Nếu đất khỏe, con người sẽ khỏe, thế hệ sau sẽ khỏe

14:28 | 18/10/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Ngày 18/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị triển khai Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Chuyên gia nhận định, nếu đất khỏe, con người sẽ khỏe, thế hệ sau sẽ khỏe.
Nếu đất khỏe, con người sẽ khỏe, thế hệ sau sẽ khỏe
Hội nghị triển khai Đề án "Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" diễn ra theo hình thức trực tiếp (tại Hà Nội) và trực tuyến, sáng 18/10.

Ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chủ trì hội nghị. Đại biểu tham dự đến từ các bộ ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế.

Sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng là yếu tố then chốt trong việc đảm bảo năng suất và chất lượng cây trồng, duy trì an ninh lương thực và phát triển nền nông nghiệp bền vững. Hiện nay, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về sức khỏe đất, như đất đai bị suy thoái do xói mòn, nhiễm phèn, nhiễm mặn ở các vùng thấp, và sự lạm dụng phân bón hóa học cũng như thuốc bảo vệ thực vật. Biến đổi khí hậu càng làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái đất, khiến dinh dưỡng cây trồng trở nên khan hiếm và mất cân đối. Những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp mà còn tác động nghiêm trọng đến sức khỏe con người và môi trường sinh thái.

Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng” được xây dựng nhằm bảo vệ và phục hồi tài nguyên đất, đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời xây dựng nền nông nghiệp bền vững và an toàn sinh thái. Đề án đã xác định rõ vai trò của quản lý đất và dinh dưỡng cây trồng trong việc ngăn chặn suy thoái đất, phát triển nông nghiệp hữu cơ và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Mục tiêu của đề án là nâng cao giá trị sử dụng đất, quản lý hiệu quả dinh dưỡng cây trồng, từ đó góp phần vào quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Nếu đất khỏe, con người sẽ khỏe, thế hệ sau sẽ khỏe
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung phát biểu tại hội nghị.

Nội dung chính của đề án bao gồm:

Hoàn thiện hệ thống pháp lý và tiêu chuẩn kỹ thuật: Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về đánh giá sức khỏe đất và dinh dưỡng cây trồng, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về sức khỏe đất nhằm theo dõi, giám sát chất lượng đất trên toàn quốc.

Phát triển công nghệ và ứng dụng khoa học: Đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển các giải pháp công nghệ cao, bao gồm việc ứng dụng vi sinh vật có ích, phân bón sinh học, và phân bón nhả chậm. Nghiên cứu các phương pháp canh tác bền vững, đặc biệt trên các loại đất "có vấn đề" như đất nghèo dinh dưỡng hoặc dễ bị xói mòn.

Đào tạo và nâng cao nhận thức cộng đồng: Tổ chức các chương trình tập huấn cho nông dân và cán bộ kỹ thuật về sử dụng phân bón hợp lý và quản lý sức khỏe đất. Phát triển mạng lưới cán bộ kỹ thuật phối hợp với các viện nghiên cứu và trường đại học nhằm nâng cao năng lực trong quản lý đất và dinh dưỡng cây trồng.

Huy động nguồn lực và hợp tác quốc tế: Kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và địa phương trong quá trình triển khai đề án. Đồng thời, đề xuất cơ chế huy động nguồn lực tài chính để đảm bảo tính khả thi và bền vững của các hoạt động.

Nếu đất khỏe, con người sẽ khỏe, thế hệ sau sẽ khỏe

PGS.TS Vũ Năng Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam, tham luận tại hội nghị.

Tại hội nghị, PGS.TS Vũ Năng Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam nhận định, việc bổ sung, tăng cường chất hữu cơ cho đất là việc cần thiết, lâu dài.

"Chúng tôi mong muốn có chương trình quốc gia nâng cao sức khỏe của đất gắn với cây trồng. Nói về sức khỏe đất có lẽ là khái niệm chưa rõ ràng, không phải ai cũng biết. Coi đất như là một cơ thể sống với 3 thành phần chính: vật lý đất, khoa học đất và sinh vật đất. Cần có chiến lược tăng cường hữu cơ cho đất tầm nhìn đến năm 2050 và thậm chí có thể hơn nữa. Nếu đất khỏe, sản xuất thực phẩm sẽ an toàn, con người sẽ khỏe mạnh và thế hệ sau cũng sẽ khỏe mạnh. Đây là việc làm lâu dài, liên tục", Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam phát biểu.

Bổ sung chất hữu cơ trong đất là yếu tố quan trọng nhất trong vật lý đất, khoa học đất và sinh vật đất. Việt Nam hiện vẫn chưa có sự thống nhất trong phân loại đất, hiện vẫn đang sử dụng hệ thống phân loại đất cũ.

Ông Dũng khẳng định, nếu được Bộ NN&PTNT chấp thuận, nửa đầu năm 2025, Hội sẽ hoàn thành nhiệm vụ thống kê, phân loại đất của Việt Nam; cuối 2025 sẽ hoàn thành xây dựng bộ tiêu chí đánh giá sức khỏe đất cùng với các cơ quan của Bộ NN&PTNT.

Ngay sau hội nghị, Bộ NN&PTNT sẽ ban hành kế hoạch hành động cụ thể để triển khai đề án một cách hiệu quả. Đề án cũng sẽ nhận được sự quan tâm và phối hợp của toàn bộ hệ thống chính trị, từ trung ương đến địa phương, để cùng chung tay bảo vệ và nâng cao sức khỏe đất, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Minh Khang

vietinbank
thaco