Năm 2021 - Thị trường Chứng khoán Việt Nam thăng hoa

00:49 | 01/02/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Năm Tân Sửu 2021 khép lại với nhiều thành công ngoài mong đợi của thị trường chứng khoán Việt Nam. Hàng loạt kỷ lục đã được thiết lập cho thấy sức sống và tiềm năng mạnh mẽ của thị trường. Từ số lượng tài khoản mở mới, giá trị giao dịch cho đến việc các chỉ số liên tục lập và phá các đỉnh lịch sử.
Tổng hợp tin Chứng khoán tuần qua (3/1 - 9/1/2022): Chứng khoán Việt Nam duy trì đà tăng trưởng, dẫn đầu thị trường châu ÁTổng hợp tin Chứng khoán tuần qua (3/1 - 9/1/2022): Chứng khoán Việt Nam duy trì đà tăng trưởng, dẫn đầu thị trường châu Á
Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2020: Bùng nổ giữa dịch Covid-19Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2020: Bùng nổ giữa dịch Covid-19
Năm 2021 - Thị trường Chứng khoán Việt Nam thăng hoa
Năm 2021 - Thị trường Chứng khoán Việt Nam thăng hoa. Ảnh minh họa. https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Tính chung trong năm 2021, các nhà đầu tư trong nước đã mở mới hơn 1,5 triệu tài khoản chứng khoán. Số lượng này lớn gấp 1,5 lần tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm từ 2017 đến 2020 cộng lại. Với số lượng tài khoản mở mới tăng thì giá trị giao dịch của thị trường cũng tăng nhanh chóng. Giá trị giao dịch bình quân tháng 11/2021 đã vượt 40 nghìn tỷ đồng. Trong đó, phiên giao dịch ngày 19/11 trở thành phiên có thanh khoản kỷ lục với xấp xỉ 54,4 nghìn tỷ đồng.

Các chỉ số cũng liên tục thiết lập các đỉnh mới. Trong khi VN Index đã phá đỉnh 1.500 điểm thì HNX Index cũng tiệm cận mốc 500 điểm. Năm vừa qua, VN Index trở thành một trong những thị trường có hiệu suất sinh lời cao nhất trên thế giới với mức tăng trưởng 35,6%. Trong đó, có tới 463/1724 cổ phiếu có mức tăng hơn 100%. Bên cạnh đó, HNX Index cũng đạt mức tăng 133,35%, tốt nhất châu Á. Để dễ hình dung, trong năm qua chỉ số MSCI các thị trường phát triển tăng 20%; hay ở Mỹ, chỉ số S&P 500 tăng 27%; tại Đài Loan TWSE tăng 24% và tại Ấn Độ Sensex tăng 22%.

Khi thị trường thăng hoa, hàng loạt các công ty chứng khoán cũng báo lãi “khủng” chưa từng có kể từ khi đi vào hoạt động. Lợi nhuận trước thuế của Chứng khoán SSI đạt 3.327 tỷ đồng, tăng 113% - tương đương một ngân hàng quy mô vừa tại Việt Nam. Riêng quý 4/2021, SSI đã lãi 1.264 tỷ đồng. Chứng khoán TCBS cũng có năm thăng hoa với lợi nhuận 3.810 tỷ đồng, tăng 42% so với năm trước. Dù vậy, lợi nhuận này đến nhiều từ hoạt động kinh doanh trái phiếu, thu xếp vốn cho các doanh nghiệp. VNDirect cũng đạt lợi nhuận 2.178 tỷ đồng, tăng 320% so với năm trước. Ngoài ra, Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) đạt lợi nhuận trước thuế 1.753 tỷ đồng, tăng 87%; HSC đạt 1.430 tỷ, tăng 117%; Chứng khoán Bản Việt đạt 1.851 tỷ đồng, tăng 95% so với năm trước…

Trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam, chưa bao giờ có sự phát triển thần tốc như thế. Và, ngành chứng khoán đã có sự đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước. Tại lễ đánh cồng năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: “Năm 2021, thu trên thị trường chứng khoán đã đạt khoảng gần 11.000 tỷ đồng, tăng rất tốt so với con số 5.200 tỷ đồng của năm 2020”.

Dù đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam cũng còn tồn tại nhiều hạn chế cần khắc phục để có thể phát triển bền vững. Đó là hiện tượng nghẽn lệnh vẫn còn xảy ra hay việc bán chui cổ phiếu vẫn xuất hiện trong khi chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Ngoài ra, sự yếu kém của hệ thống kỹ thuật khiến nhiều nhà đầu tư nhỏ chưa thể tham gia mạnh vào thị trường do quy định về lô 100. Thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp quyền lợi của nhà đầu tư chưa được bảo vệ đầy đủ. Để đưa thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung, dài hạn chủ yếu của nền kinh tế những yếu kém trên cần được khắc phục triệt để.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Văn Hưng