này đã sở hữu 6,73 tỷ tấn trữ lượng dầu, khả năng thu hồi dầu có thể tăng thêm 1,11 tỷ tấn bằng cách khai thác công nghệ thu hồi dầu tăng cường CCS (CCS-EOR).

Nhưng để đạt được mục tiêu đó, PetroChina sẽ cần phải bơm lại 2,95 tỷ tấn CO2 vào giếng, Yuan Shiyi thuộc Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, cựu Chủ tịch Ban Phát triển Khoa học và Công nghệ của PetroChina cho biết.

Đến nay, PetroChina đã cắt giảm 5,5 triệu tấn khí thải CO2 thông qua CCS. Chỉ riêng trong năm 2022, công ty đã bơm lại 1,1 triệu tấn CO2 vào các giếng cạn kiệt, giúp tăng sản lượng dầu thêm 300.000 tấn, chiếm 70% tổng lượng giảm CO2 thông qua công nghệ CCS ở Trung Quốc.

Vào tháng 3 năm nay, PetroChina đã bắt đầu vận hành trang trại gió trên đất liền đầu tiên tại mỏ dầu Cát Lâm.

Dự án này bao gồm 18 tuabin gió trên bờ với tổng công suất 78 MW, có khả năng tạo ra 260 triệu kWh điện mỗi năm. Dự án sẽ thay thế các máy phát điện chạy bằng dầu diesel và than đá, sẽ có thể cắt giảm 202.000 tấn CO2 mỗi năm.

Đây chỉ là một phần trong dự án điện gió lớn hơn - dự án nhằm tăng gần gấp đôi công suất lên 150 MW mà PetroChina dự kiến ​​xây dựng tại Cát Lâm trong tương lai gần.

PetroChina cho biết dự án CCS tại Cát Lâm là lớn nhất ở châu Á, với hơn 2 triệu tấn CO2 được bơm vào giếng cho đến nay.

PetroChina, hiện đang bơm 350.000 tpa CO2 tại Cát Lâm vào 88 giếng, giúp tăng sản lượng dầu thêm 2.000 thùng/ngày.

Trung Quốc chịu trách nhiệm cho khoảng 27% tổng lượng khí thải carbon dioxide và 1/3 lượng khí nhà kính của thế giới.

Yến Anh

UpStream