Mỹ mở phiên đấu thầu điện gió đầu tiên ngoài khơi Vịnh Mexico
Những chủ thể trong ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi non trẻ của Mỹ trông vọng rất nhiều vào cuộc đấu thầu điện gió ngoài khơi đầu tiên tại Vịnh Mexico, do chính quyền của Tổng thống Joe Biden tổ chức vào hôm 29/8. Trong mắt họ, dự án điện gió này là viên gạch đầu tiên xây nên chuỗi cung ứng hydro xanh mới cho khu vực công nghiệp rộng lớn này.
Hydro là nhiên liệu có mức phát thải carbon thấp, được tạo ra từ hoạt động điện phân nước. Do đó, hydro có thể giúp khử carbon khỏi các ngành công nghiệp và giao thông vận tải - hai nguồn phát thải lớn của nước Mỹ. Hydro đạt chuẩn "hydro xanh" nếu chúng được sản xuất bằng năng lượng tái tạo, và mang chuẩn "hydro xám" nếu quá trình này sử dụng nhiên liệu thải ra khí CO2.
Buổi đấu thầu ở Vịnh Mexico sẽ là bước đột phá so với lần tổ chức sự kiện chào mời người thuê hệ thống điện gió ngoài khơi trước đó, chủ yếu được tổ chức ở vùng Đông Bắc Mỹ. Tại đây, các nhà phát triển đã chi hàng tỷ USD cho những dự án nhằm tiếp cận những thị trường năng lượng đầy lợi nhuận và những khoản tiền mà tiểu bang cấp cho những dự án điện phi carbon.
Theo bà Cheryl Stahl - Giám đốc dự án chính tại công ty đánh giá rủi ro DNV: “Tại vùng Vịnh, điện gió ngoài khơi có ít khả năng hòa lưới điện. Vùng Vịnh sẽ trở thành nơi ươm mầm cho những giải pháp đổi mới”.
Vào ngày 29/8, lần đầu tiên tại một khu vực tràn ngập cơ sở hạ tầng cảng và đường ống dẫn dầu khí này, Cục Quản lý Năng lượng Đại dương (BOEM) của Bộ Nội vụ đã gọi thầu cho ba khu vực điện gió ngoài khơi Louisiana và Texas. Đối tượng mời thầu là những nhà phát triển điện gió ngoài khơi.
Vòng gọi thầu này cho thấy, chính phủ đặt mục tiêu cắt giảm lượng khí thải của ngành điện và chống biến đổi khí hậu.
Người phát ngôn của BOEM, John Filostrat, cho biết vùng Vịnh "đặc biệt được định hướng để chuyển dịch sang năng lượng tái tạo trong tương lai, bao gồm về cả phát triển, triển khai sản xuất và sử dụng hydro xanh".
Những công ty đủ điều kiện tham gia dự thầu ngày 29/8 là những đơn vị thuộc về các “gương mặt” nổi tiếng trong ngành năng lượng gió ngoài khơi của Mỹ: Shell, Invenergy, TotalEnergies...
BOEM cho biết, vào đầu năm nay, ba công ty này đã để mắt đến tiềm năng sử dụng điện gió ngoài khơi để sản xuất hydro xanh trong khu vực.
Vào tháng 4, Shell cho biết: “Vịnh Mexico có vị trí độc đáo và điều kiện thuận lợi, phù hợp cho việc sản xuất hydro xanh thông qua điện gió ngoài khơi”. Cũng theo họ, cơ sở hạ tầng đường ống và cảng hiện có trong khu vực, cũng như nguồn tài trợ mới của nhà nước, là điều kiện giúp phát triển hydro xanh.
Shell, Invenergy và TotalEnergies đã không trả lời phỏng vấn về kế hoạch của họ cho cuộc đấu giá sắp tới.
Hiệp hội Năng lượng Sạch Mỹ - một nhóm thương mại đại diện cho năng lượng gió ngoài khơi, cùng với những nhà phát triển năng lượng tái tạo khác, cũng cho biết hydro xanh sẽ “nâng khả năng tồn tại của thị trường năng lượng gió ngoài khơi”.
Một thị trường khác
Cuộc đấu thầu ở vùng Vịnh Mexico dự kiến sẽ không thu hút được hàng tỷ USD như lần gọi thầu hợp đồng cho thuê năng lượng gió ngoài khơi ở New York và New Jersey vào tháng 2/2022.
Những bang này đã thông qua luật yêu cầu các công ty điện lực phải mua điện từ các dự án gió ngoài khơi. Đối với họ, luật này có ý nghĩa quan trọng đối với một công nghệ sản xuất điện với chi phí biên cao gấp đôi một nhà máy nhiệt điện khí.
Các bang ở Đông Bắc Mỹ cũng có giá điện cao nhất nước, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt để có được loại điện gió ngoài khơi đắt đỏ.
Ngược lại, bang Texas và Louisiana không có quy định pháp lý nào về năng lượng sạch, có tốc độ gió trung bình chậm hơn vùng đông bắc, có nhiều rủi ro hơn trong mùa bão và có giá điện bán lẻ thấp hơn nhiều.
Ngay cả ở Texas - khu vực có thể sử dụng điện gió ngoài khơi làm nguồn cung mới cho mạng lưới điện mong manh của họ, các nhà phát triển cần tìm người mua sẵn sàng trả giá cao hơn thị trường, vì điện gió sản xuất từ đây không nhận được trợ cấp nhà nước.
Theo ông Alon Carmel - đối tác của công ty PA Consulting chuyên tư vấn cho doanh nghiệp điện gió ngoài khơi: “Khó mà lý giải quyết định đầu tư” vào vùng Vịnh Mexico.
Tuy nhiên, ông cho rằng những điều khoản về tín dụng thuế cho hydro trong Đạo luật Giảm lạm phát đã làm đề xuất kết hợp điện gió ngoài khơi với sản xuất hydro trở nên hấp dẫn hơn. Đối với ông, việc các nhà phát triển điện gió ở vùng Vịnh chuyển sang sản xuất hydro để kiếm lời là chuyện bình thường.
Bà Lacy McManus là giám đốc điều hành của cơ quan phát triển kinh tế Greater New Orleans Inc. Hiện nay, công ty bà đang phụ trách một dự án có sự hỗ trợ của nhà nước nhằm tạo ra một "cụm" hydro xanh ở phía nam Louisiana. Theo bà, ngành dầu khí trong khu vực này sẽ là một thị trường tiềm năng, mời gọi họ tìm cách đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư về việc giảm thải carbon.
Bà McManus cho biết: “Họ muốn bắt đầu thay thế các nguồn nhiên liệu hydro xám bằng hydro xanh. Điện gió giúp họ có hydro xanh ở quy mô cần thiết trong lĩnh vực công nghiệp".
Ngọc Duyên
AFP
- Cần thiết tạo quỹ đầu tư xanh hỗ trợ tài chính cho các dự án năng lượng tái tạo
- Hồ thủy điện Tuyên Quang sẽ mở cửa xả đáy thứ 4 từ 9h sáng
- Bộ trưởng KH&ĐT thăm địa điểm dự kiến xây dựng Nhà máy nhiệt điện Ka-lừm của PV Power
- Các học giả, chuyên gia kinh tế nói gì về vai trò, tầm vóc, “vận hội" của Petrovietnam?
- Từ bài học rác thải nhựa nhìn về hệ lụy phát triển ồ ạt điện gió, điện mặt trời
- Mở đường cho giao thông xanh: Giá xe, giá pin là những trở ngại lớn
- Thuế carbon có đáng lo ngại đối với các doanh nghiệp xi măng?
- Cần cơ chế, chính sách cho điện mặt trời mái nhà “tự sản, tự tiêu”
- Phát triển thị trường điện gió, điện mặt trời cạnh tranh: Còn nhiều gian nan!
- Thách thức khi khai thác tiềm năng tín chỉ carbon trong lâm nghiệp