Nga đạt tốc độ tăng trưởng khoan dầu kỷ lục bất chấp cắt giảm sản lượng

07:00 | 31/07/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Các công ty dầu mỏ của Nga đang báo cáo tốc độ khoan kỷ lục trong năm nay, ngay cả khi nước này đã đồng ý với OPEC+ về việc cắt giảm sản lượng lâu hơn, Bloomberg đưa tin.
Tổng thống Nga Putin nói gì về trung tâm khí đốt tại Thổ Nhĩ KỳTổng thống Nga Putin nói gì về trung tâm khí đốt tại Thổ Nhĩ Kỳ
Nhập khẩu dầu Nga của Ấn Độ có tiếp tục bền vững?Nhập khẩu dầu Nga của Ấn Độ có tiếp tục bền vững?
Nga đạt tốc độ tăng trưởng khoan dầu kỷ lục bất chấp cắt giảm sản lượng
Ảnh minh họa

Các giàn khoan tại đây đã khoan 14,7 nghìn km giếng khai thác trong nửa đầu năm nay, nhiều hơn 6,6% so với kế hoạch và 8,6% so với cùng kỳ năm 2022, theo dữ liệu của Bloomberg.

Ông Ronald Smith, nhà phân tích dầu khí tại BCS Global Markets có trụ sở tại Moscow, cho biết năm ngoái “đã chứng kiến kỷ lục khoan khai thác kể từ sau thời kỳ Xô Viết và với dữ liệu hiện tại, tôi kỳ vọng mức kỷ lục mới sẽ được thiết lập”.

Các công ty dầu mỏ của Nga đã tăng tốc hoạt động khoan ngay cả khi Điện Kremlin ra lệnh cắt giảm sản lượng 500.000 thùng mỗi ngày. Hành động này ban đầu chỉ có kế hoạch sẽ diễn ra trong vài tháng để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Ukraine. Tuy nhiên, nó đã được gia hạn cho đến cuối năm 2024 với sự phối hợp của các đồng minh trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Cho đến tháng 7, mức xuất khẩu dầu thô lớn bằng đường biển của Nga và tỷ lệ lọc dầu cao trong nước đã làm dấy lên nghi ngờ giữa những người theo dõi thị trường về việc liệu nước này có thực hiện đầy đủ các hạn chế đã công bố hay không. Số liệu thống kê dầu mỏ của Nga đã được giữ kín, gây khó khăn cho việc đánh giá tiến trình cắt giảm ngoài sự đảm bảo đến từ các quan chức năng lượng Nga.

Tăng năng lực khai thác trong tương lai

Hoạt động khoan khai thác ở mức độ cao của Nga không nhất thiết gửi đi bất kỳ loại tín hiệu nào về việc nước này tuân thủ các cam kết cắt giảm. Quốc gia này có thể đang đặt nền móng để khai thác nhiều hơn sau khi thỏa thuận OPEC + hết hạn vào năm tới.

Ông Viktor Katona, trưởng bộ phận phân tích dầu thô tại công ty theo dõi thị trường Kpler Ltd, cho biết: “Việc tăng trưởng khoan dầu không bổ sung ngay sản lượng nhưng góp phần vào năng lực khai thác trong tương lai, đó chính xác là những gì các công ty của Nga đang làm ngay bây giờ”.

Ông nói thêm rằng đó có thể là một dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp Nga không muốn giảm sản lượng của họ thêm nữa. Kpler ước tính rằng Nga đang bơm 10,7 triệu đến 10,8 triệu thùng dầu thô và khí ngưng tụ mỗi ngày.

Ông Ronald Smith cho biết cũng có thể các giảm khoan của các nhà khai thác đang làm những gì cần thiết để duy trì sản lượng hiện tại.

Ông nói: “Khi các mỏ dầu của Nga cạn kiệt dần, quốc gia này đương nhiên cần phải khoan nhiều hơn để duy trì năng lực khai thác, dù ở các mỏ mới hoặc ở các mỏ khó khai thác hơn”.

Tác động của các lệnh trừng phạt

Mức tăng trưởng khoan dầu này được ghi nhận khi ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt chưa từng có do các quốc gia phương Tây và các đồng minh của họ đưa ra vào năm ngoái để lên án cuộc xung đột ở Ukraine. Những hạn chế về cung cấp thiết bị và công nghệ năng lượng được đưa ra nhằm cắt giảm khả năng khoan và bơm dầu của Nga, một nguồn thu chính cho ngân sách quốc gia.

Các lệnh cấm cho đến nay tỏ ra kém hiệu quả, một phần là do tỷ lệ cao các nhà cung cấp dịch vụ dầu mỏ của Nga là các công ty trong nước. Vào năm 2021, trước cuộc xung đột, các công ty quốc tế chỉ chiếm 12% thị trường Nga. Tỷ lệ đó giảm xuống còn 9% trong năm 2022, theo ông Dmitry Kasatkin, một đối tác của Kasatkin Consulting.

Trong nhiều trường hợp, các nhà cung cấp nước ngoài là nguồn cung cấp thiết bị và dịch vụ công nghệ cao duy nhất cho ngành công nghiệp này Nga. Tuy nhiên, trong khi hai gã khổng lồ dịch vụ quốc tế - Halliburton Co. và Baker Hughes Co. - rời khỏi quốc gia đang bị trừng phạt này, chuyên môn, thiết bị và nhân sự của họ vẫn còn tại Nga do các công ty này đã bán các hoạt động kinh doanh trong nước của mình cho chính quyền địa phương.

SLB, nhà cung cấp dịch vụ dầu mỏ lớn nhất thế giới, tháng trước cho biết họ đang tạm dừng các chuyến vận chuyển sản phẩm và công nghệ vào Nga từ các cơ sở của mình trên toàn thế giới. Hành động này tuân theo lệnh cấm trước đó của SLB đối với việc cung cấp cho Nga từ một số quốc gia phương Tây và cam kết ngừng đầu tư mới vào hoạt động kinh doanh của mình tại quốc gia này. Tuy nhiên, SLB vẫn duy trì sự hiện diện của mình tại thị trường Nga, vốn chiếm 5% doanh thu quý hai của công ty, theo Giám đốc điều hành Olivier Le Peuch.

Đỗ Khánh

Bloomberg